Tôi làm giao thông cho anh Thụ, anh Chinh (kỳ 9)

06:07, 16/07/2019

Trần Thị Sáu

(tiếp theo)

Tôi quyết định vào chơi nhà ông ta. Kể ra dấn thân vào nhà một viên thứ chỉ mà chưa biết đích xác thái độ của họ cũng là một điều nguy hiểm. Tôi xách cái giỏ trong đựng một tấm vải đi mượn. Vừa bước vào đến sân đã thấy năm con chó xô ra sủa dữ dội. Con nào cũng cao to, răng nhọn hoắt. Viên thứ chỉ từ nhà khách lật đật chạy ra... Lúc này, tôi mới để ý đến những dãy tường hoa chạy san sát và mấy cơ ngơi nhà gạch đồ sộ. Tôi bước vào nhà khách. Lúc này, tôi mới hơi giật mình vì thấy một lũ chánh tổng, lý trưởng đang ngồi sẵn trên ghế ngựa chờ đánh tổ tôm... cả bọn đầu trâu mặt ngựa đều nhìn tôi trân trân.

Tôi bình tĩnh ngồi vào tràng kỷ và hỏi thăm:

Cụ bà cháu có nhà không ạ?

Bà thứ cháu đi đâu?

Viên thứ chỉ rót nước mời tôi, tay ông ta run run.

Bọn hào lý hỏi vớ vẩn:

Cô hàng vải quen ông thứ chỉ nhà cháu lâu chưa ạ?

Tôi quen đã được năm, sáu năm rồi.

Lúc này, viên thứ chỉ mới bắt đầu hoàn hồn. Ông ta bảo:

Bà thứ cháu đau bụng nằm trên nhà.

Tôi sốt sắng:

Thế cụ để tôi lên xem bà nhà đau bụng đau bão thế nào.

Nói xong, tôi lên buồng vợ ông ta. Tôi chỉ gợi chuyện với vợ viên thứ chỉ một lúc, bà ta đã kể lể việc bà ta đau bụng vì có mang sáu tháng, rồi chuyện gia đình nữa.

Một lúc sau, viên thứ chỉ đi mời ông anh rể sang đánh tổ tôm với bọn hào lý và lên nhà tiếp tôi...

Ngày hôm sau, cô con dâu bị đòn bữa trước, đi cắt cỏ gặp tôi bảo rằng:

Chị vừa đi khỏi, chồng em ở trong buồng, bỗng đẩy cửa đánh đùng một cái chạy ra bảo bu em: "Bà ấy nói với bố con cái gì bu cũng mặc kệ nhé. Đừng có bép xép mà chết đấy". Tôi biết gia đình này đã có thái độ tốt. Chúng tôi chỉ mong họ im lặng để cho chúng tôi hoạt động đã là khá rồi. Nhưng thái độ của gia đình ấy còn khá hơn điều chúng tôi mong muốn. Anh con trai ủng hộ cơ quan in của ta 20 đồng. Rồi viên thứ chỉ còn ủng hộ ta thêm 100 đồng nữa.

Sang năm 1945, nhất là từ sau ngày 9-3-1945, phong trào cách mạng quanh Hà Nội ngày càng lên cao. Chúng tôi tổ chức mít tinh ở ngoài đồng, đưa những đồng chí trung kiên ở các nơi đến nghe. Chúng tôi lãnh đạo phá kho thóc rồi vác súng đi cướp thuyền thóc của Nhật chia cho dân nghèo. Có lúc tổ chức cả triển lãm sách báo ở các làng. Báo Cờ Giải Phóng vẫn từ làng Vân Nội truyền đi khắp nơi.

Cơ quan in được chuyển đến nhà anh Sọt, một quần chúng trung kiên rất tốt.

Một hôm, giữa làng Vân Nội và làng Trung Oai bên cạnh xảy ra một vụ xô xát vì tranh chấp ruộng đất. Bên Trung Oai có thằng bá Vận quen Nhật liền mang lính Nhật về đánh làng Vân Nội. Bá Vận dẫn mấy tên lùn sục sạo vào làng, đến một gia đình hắn thù ghét. Chẳng may hắn đi nhầm vào nhà anh Sọt. Thế là cơ sở của ta chỉ vì một sự tình cờ đã bị vỡ lở.

