Ký ức tháng Tư

07:04, 30/04/2021

Vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) hàng năm, Hội trường nhà văn hóa Tổ dân phố Việt Cường, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) luôn là địa điểm của những cựu chiến binh (CCB) trong thị trấn lựa chọn làm điểm hội họp, ôn lại những giây phút hào hùng của dân tộc trong những ngày tháng Tư lịch sử.

Những khẩu pháo mang tên “Vua chiến trường”

Cựu chiến binh Đỗ Viết Tuỳnh (người đứng) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.  Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

Cựu chiến binh Đỗ Viết Tuỳnh (người đứng) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ảnh: Hoàng Tuấn

Hòa cùng niềm vui của nhân dân cả nước trong ngày kỷ niệm Chiến thắng 30-4, ông Đỗ Viết Tuỳnh, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Cổ Lễ, nguyên chiến sĩ pháo binh Lữ đoàn 38 (Bộ Tư lệnh Pháo binh) nhớ lại thời khắc lịch sử khi cùng đồng đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam. Cũng như bao lớp thanh niên thời đó, thực hiện lệnh Tổng động viên, chàng thanh niên Đỗ Viết Tuỳnh cùng đồng đội nhập ngũ tháng 2-1975. Nếu tính thời gian huấn luyện tân binh thì phải là 3 tháng nhưng do tình hình cấp bách, các ông vừa hành quân vừa huấn luyện. Ông Tuỳnh nhớ lại: “Chả biết có huấn luyện tân binh được một tháng hay không mà thấy huấn luyện gấp lắm. Rồi từ Lữ đoàn 204, tôi được điều về Lữ đoàn 38 pháo binh vào khẩu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 1. Sau này tôi mới biết, trong kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn Pháo binh 38 Bông Lau (Chiến dịch Hồ Chí Minh phát triển thành Lữ đoàn 38) đã lập nên một kỳ tích. Đó là đã bức hàng một Trung đoàn bộ binh tăng cường của quân đội Việt Nam Cộng hòa, bắt sống hàng nghìn tù binh, thu nhiều chiến lợi phẩm, đặc biệt có ba khẩu pháo tự hành 175mm, loại pháo mặt đất có cỡ nòng lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, được mệnh danh là “Vua chiến trường”, là “Sấm sét”. Sự kiện quan trọng này làm tan rã tinh thần quân lính đối phương, tạo điều kiện cho Sư đoàn bộ binh 304 tiến công diệt địch, tạo đà cho quân và dân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 2-4-1975, Lữ đoàn Pháo binh 38 Bông Lau nhận lệnh hành quân gấp tham gia chiến dịch. Cùng với đơn vị, sau 14 ngày hành quân thần tốc, an toàn, ông Tuỳnh và đồng đội đã đến điểm tập kết sớm 7 ngày so với mệnh lệnh. Vào tập kết ở một khu rừng xe pháo được ngụy trang rất cẩn thận. Tôi chỉ biết được ở gần giữa hai khẩu đội pháo cùng anh Trung đội trưởng, vì đây là khẩu đội 1 - khẩu đội đầu đàn của 4 khẩu đội ở một đại đội pháo. Anh tên là Chí quê ở Khoái Châu (Hưng Yên). Sau khi pháo được giấu kín, ngụy trang cẩn thận, anh em dẫn nhau đi đào hầm pháo ở trận địa. Hầm rộng, đường kính khoảng 11m, sâu 40cm. Ông Tuỳnh nhớ lại: “Một kỷ niệm sâu sắc nhất đối với tôi đó là khi tối hôm đó, tôi được ngủ; một số anh em tiếp tục đào hầm pháo thì bỗng một tiếng nổ xé rừng (sau này mới biết là tiếng nổ của đạn pháo 105mm của địch) sát trận địa không xa. Phựt một phát, tôi rơi khỏi võng bị đầu chữ A của hầm đánh vào lưng đau điếng...; lúc tỉnh ra mới biết, anh Trung đội trưởng dùng xẻng bộ binh chặt đứt dây võng làm tôi rơi xuống để tránh đạn pháo của địch”, Lữ đoàn Pháo binh 38 Bông Lau có nhiệm vụ tập kích hỏa lực vào hai mục tiêu lớn là sân bay Tân Sơn Nhất và trụ sở Bộ Tổng Tham mưu quân lực ngụy. Khoảng 11 giờ ngày 30-4-1975 Lữ đoàn Pháo binh 38 Bông Lau đã bắn loạt cuối cùng vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy Sài Gòn. Sau này chúng tôi được biết, đó cũng là loạt đạn cuối cùng của pháo binh quân đội ta góp phần kết thúc thắng lợi cuộc chiến đấu vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng nhưng 2 ngày sau đơn vị mới cơ động ra khỏi khu vực rừng trú ẩn và hành quân về thị trấn Dĩ An - Thủ Dầu Một, gần ngã ba Vũng Tàu tập kết ở đó để đón mừng chiến thắng và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Với những chiến công vang dội, Lữ đoàn Pháo binh 38 Bông Lau được tặng thưởng Huân chương Quân công, các Tiểu đoàn, Đại đội đều có nhiều cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng.

