Quảng Ngãi: 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng cảng du lịch ở Lý Sơn

06:11, 25/11/2016

Tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức Lễ khởi công xây dựng Cảng giao thông Bến Ðình (thôn Ðông, xã An Vĩnh). Ðây là Cảng giao thông lớn nhất ở đảo Lý Sơn hiện nay.

Theo thiết kế, Cảng giao thông Bến Ðình được xây dựng trên diện tích 8ha (bao gồm trên bờ và mặt nước), với hệ thống kè bao bảo vệ dài 506m, đường dẫn cầu tàu dài 240m, cùng nhiều hạng mục như khu vực nhà ga, khu bán vé.  Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, Cảng bến Ðình có thể tiếp nhận cùng lúc 1 tàu có trọng tải 2.000 tấn, 1 tàu trọng tải 1.000 tấn, một tàu khách trọng tải 400 ghế, với vốn đầu tư 200 tỷ đồng.

Khách du lịch trong nước, quốc tế vui chơi, tắm biển ở đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn). Ảnh: M.Hoàng.
Khách du lịch trong nước, quốc tế vui chơi, tắm biển
ở đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn).

Dự án này do Sở GTVT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Cty CPXD công trình thủy Hà Nội. Thời gian thực hiện 18 tháng.

Sau khi đưa vào sử dụng Cảng giao thông Bến Ðình sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải như hiện nay, đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa trên địa bàn Lý Sơn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh của huyện đảo tiền tiêu.

Thừa Thiên - Huế: Mở cửa khu trưng bày cổ vật Chăm-pa

Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, sáng 23-11, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức lễ khai mạc Khu Cổ vật Chàm (Chăm-pa) tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng gần 30 hiện vật tiêu biểu, đặc sắc trong số 86 hiện vật của bộ sưu tập điêu khắc Chăm-pa đang lưu giữ tại bảo tàng này. Những hiện vật còn lại sẽ được lần lượt giới thiệu đến công chúng vào thời gian tới.

Năm 1928, Khu Cổ vật Chăm-pa chính thức mở cửa giới thiệu những cổ vật được sưu tầm tại kinh đô Huế và vùng phụ cận, tiếp đó được bổ sung nhiều cổ vật được khai quật từ Trà Kiệu (Quảng Nam) vào các năm 1927-1928 và Tháp Mẫm (Bình Ðịnh) năm 1934.

Các tác phẩm trưng bày có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14-15, thể hiện nền văn hóa Chăm-pa rực rỡ một thời. Khu Cổ vật Chăm-pa hoạt động đến năm 1945 thì đóng cửa.

Cho đến những thập niên gần đây, do điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép nên bộ sưu tập này chỉ ưu tiên phục vụ một số nhà nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, Khu Cổ vật Chăm-pa luôn được bảo vệ, chăm sóc và gìn giữ như một bộ phận cấu thành của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, thể hiện vị trí đặc biệt của văn hóa Chăm-pa trong tiến trình hình thành và phát triển những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế.

Phú Yên: Ðón Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Cầu ngư

Sáng 23-11, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với di sản Lễ hội Cầu ngư Phú Yên và trao cho các ban lạch ven biển trong tỉnh.

Lễ hội Cầu ngư là sinh hoạt văn hóa mang đậm yếu tố tâm linh của người dân ven biển gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông, Nam Hải đại vương chi thần, vị thần che chở, giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi khi lênh đênh trên biển.

Ở Phú Yên, Lễ hội Cầu ngư thường được tổ chức từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hằng năm. Lễ hội Cầu ngư hầu như bao giờ cũng có các nghi thức cúng tế, hát tuồng và trò chơi dân gian.

Lễ hội cầu ngư gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ gồm: Lễ nghinh Ông Nam Hải. Lễ này có nơi tổ chức ở miếu thờ, có nơi tổ chức ở cửa biển. Kế đến là màn chèo hầu bá trạo (hát bá trạo). Ðội chèo sẽ trình diễn hầu thần sau đó trình diễn phục vụ bà con. Tiếp đến là Lễ Thỉnh sanh. Lễ này thực hiện công tác dâng cúng lễ vật. Tiếp nữa là Lễ Tế thần Nam Hải. Ðây là lễ quan trọng nhất trong hoạt động cầu ngư. Trong lễ này, bộ phận hành lễ sẽ đọc bài chúc văn có nội dung ca ngợi công đức của thần Nam Hải, cầu mưa thuận gió hòa, xóm làng bình yên, người người ra khơi quay trở về bình an với tôm cá đầy thuyền… Phần hội gồm hát bội, các trò chơi dân gian diễn ra từ 1 đến 3 ngày, toàn bộ kinh phí do nhân dân trong ban lạch đóng góp…

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com