Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào các dự án Luật

08:03, 28/03/2017

Ngày 27-3-2017, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi). Đồng chí Trương Anh Tuấn, TUV, Phó trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện một số sở, ngành của tỉnh có liên quan.

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27-11-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 bao gồm 26 chương, 426 điều. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý kiến vào các vấn đề: độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; tha tù trước thời hạn có điều kiện; xóa án tích theo quyết định của tòa án; tội tài trợ khủng bố; quy định xác định hàm lượng chất ma túy; quy định số lượng, khối lượng, thể tích, giá trị đối với hàng cấm; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội gây ô nhiễm môi trường… Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi, được quy định tại khoản 2, điều 12, nhiều ý kiến cho rằng nên lựa chọn phương án: người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng. Về quy định số lượng, khối lượng, thể tích, giá trị đối với hàng cấm, một số ý kiến đại biểu cho rằng không thể định giá, do đó kiến nghị chỉ nên xử lý hình sự bằng cách định lượng. Về tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản cần quy định rõ như thế nào là cố tình trốn tránh trách nhiệm. Các đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với trường hợp người che giấu tội phạm là người thân thích của người phạm tội đó. Đối với tội tham nhũng và môi trường cần quan tâm hơn nữa, phải tiếp tục rà soát và hoàn thiện hai lĩnh vực này. Riêng về mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, các đại biểu thống nhất phương án đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự đối với tội tài trợ khủng bố (Điều 300). Việc bổ sung này phù hợp với yêu cầu của Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng phù hợp với yêu cầu về thực hiện Công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã tham gia là thành viên…

Chiều cùng ngày, đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi). Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) có 10 chương, 136 điều, quy định về quản lý Nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng trong tình hình hiện nay, việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) là cần thiết nhằm bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công hiệu quả, tiết kiệm. Từ đó, đáp ứng được yêu cầu quản lý trong tình hình mới về khai thác nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đa số các đại biểu thống nhất nhiều nội dung trong dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) sắp được ban hành. Đồng thời đề nghị xem xét, giải thích rõ một số thuật ngữ, quy định rõ nguyên tắc chuyển đổi, thanh lý tài sản công, có chế tài cụ thể. Bên cạnh đó, cần quy định rõ về thẩm quyền quản lý, số người tham gia đấu giá tài sản công; quy định rõ tiêu chuẩn, định mức, đối tượng, cơ chế giám sát tài sản công; loại tài sản công phải được công khai và không cần công khai. Một số đại biểu đề  nghị có chế định, hướng dẫn cụ thể về các thay đổi nội dung việc công khai tài sản; danh mục tài sản công. Các đại biểu cũng đóng góp thêm về việc quan tâm đến phạm vi điều chỉnh, bảo đảm độ bao quát của luật này trong việc quản lý tài sản Nhà nước. Nhiều ý kiến đóng góp cho Điều 10 về các hành vi bị cấm, việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt và sử dụng trái phép tài sản công dưới mọi hình thức… đồng thời nên bổ sung thêm về việc khen thưởng những người kịp thời phát hiện, giao nộp những tài sản quý giá do khai thác được cho Nhà nước quản lý và quy định rõ ràng hơn những chế tài trong việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Có nên đưa vào dự thảo Luật này đối với Điều 15 về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước hay không, vì Luật Kiểm toán Nhà nước đã nêu rất chi tiết và cụ thể; ngoài ra cần có những quy định tăng cường chế tài gắn với trách nhiệm, để xử lý khi xảy ra sai phạm, thất thoát.

Thay mặt đoàn ĐBQH của tỉnh, đồng chí Phó trưởng đoàn ĐBQH tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, tổng hợp gửi cơ quan soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV./.

Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com