Nghĩa tình của những người chăm nom nghĩa trang liệt sĩ

07:04, 30/04/2021

Trong những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi có dịp gặp gỡ những người đóng góp tâm sức với công tác mộ liệt sĩ. Họ thầm lặng tri ân, chăm chút cho từng ngôi mộ, cần mẫn chăm từng khóm hoa tươi thắm, quét dọn lá khô rơi, đảm bảo cảnh quan môi trường nghĩa trang liệt sĩ…

Ông Hoàng Quốc Hùng luôn hoàn thành tốt công việc đảm bảo Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Nam Định sạch, đẹp, trang nghiêm.
Ông Hoàng Quốc Hùng luôn hoàn thành tốt công việc đảm bảo Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Nam Định sạch, đẹp, trang nghiêm.

Thầm lặng tri ân

Chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Nam Định là ông Hoàng Quốc Hùng (66 tuổi). Dáng người thanh, giọng nói trầm ấm, ít ai biết rằng ông Hùng cũng từng nhập ngũ chiến đấu “vào sinh ra tử” ở các chiến trường khốc liệt, được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Chiến sĩ Giải phóng, Huy hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh, Huy hiệu Chiến dịch Xuân 1975… Trong câu chuyện thân tình, ông Hoàng Quốc Hùng cho biết: “Năm 1973, tôi nhập ngũ vào Sư đoàn 316 trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Sau đó thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đến năm 1980 phục viên về địa phương”. Năm 2004, ông làm việc tại Công ty Công trình đô thị Nam Định (nay là Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định) được phân công chăm sóc Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của tỉnh. Từ năm 2009, ông được Công ty phân công chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Nam Định. Từng là người lính tham gia quân ngũ, ông hiểu hơn ai hết những hy sinh của các đồng đội. Dù đã qua tuổi nghỉ hưu nhưng ông vẫn được Công ty tín nhiệm giao nhiệm vụ quản trang. Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Nam Định hiện đang quản lý chăm sóc gần 800 ngôi mộ liệt sĩ hy sinh trong cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó có hơn 200 ngôi mộ chưa biết tên. Trong Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Nam Định hiện có 7 đồng đội của ông đang yên nghỉ. Ông Hùng cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, Nghĩa trang liệt sĩ thành phố được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch đẹp, cảnh quan hài hòa, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn tới thăm viếng. Được làm nhiệm vụ bảo vệ phần mộ cho các liệt sĩ là tự hào, vinh dự của cá nhân tôi khi góp một phần công sức nhỏ bé của mình chăm sóc nơi yên nghỉ của đồng đội”. Đã 12 năm nay, ngày nào ông cũng cần mẫu quét dọn vệ sinh môi trường khu vực nghĩa trang, nâng niu trân trọng các phần mộ bằng tình cảm chân thành, sự biết ơn, quý mến của những người đồng đội dành cho nhau. Vào ngày mùng 1, mười rằm hàng tháng, Tết thanh minh, Tết Nguyên đán, ông đều hương khói, làm các nghi lễ theo phong tục tập quán với mong muốn sưởi ấm linh hồn cho các đồng đội mình, nhất là những ngôi mộ chưa biết tên. Vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hàng năm, nhiều trường học, cơ quan, đơn vị đến thắp hương, tri ân Anh hùng liệt sĩ, ông Hùng lại sắm vào vai “hướng dẫn viên” tận tình giới thiệu về nghĩa trang, kể chuyện truyền thống nói về những đóng góp hy sinh to lớn của các liệt sĩ với độc lập, tự do của dân tộc. Do trí nhớ tốt, mỗi khi có khách tới thăm viếng, tìm kiếm, ông đều tận tình chỉ giúp ngay được phần mộ liệt sĩ. Ông Hùng tâm sự, để chuyên tâm chăm sóc nghĩa trang, ông cảm thấy may mắn bởi luôn có người vợ là bà Lương Thị Ngọc Thuý (60 tuổi) động viên. Những công việc hàng ngày ở nhà đều do bà Thuý một mình gánh vác để chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Bà Thuý chia sẻ: “Chồng tôi làm nhiệm vụ vì cái tâm với đồng đội, với người đã khuất, đó cũng là cách để giáo dục các con, các cháu tôi noi gương. Đến tuổi này, chỉ mong 2 vợ chồng có đủ sức khoẻ để ông tiếp tục làm công việc ý nghĩa này…”.

