Đồng chí Trường Chinh đặt nền móng cho tiến trình đổi mới ở Việt Nam (kỳ 2)

05:06, 23/06/2022

T.S Nguyễn Thắng Lợi

(Tiếp theo)

Trực tiếp khảo sát, tổng kết thực tế, góp phần củng cố cơ sở thực tiễn cho đường lối đổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp

Đồng thời với nghiên cứu lý luận, đồng chí tổ chức khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, làm rõ những thành công và thất bại ở cơ sở, phát hiện những yêu cầu và sáng tạo của nhân dân, trên cơ sở đó tìm tòi đổi mới cách nghĩ, cách làm trong xây dựng đất nước. Đồng chí khảo sát thực tế ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai - Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu - Côn Đảo, Long An,... Đến mỗi địa phương, đồng chí làm rõ đặc điểm tình hình, qua đó ghi nhận vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân và địa phương, cơ sở trong khắc phục khó khăn, tìm hướng đi lên.

Để đánh giá đúng tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 và 7 khóa V, năm 1985, đồng chí đi khảo sát thực tế ở tỉnh Nghĩa Bình và Quảng Nam - Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, là những địa phương có nhiều thế mạnh về kinh tế và có những điển hình tốt trong việc thực hiện chính sách lương và tính giá thành sản phẩm. Tiếp đó, đồng chí khảo sát thực tế tại Long An, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Nghệ - Tĩnh... Qua đó, nắm chắc tình hình thực tế ở ba miền.

Bám sát thực tiễn, sâu sát tình hình ở từng địa phương cơ sở, đồng chí đã củng cố những cơ sở thực tiễn sinh động tạo sự chuyến biến có tính bước ngoặt trong tư duy đổi mới của Đảng.

Để chuẩn bị cho Đại hội VI, ông Trường Chinh đã đi thực tế tại nhiều địa phương phía Nam để nắm bắt tình hình và lắng nghe các đề xuất. Ảnh: Tư liệu.
Để chuẩn bị cho Đại hội VI, ông Trường Chinh đã đi thực tế tại nhiều địa phương phía Nam để nắm bắt tình hình và lắng nghe các đề xuất. Ảnh: Tư liệu.

Từ thực tiễn trên, Hội nghị Trung ương 6 (7-1984) đã bàn và ra Nghị quyết Về những nhiệm vụ cấp bách trong công tác cải tiến quản lý kinh tế, đồng chí Trường Chinh đề xuất: nền kinh tế đòi hỏi phải có cơ chế quản lý năng động, cần bãi bỏ tập trung quan liêu, bảo thủ, trì trệ và bao cấp tràn lan, thực hiện đúng đắn tập trung dân chủ; phải tiến hành hạch toán, kinh doanh thật sự. Đồng chí kiên trì chủ trương này tại các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8 (khóa V) và cho đến Đại hội lần thứ VI.

Tại Hội nghị Trung ương 7 (12-1984), đồng chí nhấn mạnh "không có con đường nào khác là phải nhanh chóng chuyến từ bao cấp sang hạch toán, kinh doanh, loại bỏ tính chất hình thức, giả tạo, khôi phục tính chân thực của mọi hoạt động kinh tế nhằm thực hiện bằng được bước chuyển đổi"; phải thực hiện chính sách một giá; giải quyết vấn đề tiền lương là khuyến khích người lao động hăng hái làm việc; xóa bỏ tình trạng cửa quyền, ban ơn và tâm lý ỷ lại. Thực hiện Nghị quyết Trung ương, một số tỉnh, thành đã thí điểm bù giá vào lương và tính đủ giá thành vào sản phẩm và đã thấy một số kết quả khả quan. Tuy vậy, sự chuyển biến không đồng bộ, tư tưởng chưa dứt khoát, còn do dự, chần chừ, nên kết quả đạt được không như mong muốn.

Trong cuộc họp Bộ Chính trị (5-1985), đồng chí phân tích tính chất nửa vời, không đồng bộ của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, 7 và chỉ rõ phải dứt khoát bãi bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán, kinh doanh.

Trước những khó khăn của nền kinh tế lúc này, có ý kiến muốn quay về chính sách hai giá. Đồng chí kiên quyết bác bỏ ý kiến đó và đề nghị phải kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, giữ cho được chính sách một giá.

Tại Hội nghị Trung ương 8 (6-1985), với nội dung đặc biệt quan trọng là quyết định việc cải cách một bước về giá, tiền lương, tài chính và tiền tệ để bãi bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyên hẳn sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí xác định Nghị quyết Hội nghị sẽ chấm dứt thời kỳ điều khiển nền kinh tế bằng những mệnh lệnh hành chính, biểu hiện đặc trưng của cách quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang điều khiển nền kinh tế trên cơ sở vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, thông qua kế hoạch hóa gắn với hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Đồng chí đề nghị có nghị quyết nhất trí về nguyên tắc để thật sự chuyển sang hạch toán, kinh doanh, cần đưa đủ ở đầu vào, có chính sách ở đầu ra khi bán lẻ, thi hành chính sách một giá trên toàn bộ hoạt động của nền kinh tế.

Nghị quyết Trung ương 8 cũng xác định: "Trong tình hình kinh tế đang chuyển biến, chưa ổn định, cuộc điều chỉnh lớn và toàn diện về giá - lương - tiền lần này phải tiến hành khẩn trương, kiên quyết, nhưng phải tính toán kỹ lưỡng các phương án vững chắc gắn với việc xây dựng và hoàn chỉnh cơ chế quản lý mới", "Các chủ trương và việc tổ chức thực hiện ngay trong mỗi bước phải đồng bộ, quán triệt quan điểm xóa bỏ quan liêu, bao cấp".

Nghị quyết Trung ương 8 là mốc đánh dấu bước trưởng thành của Đảng ta trên mặt trận kinh tế khi xác định giải quyết giá - lương - tiền là khâu đột phá có tính quyết định để chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết như một luồng gió thổi vào các hoạt động của toàn xã hội. Đây là nghị quyết được triển khai nhanh và đi vào lòng dân với tràn đầy khí thế.

Đồng chí nhận thức rõ: Chống tập trung quan liêu, bao cấp là cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa tính năng động của yêu cầu đổi mới và tư tưởng bảo thủ, sức ỳ của những thói quen, giữa yêu cầu thiết lập quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa thực sự của toàn thể nhân dân lao động với chủ nghĩa cá nhân trong một số người, nhân danh bảo vệ chủ nghĩa xã hội để cố bám giữ đặc quyền, đặc lợi. Đây là cuộc đấu tranh diễn ra trong nội bộ Đảng, trong bộ máy nhà nước và các đoàn thể, trong nội bộ nhân dân, trong chính bản thân mỗi người chúng ta.

(còn nữa)

 


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com