Hà Giang: Ðẩy mạnh phát triển các Chương trình nông nghiệp, nông thôn

06:04, 07/04/2017

Trong năm 2016, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh triển khai thực hiện một số chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và đã mang lại hiệu quả bước đầu.

Một trong các chương trình nổi bật như Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; Chương trình dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng; Chương trình cánh đồng mẫu lớn "5 cùng" (cùng giống, cùng thời vụ, cùng chăm sóc, cùng phòng trừ sâu bệnh và cùng thu hoạch); Chương trình đầu tư có thu hồi để phục vụ tái đầu tư; Chương trình thành lập và phát triển các tổ hợp tác, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp – PTNT Hà Giang cùng các đại biểu thăm quan mô hình khảo nghiệm giống lúa mới tại huyện Vị Xuyên.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp – PTNT Hà Giang cùng các đại biểu thăm quan mô hình khảo nghiệm giống lúa mới tại huyện Vị Xuyên.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh đã có bước tăng trưởng đáng khích lệ. Trong năm 2016, tổng giá trị của sản xuất nông nghiệp ước đạt 3.569 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2015; thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt bình quân 41,3 triệu đồng/ha, tăng 1,3 triệu đồng/ha so với năm 2015. Sản lượng lương thực cây có hạt cả năm 2016 đạt 395,8 nghìn tấn, tăng 1,44% so với năm 2015, tương đương 5,6 nghìn tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 482,6 kg/người/năm…

Bên cạnh đó, sau hơn một năm triển khai các Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn đã giúp các địa phương trong tỉnh dần hình thành các tổ chức sản xuất trong nông nghiệp nhằm tổ chức lại sản xuất cho nông dân như mô hình HTX kiểu mới, tổ hợp tác. Ngoài ra, các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn  của Hà Giang đã nhận được sự đồng thuận của các cấp chính quyền và đông đảo người dân trong tỉnh…

An Giang: Trùng tu Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Trùng tu Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng ở tỉnh An Giang.

Mục tiêu đầu tư nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng thông qua các di tích hiện còn; đầu tư, tôn tạo đồng bộ về kiến trúc cảnh quan, từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng khu di tích nhằm hình thành một điểm sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống yêu nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân; điểm du lịch văn hóa đặc sắc của Thành phố Long Xuyên nói riêng và của tỉnh An Giang, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khu lưu niệm được đầu tư tu bổ, tôn tạo và nâng cấp các hạng mục công trình gồm: Ðền thờ Chủ tịch Tôn Ðức Thắng; nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp; nhà ở thời niên thiếu của Bác Tôn; nhà chiếu phim; nhà biểu diễn; nhà trưng bày tặng phẩm; nhà quản lý; cải tạo, xây dựng mới nhà vệ sinh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật...

Dự án được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020 với tổng mức vốn đầu dự kiến 55,25 tỷ đồng.

Bình Ðịnh: Miễn học phí cho học sinh bị thiệt hại do lũ lụt

Ngày 4-4, UBND tỉnh Bình Ðịnh đã ra quyết định về việc miễn thu học phí đối với học sinh là con các gia đình bị thiệt hại nặng do lũ lụt năm 2016 trên địa bàn, kể cả học sinh ngoài công lập.

Theo quyết định này, trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông (trừ học sinh tiểu học thuộc đối tượng không đóng học phí) là con của các gia đình bị thiệt hại nặng do lũ lụt năm 2016 sẽ được miễn học phí học kỳ 2 năm học 2016-2017.

Tỉnh đã phân bổ gần 65 tỷ đồng cho Sở GD và ÐT và ngân sách các huyện, thị xã, thành phố để cấp bù cho các đơn vị miễn thu học phí.

UBND tỉnh giao Giám đốc Sở GD và ÐT, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thẩm định, phê duyệt danh sách học sinh được miễn học phí để lập dự toán cấp bù miễn học phí theo thẩm quyền, gửi Sở Tài chính thẩm tra rút dự toán theo quy định, thực hiện thanh, quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Ðối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, kinh phí cấp bù để miễn thu học phí cho học sinh được tính theo mức thu học phí công lập trên địa bàn và theo vùng như quy định của UBND tỉnh.

Trong năm 2016, tỉnh Bình Ðịnh đã hứng chịu thiên tai nặng nề khi trong vòng 1 tháng đã xảy ra 4 trận lũ lịch sử, gây nhiều thiệt hại lớn về người và của, ước tính tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com