Người ươm vườn hoa nơi các anh nằm 

Đến xóm 3, xã Xuân Trung (Xuân Trường), chúng tôi được nghe câu chuyện “cổ tích” giữa đời thường của bà Trần Thị Xuân (70 tuổi) với việc trồng hoa, chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ xã. Bà Xuân là con dâu của Mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Đậm. Chồng bà có 2 anh trai hy sinh năm 1967 ở Quảng Trị và năm 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bà Xuân cho biết: “Chồng tôi bị bệnh, mất sớm nên tôi luôn nhủ lòng phải thay chồng và mẹ chồng chăm lo phần mộ các liệt sĩ. Ban đầu tôi tìm đến các chị trong đội tập tế của xã vận động chị em sau mỗi buổi tập đến nghĩa trang dọn cỏ. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người trong xã biết tin đã tự nguyện đến tham gia quét dọn giữ cho nghĩa trang luôn sạch đẹp. Tiếp đó, tôi đến các gia đình có hoa để xin giống về trồng tại nghĩa trang liệt sĩ. Đến nay nghĩa trang liệt sĩ của xã luôn rực rỡ sắc màu của hoa mười giờ, hoa cúc, hoa huệ...”. Nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Trung hiện có hơn 160 liệt sĩ, trong đó nhiều người là bạn cùng trang lứa với bà Xuân. Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, nghĩa trang do xây dựng từ lâu nên xuống cấp, dù được địa phương chăm sóc vào dịp lễ, tết nhưng nhìn những ngôi mộ liệt sĩ bà cảm thấy không yên lòng. Việc tìm nguồn hoa, giống hoa được sự chung tay của nhiều người nên khá thuận lợi. Tuy nhiên, thời đó việc tưới hoa cũng mất nhiều công sức, bởi khu nghĩa trang khi đó không có nước. Vào các buổi chiều các con đi học về lại giúp bà ra ruộng xách nước chuyền tay nhau tưới hoa. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên hoa nở chưa đều. Sau đó, bà Xuân tự học hỏi kỹ thuật chăm sóc từng loại hoa, căn thời điểm hoa nở nên những dịp kỷ niệm chiến thắng 30-4, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Ngày Quốc khánh 2-9, khu vực nghĩa trang liệt sĩ xã luôn rực rỡ sắc màu… Bà Xuân phấn khởi chia sẻ: Hiện tại, từ năm 2010 đến nay, bằng nguồn ngân sách và huy động trong cộng đồng, xã tu bổ, nâng cấp phần mộ liệt sĩ, khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ: xây dựng các phần mộ, tượng đài, cổng, tường rào, 2 nhà bia với số tiền gần 2 tỷ đồng. Hiện nay, hệ thống nước sạch của xã được phủ khắp nên tiện cho bà tưới cây hàng ngày. Ngoài việc trồng hoa, hơn 10 năm qua, cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), bà Xuân lại xin phép Đảng ủy, UBND xã Xuân Trung được tổ chức lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ. Các buổi lễ được tổ chức trang nghiêm với sự có mặt của nhiều tăng, ni, phật tử và đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương. 6 người con được bà Xuân chắt chiu vượt khó nuôi cho ăn học nên người nay thành đạt trên các lĩnh vực thường xuyên góp tiền gửi về để mẹ Xuân làm việc thiện. Riêng vườn hoa Nghĩa trang liệt sĩ, bà Xuân đã giao cho con gái đang làm giáo viên tại địa phương sau này thay bà chăm sóc để nơi đây lúc nào cũng có nhiều hoa tươi, hoa đẹp.

Trong hoạt động tri ân các Anh hùng liệt sĩ, những đóng góp như của ông Hùng, bà Xuân thật đáng trân trọng. Những nghĩa cử thầm lặng ấy đã bày tỏ tấm lòng trân quý những người con đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, an ủi sẻ chia làm ấm lòng người thân liệt sĩ./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com