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Vượt đường Trường Sơn vào chiến trường. Ảnh: Tư liệu

Vượt đường Trường Sơn vào chiến trường.

Ảnh: Tư liệu

Cũng trong câu chuyện của các CCB thị trấn Cổ Lễ, người gây ấn tượng là ông Dương Văn Tứ, nguyên lái xe Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn. Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng với giọng nói sang sảng, ông hào hứng kể lại những tháng năm hành quân tiếp vận cho chiến dịch. Tháng 9-1971, ông Tứ bắt đầu vào chiến trường, được đi học lái xe tại Trường Đào tạo 255 ở Sơn Tây, thuộc Đoàn 808, Tổng cục Hậu cần. Khoảng 2 tháng học lái xe, ông được đơn vị cử trực tiếp lên km số 6 Đồng Đăng để nhận xe, trong đó có 200 “xe 3 cầu” xe Zin 137. Vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, với nhiệm vụ tiếp vận cho Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, ông Tứ là một trong những lái xe và bảo vệ xe an toàn. Trong chiến trường bom đạn ác liệt, vượt dốc leo đèo, qua ngầm, qua suối, không ít xe đã bị bom, người bị thương. Nhưng để hoàn thành nhiệm vụ, những đoàn xe, đoàn người vẫn tiếp tục lên đường. Ông luôn tự hào vì đã lái xe chạy được hàng nghìn km an toàn, tiết kiệm hàng nghìn lít xăng. Với nhiều thành tích ông Tứ được tặng nhiều Huân, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Với những người lính lái xe như ông Tứ, việc bảo vệ an toàn cho người và xe, để đoàn xe khi chở hàng, chở bộ đội đi đến nơi, về đến chốn là cực kỳ quan trọng. Bởi thế, ngoài tinh thần gan dạ, dũng cảm, mỗi chiến sĩ đều phải nhạy cảm, có khả năng nghe máy bay địch, lựa địa hình rừng núi để tránh bom. Ông Tứ nhớ lại, đường Trường Sơn nhiều đèo, ngầm, đường đi khó khăn. Trên đầu máy bay trinh sát của địch bay lượn trên đầu. Chúng thả pháo sáng rồi thả bom phát quang, bom bi inh tai nhức óc. Nhiều chuyến hàng, quân địch thả bom nổ chậm vào phía trận địa pháo và cả đội hình xe. Thùng xe nào cũng đầy bộ đội của ta ngồi. Nguy hiểm hơn là đường mới mở nên anh em công binh chưa kịp đào hầm, hố tránh bom. Ngày nghỉ, đêm đi, vượt đèo, băng suối trong khi đó xe lại chạy vào ban đêm bằng đèn rùa tối om, đường xấu, lại nhiều đèo cao vực sâu. Thế nhưng ai cũng đem hết tinh thần và nghị lực, với ý chí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vượt qua bao khó khăn, bảo đảm đội hình xe đi đến nơi về đến chốn. Ông Tứ chia sẻ: Phải khẳng định, tinh thần vượt khó, sáng tạo trong chiến đấu, mở đường, lái xe nơi tuyến lửa Trường Sơn vô cùng lớn lao. Còn nhớ có một đoàn nhà báo Mỹ đến phỏng vấn Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Văn Chiến, quê ở xã Hải Đông (Hải Hậu), nguyên chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 101, Binh trạm 31, Đoàn 559 (cùng đơn vị với ông Tứ) trong đó có câu: “Có điều chúng tôi không thể hiểu, là chúng tôi đánh nhiều thế mà xe của các ông vẫn cứ chạy, dù bom dội xuống liên tục?”. Anh hùng LLVT Đỗ Văn Chiến, trả lời: “Chúng tôi chạy là để thắng các ông. Các ông không đủ khả năng đánh hết đường Trường Sơn đâu. Các ông đánh đường này chúng tôi chạy đường khác. Chúng tôi có ý chí và trái tim yêu nước để vượt qua bom đạn của các ông”.

***

Mặc dù tuổi đã cao nhưng những CCB đã từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước luôn phát huy truyền thống anh hùng và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Những chiến công của các ông là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Hoàng Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com