Đồng chí Trường Chinh với tạp chí lý luận của Đảng - Những cống hiến xuất sắc của đồng chí cho cách mạng Việt Nam (kỳ 1)

07:03, 07/03/2019

Nguyễn Văn Đặng

Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, hiếm có nhà lãnh đạo nào lại đóng góp lớn đến thế vào sự nghiệp báo chí của Đảng nói chung, và vào Tạp chí lý luận của Đảng nói riêng, như đồng chí Trường Chinh, sở dĩ như vậy là vì trong hoạt động báo chí của mình, đồng chí đã kết hợp được trí tuệ trác việt của nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc với năng khiếu đặc biệt của nhà báo tài năng.

Hoạt động báo chí của đồng chí Trưòng Chinh bắt đầu ngay từ năm 1929, khi đồng chí làm báo Búa liềm và Tạp chí Người cộng sản. Năm 1931, đồng chí làm chủ bút báo: Con đường chính của chi bộ Đảng trong Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), đồng chí làm Giám đốc chính trị các báo Đời Nay và Tin Tức của Xứ ủy Bắc Kỳ. Tiếp đó, trên cương vị Tổng Bí thư Đảng, đồng chí làm chủ nhiệm chính trị, hoặc phụ trách các tạp chí lý luận của Đảng, như: Tạp chí Cộng sản năm 1941 (ra được 1 số), Tạp chí Cộng sản năm 1943 (3 số), Sinh hoạt nội bộ các năm 1947 - 1950 (20 số), Tạp chí Cộng sản năm 1950 (2 số). Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, từ tháng 12-1955 đồng chí làm Tổng biên tập rồi phụ trách Tạp chí Học tập (từ năm 1977 đổi tên là Tạp chí Cộng sản) cho đến giữa những năm 80 thế kỷ XX. Điều đáng nói là trong suốt thời gian dài như vậy, đồng chí đã viết rất nhiều bài báo về tất cả các lĩnh vực công tác của Đảng và các lĩnh vực hoạt động xã hội, đương nhiên là với chất lượng rất tốt do có tính tư tưởng cao, tính chỉ đạo lớn, kết hợp được lý luận với thực tiễn, lý trí với tình cảm. Nhiều bài báo trong đó, sau này được biên soạn thành sách, trở thành những tác phẩm lý luận quý báu về cách mạng Việt Nam.

Báo Sự thật, cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Các-Mác ở Đông Dương.
Báo Sự thật, cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Các-Mác ở Đông Dương.

Trong gần 30 năm được Bộ Chính trị phân công phụ trách Tạp chí Học tập (vài năm đầu làm Tổng biên tập), đồng chí đã có sự quan tâm rất lớn đến Tạp chí, thể hiện ở những điểm dưới đây:

Tạo điều kiện cho Tạp chí có được sự chỉ đạo tập thể của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Chỉ riêng trong mấy tháng cuối năm 1961 đầu năm 1962, Bộ Chính trị đã có hai cuộc họp và Ban Bí thư có một cuộc họp bàn về Tạp chí Học tập. Đáng quý nhất là cuộc họp Bộ Chính trị ngày 3-3-1962 có Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự. Nội dung các cuộc họp đó, ngoài việc nêu lên những nhiệm vụ tuyên truyền của Tạp chí, còn nhấn mạnh phải tăng cường Ban biên tập, tăng cường cán bộ có năng lực cho Tạp chí và chỉ rõ các đồng chí lãnh đạo của Đảng đều phải viết bài cho Tạp chí. Tháng 4-1962, Bộ Chính trị ra Chỉ thị nêu lên những nhiệm vụ của Tạp chí, đối tượng của Tạp chí và chỉ rõ: "Ban biên tập Tạp chí là một ban của Trung ương Đảng. Một ủy viên Bộ Chính trị chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng chỉ đạo công tác của Tạp chí và thông qua những bài xã luận chính của Tạp chí". Năm 1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về "Nâng cao chất lượng của Tạp chí Học tập để phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội". Tháng 1-1978, Bộ Chính trị lại ra Chỉ thị nêu lên những nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản và những phương hướng cụ thể của công tác biên tập trong tình hình mới.

Sự chỉ đạo tập thể của Trung ương Đảng đối với Tạp chí lý luận của Đảng đã có tác dụng động viên, cổ vũ và chỉ đạo rất lớn đối với các cán bộ của Tạp chí, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Bản thân đồng chí Trường Chinh cũng đã có các cuộc họp riêng với Ban biên tập để chỉ đạo cụ thể công tác của Tạp chí. Ngày 14-1-1973, trong dịp làm việc với Ban biên tập, đồng chí đã chỉ rõ: "Tạp chí phải bảo đảm tính chủ động, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, bám sát các ban của Đảng... Tránh đi vào học thuật... Có phương hướng phát huy vai trò của cộng tác viên trong việc nghiên cứu các vấn đề. Phải chọn vấn đề cho đích đáng để tổ chức biên tập. Khi viết phải đi thẳng vào vấn đề. Bài phải có tính phê phán mạnh mẽ... Viết báo phải rất thận trọng. Người viết phải có thái độ nghiêm túc. Cái gì chưa chắc chắn thì không nên viết".

Bản thân đồng chí viết rất nhiều bài cho Tạp chí. Trong mấy chục năm phụ trách Tạp chí, hầu như năm nào đồng chí cũng có bài viết cho Tạp chí, có năm hai, ba bài.

Đồng chí duyệt cẩn thận, với nét chữ to và rõ ràng, tất cả các bài xã luận do Ban biên tập gửi lên. Trong rất nhiều trường hợp, đồng chí triệu tập đại diện Ban biên tập lên để giải thích lý do chữa bài, nhằm bồi dưỡng trình độ chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ của Tạp chí. Tôi còn nhớ, một thời gian sau Hiệp định Pari về Việt Nam (tháng 1-1973), trong công tác tuyên truyền (bằng miệng hoặc trên báo) có cán bộ ta vội vã nói rằng: trên đất nước ta không còn bóng một tên xâm lược Mỹ nào!? Trước tình hình đó, đồng chí Trường Chinh dặn: "Cán bộ Tạp chí không được viết như vậy, vì rằng hiện nay vẫn còn hàng vạn tên lính Mỹ ở lại Việt Nam, chúng núp trong các tổ chức dân sự".

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com