Đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra trong đợt bão, lũ vừa qua

08:10, 17/10/2017

Ngày 16-10-2017, Sở NN và PTNT tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai công tác phòng chống bão số 10, lũ lớn trong hai tháng 9 và 10-2017 và thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị còn có lãnh đạo Sở NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND, Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố; lãnh đạo các Cty TNHH một thành viên KTCTTL.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, bão số 10 đã làm thiệt hại 6.337ha lúa, 1.008ha hoa màu; ước tính 4.000ha nuôi trồng thủy sản (NTTS) ngoài đê bị vỡ bờ bao, ngập hoàn toàn, 1.600ha nuôi ngao bị ngập vây; 5 trang trại chăn nuôi bị ngập, 20 lán trại chăn nuôi bị sập, tốc mái, đổ và bị thiệt hại 438 con gia súc, gia cầm… Bão số 10 đổ bộ đúng ngày triều cường có biên độ triều lớn, mực nước dâng lớn nhất trong bão từ trước đến nay làm sóng tràn qua mặt đê cao từ 3-4m tại nhiều đoạn gây lũ trên báo động 3 tại sông Hồng, sông Ninh Cơ, làm nhiều tuyến đê sông, đê biển bị sạt, sập, tràn… Tổng thiệt hại toàn tỉnh ước 756 tỷ đồng. Áp thấp nhiệt đới và mưa lớn từ ngày 2 đến 15-10-2017 đã làm ngập úng 50.928ha; thiệt hại về chăn nuôi do mưa bão, ngập lụt 3.900 con gia cầm, 1.192 con lợn. Tại huyện Ý Yên, vỡ tràn bờ bao Yên Bằng dài 20m, làm hơn 200 hộ dân bị ngập, ngập toàn bộ hoa màu, ao cá; tràn và vỡ bờ bao Yên Phúc, 20 hộ bị ngập, Yên Khang 20 hộ bị ngập…

Về kết quả khắc phục hậu quả bão số 10, áp thấp nhiệt đới ngày 10-10 và ảnh hưởng của bão số 11. Đối với hệ thống đê biển trong bão số 10: đã xử lý giờ đầu tại đê biển Cồn Tròn, Thịnh Long 3 (Hải Hậu); xử lý tại cống Thanh Niên và đê Ang Giao Phong (Giao Thủy). Sau bão số 10 đã xử lý xong các hư hỏng tại đê, kè cống Kiên Chính, Đinh Mùi, Hạ Trại, Hải Thịnh 2, Hải Thịnh 3 và hư hỏng của 5 mỏ kè Hải Thịnh 2; xử lý xong các hư hỏng tại cống Thanh Niên và xây lại toàn bộ phần đá lát khan 2 bên mang cống, hố sạt đê Ang Giao Phong và đã đổ xong bê tông. Trước bão số 11, huyện Hải Hậu huy động xử lý giờ đầu các hố bị sạt bằng cách lấp đầy các hố, sau đó phủ bạt chống sóng và xếp bao tải bảo vệ các hư hỏng mái phía đồng đê Cồn Tròn, Hải Thịnh 2, Hải Thịnh 3; huyện Giao Thủy huy động nhân lực, máy xúc, xe công nông chuyển đất, cát về đóng bao tải sau đó đổ bạt chống sóng, xếp bao tải cát lấp đầy hố sạt tại đê Giao Hương, Giao Thiện. Đối với hệ thống đê sông trong lũ và áp thấp nhiệt đới, huyện Hải Hậu đã xử lý chống tràn bối Hải Minh; huyện Nghĩa Hưng xử lý giờ đầu 2 lỗ rò lớn tại địa phận xã Nghĩa Hồng, xã Nghĩa Sơn đã tổ chức đắp tất cả các cửa khẩu và các đoạn đê thấp. Huyện Ý Yên chống tràn bờ bao Yên Bằng, Yên Phúc, Yên Khang; chống tràn bối Yên Trị dài 1.500m; xử lý đùn sủi, lỗ rò, thấm lậu tại các xã Yên Bằng, Yên Phương, Yên Hưng, Yên Phong… Đối với sản xuất nông nghiệp, vùng phía bắc tỉnh, Cty KTCTTL Bắc Nam Hà đã cho vận hành hết các trạm bơm do Cty quản lý; các trạm bơm vừa cũng như máy bơm dã chiến do các Cty KTCTTL trong tỉnh quản lý cũng vận hành bơm tiêu nhưng hiệu quả rất thấp vì mực nước trong đồng quá lớn. Vùng phía nam tỉnh, các Cty KTCTTL tranh thủ mở các cống đê tiêu, tuy số giờ mở không nhiều nhưng các cống đều tận dụng mở tiêu khi điều kiện cho phép. Đến hết ngày 15-10-2017, toàn tỉnh đã thu hoạch được 47% diện tích. Tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng là 60.600ha, trong đó bị thiệt hại do bệnh lùn sọc đen là 14.372ha; diện tích hoa màu bị thiệt hại 3.377ha; diện tích NTTS bị thiệt hại do mưa lũ 6.079ha.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá năm 2017 là một năm ngành Nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp; sản xuất vụ mùa, đầu vụ và cuối vụ bị úng ngập, giữa vụ lúa bị bệnh lùn sọc đen… gây thiệt hại rất lớn cho ngành Nông nghiệp. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các huyện, thành phố chỉ đạo quyết liệt, kịp thời trong công tác phòng chống thiên tai. Qua những đợt thiên tai vừa qua, các tuyến đê sông, đê biển đã bộc lộ nhiều sự cố bất ngờ chưa lường hết được. Do vậy đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT cùng các huyện tổng rà soát hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, xác định trọng điểm để đưa vào kế hoạch phòng chống thiên tai những năm tiếp theo và có phương án khắc phục sớm hậu quả của các trận bão, mưa lũ gây ra. Sở NN và PTNT sớm hoàn thiện quy trình xử lý đê trước khi bão vào; hướng dẫn quy định cho những người thực hiện công tác phòng chống thiên tai. Trong sản xuất, Sở NN và PTNT cần có báo cáo sâu về thiệt hại trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và NTTS để có biện pháp chỉ đạo trong thời gian tới. Hướng dẫn các huyện, thành phố đánh giá, rà soát, thống kê chi tiết diện tích thiệt hại do bệnh lùn sọc đen. Các địa phương cần động viên, khuyến khích huy động tối đa máy móc, nhân lực khẩn trương thu hoạch lúa mùa. Chăm sóc bổ sung cho những diện tích rau màu có khả năng phục hồi; gieo trồng thay thế các cây rau màu ngắn ngày, những cây ưa lạnh trên những diện tích bị mất trắng. Các địa phương bằng mọi giá phải bảo vệ đàn vật nuôi, các diện tích NTTS. Sở NN và PTNT tăng cường hướng dẫn đối với các hộ chăn nuôi, NTTS về các giải pháp kỹ thuật bảo vệ đàn vật nuôi, vùng NTTS, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch vệ sinh, tiêu độc, khử trùng./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com