Hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

08:04, 26/04/2013

Ngày 24-4-2013, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ TN và MT đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các đồng chí: Nguyễn Minh Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN và MT; Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ và một số sở, ngành của tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Thực hiện Nghị quyết số 563/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban TVQH về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp, tiếp thu và giải trình ý kiến góp ý của nhân dân. Sau hơn 2 tháng, cơ quan soạn thảo đã tiếp nhận 6.958.845 lượt ý kiến góp ý của tổ chức và cá nhân. Về cơ bản, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đạt được những kết quả tích cực như: Được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm mới phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XI, đã cơ bản giải quyết các tồn tại, vướng mắc hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý Nhà nước đối với đất đai và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất đã được
quy định rõ ràng và cụ thể hơn trong dự thảo luật. Chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp đã được hoàn thiện theo hướng mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân; mở rộng hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; có quy định riêng về chế độ sử dụng đất trồng lúa nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn, đáp ứng mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường được tăng cường, thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai, khắc phục tình trạng “xin-cho” trong quản lý sử dụng đất; tạo sự bình đẳng hơn trong việc tiếp cận quyền sử dụng đất đai và việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài… Tuy nhiên Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn một số tồn tại, hạn chế trong quy định về cơ chế thu hồi đất; chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; định giá đất; chính sách thuế liên quan đến đất đai để đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai hiệu quả hơn, phù hợp với cơ chế thị trường.
Tại hội nghị, đại biểu Quốc hội các địa phương đã phát biểu đóng góp xây dựng dự thảo ở tất cả các chương, điều. Trong đó, tập trung đề nghị sửa đổi, bổ sung vào những vấn đề quan trọng như: Quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; về cơ chế thu hồi đất; chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; định giá đất; chính sách thuế liên quan đến đất đai; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số… Đề nghị bổ sung một số chương, điều quy định về trách nhiệm quản lý đất mặt nước đối với các địa phương ven biển, quy định đối với đất cảng hàng không, đất đặc khu hành chính kinh tế…
Các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội sẽ được Ban soạn thảo chỉnh lý, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com