Lần đầu được gặp anh Năm (kỳ 2)

06:03, 26/03/2019

Mai Vy

(tiếp theo)

Rồi một buổi chiều muộn giữa vụ gặt chiêm, chị Trương Thị Mỹ đưa một đồng chí cán bộ đến nhà tôi, cả hai người đều có vẻ rất mệt. Sau bữa cơm tối, chị Mỹ xuống bếp đun nước nóng cho đồng chí cán bộ ngâm chân, tôi thấy chân đồng chí trắng như chân con gái thành phố, thì ra lúc đi đường sợ bị chú ý, đồng chí đã lấy bùn xoa vào chân cho nhọ nhem giống người đi bộ đường trường. Sáng hôm sau đồng chí đã dậy sớm ra sân hít thở và tập các động tác nhẹ, tuy chân còn đau nhiều nhưng đồng chí đã tươi tỉnh hơn lúc mới đến. Vừa ngồi uống trà đồng chí vừa hỏi tôi về tình hình gia đình, thôn xóm, về phong trào vùng này, về thái độ bọn tổng lý, quan lại địa phương. Đồng chí hỏi ra đường số 5 bao xa, ra Hà Nội ga nào gần nhất, đường qua sông Đuống thì đi bến đò nào thuận tiện. Tôi vừa tiếp chuyện vừa quan sát người đối thoại với mình tôi thấy mấy tháng nay rất nhiều cán bộ đã đến nhà tôi, có nhiều người đến nhiều lần, nhưng đồng chí cán bộ này là lần đầu. Đồng chí vóc người tầm thước, khoảng ngoài 30 tuổi, tôi chú ý đến vầng trán cao sáng láng, cặp mắt trong, mái tóc đen trải ngược tươm tất, khuôn mặt tròn, môi đỏ, mỗi khi cười hàm răng trắng bóng có chiếc răng nanh hơi khểnh nên rất có duyên.

Cơm sáng xong, chị Mỹ từ biệt ra đi, hôm sau đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng đến, các đồng chí ôm nhau mừng rỡ, hàn huyên một lúc rồi ngồi bàn công việc. Tôi biết đây là các đồng chí có trách nhiệm quan trọng của Đảng nên lo một bữa cơm ngon hơn mọi ngày thết các đồng chí. Làm việc mãi đến khoảng 4 giờ chiều, anh Thụ bảo tôi sáng mai cậu đưa anh Năm vào Liễu Ngạn và hai anh ra về.

Hôm sau, lúc lên đường anh Năm nói: "Vùng cậu có phong tục gì, tập quán gì, di tích lịch sử gì hay kể cho mình nghe". Khi đi qua xã Liễu Lâm tôi nói với anh Năm là thôn Đoài của xã này chỉ có vài chục nóc nhà, cả thôn hiện nay không ai học qua tiểu học, mà ngày xưa có một ông tiến sĩ giỏi giang, thơ hay lắm. Anh hỏi cậu biết gì về ông này không? Tôi bèn kể là thời nhà Lê thôn này có anh Sái Thuận nhà nghèo, anh bị bắt đi lính rồi vào đội lính chăn voi cho nhà vua, vốn ham học, anh giấu sách trong người, khi voi ăn cỏ anh mở sách ra học. Một hôm vua bắt được anh đang đọc sách. Vua không quở trách mà lại nói là nếu muốn học tập nên người thì cho về đi học. Anh về quê đèn sách mấy năm rồi đi thi đỗ tiến sĩ được bổ chức Hàn lâm hiệu lý, rồi sau được cử làm Phó nguyên suý Hội Tao Đàn. Do thi đỗ muộn nên các vị tiến sĩ đỗ sớm hơn coi thường, ông có làm bài thơ bác cái ý chê ông như sau:

Bách quả hữu long nhãn
Như nhân kiến Tử Đô
Bất do duyên hậu thục
Hoàn tác lệ chi nô.

Anh Năm cười, hỏi tôi có hiểu nghĩa mấy câu này không? Tôi trả lời: Em được giải nghĩa là:

Trăm thứ quả có quả nhãn,
Như con người có chàng Tử Đô,
Không vì lý do chín muộn,
Mà bảo nhãn là đầy tớ của quả vải.

Em mới học được ít chữ nho, em nghe bố em kể nhiều lần nên em thuộc, không biết có đúng chữ và nghĩa không. Anh Năm trầm ngâm rồi nói: Tấm gương nỗ lực học tập vươn lên của ông Sái Thuận thật đáng khâm phục, thật đáng noi theo. Vui chuyện hai anh em đã đến xã Liễu Khê.

Anh Năm hỏi xã Liễu Khê có gì đặc biệt. Tôi nói xã này vốn là một vùng đất nghịch, từ năm 1936 trở về trước Liễu Khê có tổ chức ăn cướp, có đôi chút hơi hướng nghĩa khí, cướp của người giầu chia cho người nghèo, do mấy tay tổng lý sừng sỏ tổ chức, thu hút những trai tráng trong làng tham gia, các đám cướp xa gần trong vùng đều dính dáng đến dân Liễu Khê. Con gái Liễu Khê đẹp có tiếng, nhưng rất nghịch ngợm, thường chủ động trêu chọc đàn ông qua đường, cho nên đàn ông, đàn bà, con trai con gái đi qua xã Liễu Khê đều rất ngán. Thế mà từ khi tiếp xúc với cách mạng, giác ngộ cách mạng, nhân dân Liễu Khê bỏ hẳn thói xấu cũ, mọi người tham gia các đoàn thể dân chủ, phản đế, các lớp học văn hoá. Từ một vùng đất nghịch trở thành đất hiền, trở thành xã có phong trào rộng khắp, vững chắc, liên tục, rất đáng tin cậy.

Anh Năm vui hẳn lên, hào hứng nói: một lý tưởng cách mạng cao đẹp, một lý luận cách mạng chân chính, khoa học hợp với ý nguyện của quần chúng có sức cảm hoá từng con người, từng thôn xóm, từng địa phương và cả đất nước. Chúng ta kiên quyết phấn đấu cho lý tưởng ấy, đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com