Quốc hội bầu Phó Chủ tịch và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội

08:04, 05/04/2016

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, sáng 4-4, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để bầu Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Theo Tờ trình do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày, nhân sự giới thiệu để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII gồm:

- Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;

- Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình Quốc hội Tờ trình đề nghị phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình Quốc hội Tờ trình đề nghị phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Nhân sự giới thiệu để Quốc hội bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII gồm:

- Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;

- Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;

- Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương;

- Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;

- Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội;

- Đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; 

- Đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Ngay sau đó, các đại biểu thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng trong sáng 4-4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình Quốc hội Tờ trình đề nghị phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Theo đó, theo báo cáo của Chính phủ, những năm gần đây, phía Hoa Kỳ nhiều lần nêu vấn đề về chính sách thị thực của ta gây khó khăn cho việc xin thị thực nhập cảnh Việt Nam của công dân Hoa Kỳ. Đặc biệt, sau khi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại Việt Nam được Quốc hội thông qua thì công dân Hoa Kỳ chỉ được cấp thị thực 3 tháng và không được gia hạn thời gian lưu trú.

Phía Hoa Kỳ cho rằng, chính sách này của Việt Nam không tương xứng với chính sách của Hoa Kỳ với Việt Nam và không tương xứng với quan hệ hai nước. Phía Hoa Kỳ đề nghị nâng thời hạn cấp thị thực cho công dân Hoa Kỳ lên một năm nhiều lần cho mục đích du lịch, hội nghị, việc riêng và các mục đích nhập cảnh khác.

Trên cơ sở nhất trí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Ngoại giao đã thay mặt Chính phủ trao đổi với phía Hoa Kỳ công hàm cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào ngày 27-1-2016. Phía Hoa Kỳ ngay sau đó cũng đã có công hàm chính thức đồng ý với công hàm của phía Việt Nam. Nội dung chính thỏa thuận như sau:

Chính phủ Việt Nam cấp thị thực có thời hạn đến một năm nhiều lần cho công dân Hoa Kỳ nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch, hội thảo, hội nghị, việc riêng hoặc làm việc với các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp tại Việt Nam và đáp ứng các điều kiện khác để nhập cảnh Việt Nam theo quy định của luật pháp Việt Nam.

Chính phủ Hoa Kỳ cấp thị thực một năm nhiều lần cho công dân Việt Nam nhập cảnh Hoa Kỳ với mục đích du lịch, hội thảo, hội nghị việc riêng hoặc làm việc với các cơ quan tổ chức doanh nghiệp tại Hoa Kỳ và đáp ứng các điều kiện khác để nhập cảnh Hoa Kỳ theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ. Nội dung thỏa thuận cũng đề cập rằng, mỗi nước có thể rút ngắn thời hạn thị thực và số lần nhập cảnh của từng trường hợp cụ thể theo luật pháp và quy định hiện hành. Tuy nhiên, nội dung của thỏa thuận nêu trên có điểm trái với quy định Luật Nhập xuất cảnh năm 2014 khi khoản 2 và 3 điều 9 Luật Nhập xuất cảnh 2014 quy định chỉ được cấp 3 tháng hoặc 6 tháng.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, Luật Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế năm 2005, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét quyết định phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình những nội dung cụ thể.

Sau tờ trình của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo về việc phê chuẩn Công hàm Thoả thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cũng trình bày báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Sau đó, thảo luận ở hội trường, các đại biểu đều tán thành với Tờ trình trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại và các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội khẳng định, hồ sơ trình Quốc hội về phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đúng Hiến pháp; thủ tục phù hợp với Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; nội dung không trái Hiến pháp, các nội dung mà Quốc hội sẽ phê chuẩn có thể áp dụng trực tiếp mà không phải sửa luật. Quốc hội nhất trí cho phép cấp thị thực có thời hạn một năm cho công dân Hoa Kỳ vào Việt Nam. Qua báo cáo trình Quốc hội và các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu và chỉ đạo chuẩn bị Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn công hàm với nội dung đã được góp ý để bảo đảm đúng Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.

Chiều 4-4, sau khi nghe kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách và bỏ phiếu kín bầu 2 Phó Chủ tịch Quốc hội và 7 Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và đồng chí  Phùng Quốc Hiển - Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội được đề cử để Quốc hội bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội.

Quốc hội cũng tiến hành bầu 7 Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, gồm: Đồng chí Hà Ngọc Chiến (Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc); đồng chí Nguyễn Thúy Anh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội); đồng chí Nguyễn Đức Hải (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương); đồng chí Nguyễn Thanh Hải (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng); đồng chí Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp); đồng chí Trần Văn Túy (Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương) và đồng chí Võ Trọng Việt (Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).

Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu kín bầu các chức vụ trên. Kết quả bỏ phiếu bầu hai Phó Chủ tịch Quốc hội và 7 Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ được công bố vào sáng nay (5-4)./.

Tin, ảnh: TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com