Tên bá Vận thấy căn buồng cứ đóng cửa im ỉm, tưởng có người làng Vân Nội trốn trong đó, liền đẩy cửa định xô vào. Hai đồng chí thợ in một người giữ cửa, một người phá vách chuyển báo Cờ Giải Phóng mới in ra chuồng trâu phía sau. Anh Tuấn thợ in không giữ cửa được nên rút súng mà bắn mấy phát, một phát sả hàm thằng bá Vận. Các đồng chí thợ in rút chạy. Bọn Nhật cũng rút chạy về báo cấp trên. Anh Chinh nghe thấy mấy phát súng biết là có động vội cất giấu tài liệu ngay rồi chạy đến hỏi tôi:

Tiền quyên được chị để đâu?

Ta vừa quyên được một số tiền lớn, bọc làm một bọc, ngoài ra còn bốn thúng vừa thuốc tây vừa lựu đạn, vừa tín phiếu. Một đồng chí giữ bốn thúng ấy, khi thấy động, lúng túng không biết cất giấu đi đâu, liền mang ra để ngoài ruộng. Nhân dân đi làm đồng thấy lạ liền đứng xúm đông xúm đỏ chung quanh. Chúng tôi tiếc ngẩn ngơ muốn xông vào đem bốn cái thúng đó đi nhưng làm như thế sẽ rất nguy hiểm, nên đành bỏ.

Anh Chinh rút ngay ra khỏi làng, còn tôi phải đảo lại một lượt, đi đến các cơ sở cất tài liệu, sau đó bò trong ruộng khoai lang đến nhà anh Chiêm lấy gói tiền buộc vào bụng trông như người có chửa. Tôi sang làng Bỏi, đến nhà bà Tấc là nơi hai anh thợ in thường đến, quả nhiên gặp hai anh ở đó. Anh Tuấn bị thằng bá Vận chém một nhát, máu còn chảy. Tôi nhai hai miếng trầu lấy bã đắp cho anh rồi tất tả đi tìm anh Trần Độ và anh Trần Cư.

Lúc này, giặc thúc trống ngũ liên ầm ầm tứ phía. Người làng Vân Nội nhốn nháo, gánh gồng con cái, nồi niêu, tản cư xuống làng Phương Trạch. Trên cánh đồng, người đông nghịt. Tiếng khóc, tiêng lợn kêu, tiếng trâu bò rống vang xa...

Giặc khám thấy nhiều tài liệu, bảo:

Cả làng Vân Nội này đều làm cộng sản.

Chúng bắt mất chín thanh niên đem đi tra khảo. Chẳng ai chịu nói một lời. Có người rất anh dũng. Anh Chiêm bị chúng nó đánh và tra hỏi:

Mày làm cộng sản à?

Ừ, tao làm cộng sản. Anh trả lời dõng dạc.

Người thanh niên nông dân ấy bị chúng đánh cho đến chết.

Mấy hôm sau, viên thứ chỉ gặp tôi ở chợ Bỏi, hỏi:

Bây giờ phải làm thế nào hả chị?

Tôi bảo nên đem tiền đi đút lót chạy cho những người làng. Viên thứ chỉ ấy nghe theo lời tôi.

Cơ sở của Đảng ở Vân Nội bị tạm vỡ nhưng đó chỉ là một thiệt hại rất nhỏ. Cao trào cách mạng ngày càng lên cao. Ở khắp nơi vẫn nổi lên míttinh, phá kho thóc, rồi thành lập các đội tự vệ, các đoàn thể cứu quốc. Hai anh thợ in lại chuyển về làng Phú Gia gần Hà Nội hơn. Báo Cờ Giai Phóng lại tiếp tục được in. Rồi đến ngày cách mạng thành công. Đúng hôm 19-8-1945, ta cướp được mấy thuyền thóc của Nhật ở Chèm, liền đem thóc về cứu tế ngay cho dân làng Vân Nội.

Sau đó, tôi trở về làng Liên Mạc quê tôi. Anh Ba và hai đứa con gái trông thấy tôi rưng rưng nước mắt. Hai đứa con tôi gầy guộc như hai cái xác ve. Tôi ôm chúng vào lòng nghĩ bụng:

Các con ơi, cách mạng thành công rồi! Đời các con sẽ không tủi nhục như trước nữa đâu./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com