Bản đề cương văn hóa và việc thành lập Hội Văn hóa cứu quốc (kỳ 1)

06:07, 24/07/2019

Như Phong

Cuối năm 1942, một hôm, anh Học Phi tìm đến nhà gặp tôi. Trong những ngày sôi nổi của phong trào Mặt trận Dân chủ, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp anh lui tới tòa soạn báo Tin Tức, báo Đảng bấy giờ, ở đường Phùng Hưng, nhưng chưa có dịp đi lại thân mật với nhau nhiều, vì mỗi người ở một công tác khác. Lần này, thấy anh tới nhà, tôi bỗng thấy vui mừng hết sức. Trong thời kỳ hoạt động bí mật ấy, anh em cùng phong trào mà đến tận nhà tìm nhau thường thường chẳng phải là chuyện đến thăm, đến chơi bình thường.

Tôi bị mất liên lạc với tổ chức đã đến gần hai năm. Các đồng đội gần tôi nhất đều đã đi xa, hoặc bị bắt. Tôi không gặp lại được Nguyễn Thường Khanh, sau một cuộc hẹn gặp bí mật hồi tháng 6- 1939 bị lỡ một cách rất đáng bực mình. Cuối năm 1939, tôi đã bắt liên lạc được với Đào Duy Kỳ và đã bắt đầu bàn định một kế hoạch công tác với nhau, thì không may tôi bị bắt, lúc được thả ra Kỳ không còn ở Hà Nội nữa. Nguyễn Văn Trạch (tức Hồng Quang) bị bắt vào hồi giữa năm 1941 và đã tuyệt thực cho đến chết ở Hải Dương. Nguyên Hồng, ngay khi thực dân Pháp bắt đầu mở những cuộc khủng bố có tính cách "phòng ngừa", đã bị chúng bắt đưa đi "căng"; đến giữa năm 1942, anh bị đưa về quản thúc ở Hải Phòng, tôi có tìm xuống gặp vài lần, thì bạn tôi cũng ở cùng một tình cảnh như tôi: mất liên lạc...

Đồng chí Trường Chinh nói chuyện với cán bộ ngành tiểu thủ công nghiệp.
Đồng chí Trường Chinh nói chuyện với cán bộ ngành tiểu thủ công nghiệp.

Đối với những người có cái hạnh phúc được nhập vào hàng ngũ của một tổ chức Đảng, sự mất liên lạc với đoàn thể là một nỗi bất hạnh khó tả lên được. Đó là một tình trạng vừa cô đơn, vừa bất lực tự thấy mình như bị cắt rời ra khỏi một cái gì bấy lâu đã trở thành lẽ sống, sức sống của mình.

Một đêm tối mù mịt và ngột ngạt đang đè nặng trên đất nước chúng ta. Các chính sách khủng bố, cướp đoạt của thực dân Pháp và phát xít Nhật làm cho nhân dân ta điêu đứng khổ cực, khốn quẫn, hầu như không còn đất sống nữa. Là một người hoạt động văn học và báo chí, quen quan sát cuộc sống và tìm hiểu sự thật, lại được trang bị ít nhiều bằng lập trường cách mạng của Đảng và phương pháp nhận thức của chủ nghĩa Mác - Lênin, tôi không thấy khó khăn gì lắm mà không nhìn ra những thủ đoạn hết sức độc ác trong các chính sách của chúng. Đặc biệt đối với chính sách văn hóa của chúng, có thể nói là trực tiếp đụng chạm đến quyền lợi của giới chúng tôi, tôi lại càng nhìn rõ dã tâm, âm mưu của bọn giặc ăn cướp, giết người, lại vừa lừa bịp trắng trợn ấy. Tôi đã có dịp nói đến chính sách văn hóa của Pháp và Nhật trong thời kỳ ấy và mong rằng sẽ còn có dịp mô tả, phân tích kỹ hơn.

Hồi ấy, tôi không có việc gì để làm nên vớ được sách báo gì đọc hết. Đọc cả những sách báo của Pháp và Nhật và của những tên bồi bút ra mặt hay giấu hình của chúng. Càng đọc càng thấy những cơn giận trào lên đến tận cổ. Tội ác của chúng đầy rẫy, hàng ngày cứ ra đường là đã thấy rõ rồi. Vậy mà chúng vẫn trâng tráo tuôn ra đủ luận điệu gian dối lừa bịp, giả đạo đức... Chúng đánh giá thấp lương tri và trí tuệ của con người đến mức ấy là cùng!

Một câu thơ luôn luôn trở lại trong trí nhớ tôi, vào những buổi tối ngổn ngang tâm sự...

"Đêm nay, lòng rộn bất bình,
Yên làm sao được trong tình gối chăn".

Câu thơ này, mới đầu tôi không biết là của ai, ký một tên chưa hề quen, nhưng sau này tôi được biết là của chính Nguyễn Thường Khanh, người đồng đội cũ của tôi. Câu thơ này, tôi nhớ mãi vì đã nói hộ tâm trạng của tôi trong thời gian ấy...

Anh Học Phi đến, chúng tôi cũng chẳng phải đắn đo, thăm dò ý tứ gì của nhau cả, mà đi thẳng vào công việc ngay.

Tôi nói với anh Học Phi là tôi bị mất liên lạc với tổ chức từ lâu, không hiểu rõ tình hình và đường lối, chủ trương của Đảng bấy lâu ra sao và tôi nói đến nỗi buồn bực của một người không hề có ý định chạy dài nhưng vẫn phải chịu nằm im... Học Phi cười: "Tôi đến vừa may, vừa đúng lúc...".

Anh phổ biến cho tôi nghe qua về đường lối, chủ trương của Đảng lúc bấy giờ. Trong Hội nghị Trung ương lần thứ tám, họp giữa năm 1941, Đảng đã quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ trước tiên, tạm gác lại những nhiệm vụ đấu tranh chưa cấp bách để tập hợp lực lượng cho công cuộc đoàn kết rộng rãi tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo có tinh thần chống Pháp, chống Nhật giành độc lập cho đất nước... Mặt trận phản đế, hồi cách mạng mới chuyển vào bí mật, phải mở rộng thành một Mặt trận dân tộc thống nhất, phải phát triển rộng hơn nữa, lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh... Trong Mặt trận Việt Minh, có Đảng ta, có những đảng phái khác tham gia, có những tổ chức "cứu quốc" của các giới, các tầng lớp như: Công nhân Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, ... Riêng về giới văn hóa, mới đầu Đảng định cho tổ chức các Hội Văn nhân Cứu quốc, Giáo viên Cứu quốc, .., nhưng sau thấy những người hoạt động văn hóa về cơ bản có những tính cách giống nhau có những quyền lợi chung về tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, lại có một nguyện vọng chung sâu xa nhất là muốn được đóng góp vào một nền văn hóa chân chính của dân tộc, nên đổi lại dự định, đặt ra một tổ chức chung cho cả giới là Văn hóa Cứu quốc... Học Phi về chắp mối liên lạc để gây cơ sở, vận động thành lập Hội Văn hóa Cứu quốc...

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com