Đác Nông: Bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội văn hóa truyền thống

08:06, 11/06/2013

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nền văn hóa của tỉnh Đác Nông có bước phát triển khá toàn diện.

Trong đó, nổi bật là công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ. Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã khôi phục được 17 lễ hội truyền thống của các DTTS tại chỗ là M'Nông, Mạ, Ê Đê; xây dựng kịch bản hơn 40 lượt lễ hội tiêu biểu; tổ chức được 68 lớp truyền dạy cồng chiêng, 9 lớp chế tác nhạc cụ, 15 lớp tập huấn giới thiệu di sản văn hóa cồng chiêng tại các trường phổ thông dân tộc nội trú… Tỉnh đã mua, cấp phát 119 bộ chiêng, năm bộ Goong cho nhà văn hóa cộng đồng, 300 bộ trang phục truyền thống và 180 nhạc cụ dân gian M'Nông cho tám đội văn nghệ dân gian cấp huyện, thị xã. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như đan lát, cồng chiêng, dệt thổ cẩm, các trò chơi dân gian, nhạc cụ, sưu tầm truyện cổ, sử thi, Ót N'rông cũng được các cấp, các ngành quan tâm...

An Giang: Tổ chức sản xuất theo vùng chuyên canh

Tỉnh ủy An Giang chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp sáu tháng cuối năm 2013 và giai đoạn (2014-2015) như: Theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh gây hại, bảo vệ, chăm sóc tốt diện tích lúa đã cấy; mở rộng áp dụng GlobalGAP, VietGAP để hạ giá thành và nâng cao giá trị hạt gạo. Đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi phục vụ công tác tưới, tiêu và ngăn lũ bảo vệ sản xuất vụ thu đông an toàn. Tổ chức sản xuất theo hướng quy hoạch lại các tiểu vùng sản xuất chuyên canh theo mô hình "Cánh đồng mẫu lớn". Tạo liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gắn với cách tổ chức hợp tác với các nhà khoa học và sự hỗ trợ của Nhà nước để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao từ nay đến năm 2015. Triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; kiểm tra, kiểm soát chặt việc mua, bán, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc, thủy sản nhằm bảo đảm về môi trường và chất lượng sản phẩm. Triển khai và thực hiện có hiệu quả các tiêu chí về xây dựng NTM.

Quảng Ninh: Hoàn thành xây dựng lưới điện quốc gia khu vực nông thôn

Ngày 9-6, tại xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tổng Cty Điện lực miền Bắc tổ chức hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng lưới điện quốc gia khu vực nông thôn tỉnh Quảng Ninh năm 2011-2012. Có tổng mức đầu tư hơn 370 tỷ đồng, với 178 trạm biến áp, cấp điện cho gần 10.000 hộ dân thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Việc hoàn thành dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh và đóng góp tích cực vào sự thành công của chương trình xây dựng NTM.

Với kết quả này, Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng lưới điện quốc gia khu vực nông thôn./.

Theo Nhân dân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com