Kết quả triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tai xanh ở lợn

08:04, 22/04/2013

Ngày 20-4-2013, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm (BCĐ PCDB GSGC) tỉnh đã tổ chức họp nghe tình hình, kết quả triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tai xanh và kết quả kiểm tra của đoàn công tác liên ngành. Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ PCDB GSGC tỉnh chủ trì. Tới dự có các đồng chí thành viên BCĐ PCDB GSGC tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về công tác phòng, chống dịch tai xanh trên đàn lợn.

Về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, tuy có xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm, nhưng đến nay đã qua 29 ngày toàn tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch mới. Dịch lợn tai xanh phát sinh từ ngày 27-3-2013 tại 2 huyện Trực Ninh và Xuân Trường, đến ngày 19-4-2013, dịch đã xảy ra tại 2.601 hộ của 237 thôn thuộc 17 xã của 2 huyện Trực Ninh và Xuân Trường đã làm 14.955 con lợn ốm, phải tiêu huỷ 5.674 con với tổng trọng lượng 101.149kg. Nếu cộng cả số lợn phản ứng với vắc xin tai xanh tại các vùng uy hiếp thì số lợn đã tiêu huỷ là 5.886 con, tổng trọng lượng là 107.828kg.

Mặc dù tỉnh, các huyện và các xã đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt khoanh, dập các ổ dịch, nhưng đến nay dịch lợn tai xanh vẫn chưa được khống chế. Qua kiểm tra của 2 đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tại một số xã vùng dịch, lãnh đạo và người nuôi vẫn chủ quan trong công tác phòng, chống. Lãnh đạo xã không nắm chắc số lượng, số lợn mắc bệnh hằng ngày; các hộ nuôi còn nhiều hộ không tiêm vắc xin tai xanh, nhất là trên đàn lợn nái; vẫn còn hiện tượng vứt xác lợn chết ra kênh, mương…

Để nhanh chóng dập tắt dịch tai xanh, BCĐ PCDB GSGC tỉnh đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là: Tăng cường trách nhiệm của chính quyền, BCĐ PCDB GSGC các cấp, nhất là cấp xã, chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các biện pháp; rà soát, thống kê nắm chắc tổng đàn và tình hình dịch bệnh hằng ngày; chấn chỉnh công tác tiêm phòng vắc xin tai xanh cho đàn lợn tại các xã trong vùng dịch, các xã bị uy hiếp; tiếp tục tiêm phòng vắc xin bổ sung dịch tả, tụ huyết trùng cho số lợn chưa tiêm trong vụ xuân; triển khai tích cực tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường hoạt động các chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi…

Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ rõ những tồn tại trong công tác phòng chống dịch như lãnh đạo các cấp chính quyền chưa thực sự sâu sát, quyết liệt; phát hiện dịch bệnh còn chậm, một số hộ chăn nuôi vùng có dịch còn vứt xác lợn chết ra kênh, mương; tiêm phòng vắc xin tai xanh còn quá chậm, hiệu quả tiêm phòng chưa cao, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn lợn nái quá thấp; sử dụng vôi bột trong khử trùng, tiêu độc còn ít, chưa đạt yêu cầu; xử lý tiêu huỷ chưa nghiêm túc, vẫn còn hiện tượng người chăn nuôi vùng chưa có dịch tự vận chuyển, tiêu huỷ lợn ốm, chết; các chốt kiểm dịch hoạt động kém hiệu quả, kể cả chốt xã, huyện, tỉnh. Trong thời gian tới, 2 huyện có dịch phải tiêm hết số vắc xin tai xanh đã cấp xuống, chậm nhất là ngày 21-4-2013 phải tiêm xong. Thực hiện tốt việc khử trùng, tiêu độc, chú trọng sử dụng vôi bột kết hợp với phun thuốc; chỉ đạo các xã thành lập lực lượng chuyên tiêu huỷ lợn ốm không để các hộ tự tiêu huỷ. Trong tiêu huỷ phải xác định chính xác trọng lượng, lợn tiêu huỷ đã được tiêm phòng chưa, kể cả tiêm phòng vắc xin tai xanh và các bệnh đỏ: dịch tả, tụ huyết trùng, nếu hộ nào không tiêm phòng dứt khoát không được hỗ trợ khi tiêu huỷ. Với các huyện chưa có dịch cần rà soát lại đàn lợn một cách chính xác; rà soát lại kết quả tiêm phòng vắc xin vụ xuân, nếu chưa tiêm phải tổ chức tiêm bổ sung; vận động các hộ chăn nuôi đăng ký mua vắc xin tai xanh để tiêm phòng; thực hiện nghiêm túc tháng tiêu độc khử trùng. Với Sở NN và PTNT chỉ đạo lực lượng theo yêu cầu phòng chống dịch; lực lượng tăng cường chịu trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc, cập nhật thông tin về dịch, hằng ngày báo cáo về sở và chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống dịch tại địa bàn; xem lại biểu bảng thống kê, bảo đảm công tác quản lý và cam kết chặt chẽ; nắm chắc tình hình dịch hằng ngày; chủ động phối hợp với các ngành: Công an, Công thương và các huyện, thành phố về công tác phòng chống dịch và các chốt kiểm dịch. Sở Công thương, Công an bố trí lực lượng bảo đảm chốt chặt, các chốt hoạt động đúng quy định. Ngành TN và MT kiểm tra, giám sát việc tiêu huỷ, bảo đảm vệ sinh môi trường. Sở Tài chính xem xét, cân đối nguồn kinh phí, báo cáo và tham mưu cho tỉnh sử dụng trong phòng chống dịch. Đồng chí lưu ý tất cả các huyện, thành phố đều phải tổ chức chốt, duy trì nghiêm túc các chốt, kiểm soát chặt. Các chốt của tỉnh tại địa phương, tỉnh uỷ quyền cho huyện bố trí lực lượng và thực hiện kiểm soát. Ngay trong tháng 4-2013, tất cả các huyện, thành phố thành lập ít nhất 2-3 đoàn kiểm tra xuống các xã nắm chắc việc thống kê đàn gia súc, gia cầm; việc thực hiện tháng tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vắc xin… để chỉ ra những tồn tại cần khắc phục. Riêng 2 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiếp tục duy trì kiểm tra và có báo cáo bằng văn bản với BCĐ PCDB GSGC tỉnh trước ngày 30-4-2013./.

Tất Thắc
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com