Trường Chinh - Thân thế và sự nghiệp (Kỳ 9)

03:02, 15/02/2017

[links()]

HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng

(Tiếp theo)

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi

    Trong mấy tháng mùa hè năm 1946 khi Bác Hồ ở thăm nước Pháp, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Phạm Văn Đồng dẫn đầu đàm phán với Đoàn đại biểu Quốc hội Pháp ở Phôngtennơblô, Pari. Trường Chinh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ do Võ Nguyên Giáp chủ trì công việc, hằng ngày làm việc với Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng chuẩn bị kháng chiến.

    Cả nước được chia thành chín chiến khu, mỗi chiến khu có khoảng ba trung đoàn, mỗi tỉnh có một tiểu đoàn. Ở các thành phố có các đội tự vệ, ở các khu phố có ban chỉ huy toàn thành, ở các tỉnh, xã nào cũng có các đội tự vệ.

Đồng chí Trường Chinh làm việc tại xưởng in Hồng Phong (Bắc Việt).
Tổng Bí thư Trường Chinh làm việc tại xưởng in Hồng Phong (Bắc Việt).

    Trường quân chính được thành lập từ năm 1944, sau tháng 8- 1945 được mở rộng và thành lập thêm nhiều trường mới đào tạo cán bộ chỉ huy, chính trị viên. Các công sự chiến đấu được xây dựng khắp nơi. Ta có thêm vũ khí thu nhặt được của quân Pháp, quân Nhật cất giấu, mua lại của nhân dân, nhất là mua của quân Tàu. Ta lập nhiều công binh xưởng làm đạn, lựu đạn, mìn, badôca. Giáo, mác, dao găm, mã tấu được các lò rèn làm ra ở khắp mọi nơi.

    Sau khi cuộc thương lượng ở Pari không thành công, Bác Hồ về nước, phái chủ chiến lấn át phái chủ hòa trong giới cầm quyền Pháp, công việc chuẩn bị kháng chiến càng được đẩy mạnh.

    Trước khi rời Pari, tại một cuộc họp báo, Hồ Chí Minh nói: Chúng tôi muốn hòa bình, không muốn chiến tranh, song Chính phủ Pháp khăng khăng không chịu thừa nhận nền độc lập, thống nhất của chúng tôi. Họ chỉ muốn dùng sức mạnh thiết lập lại nền thống trị thực dân của họ trên đất nước chúng tôi. Nếu họ không muốn có quan hệ hữu nghị với Việt Nam, lại muốn phát động chiến tranh, chúng tôi quyết kháng cự. Họ cậy có xe tăng, đại bác, tàu bay. Chúng tôi có sức mạnh to lớn của một dân tộc trên hai mươi triệu người. Người Việt Nam chúng tôi có câu tục ngữ:

Nực cười châu chấu đá voi,
Tưởng rằng chấu nát, voi lòi ruột ra.

    Tư tưởng chiến lược và thực tiễn chiến tranh chống xâm lược của người Việt Nam từ xa xưa đã như vậy đó.

    Trong giới đại diện của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương, phái chủ chiến do thày tu phá giới trở thành Đô đốc hải quân Đácgiănglơ (D.Argenlier) lấn át phái chủ trương thương lượng do người con rể viên Thống đốc toàn quyền cũ ở Đông Dương Anbe Xarô (Albert Sareaut) là Giăng Xanhtơny (Jean Saiteny) dẫn đầu.

    Cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của Pháp không thể tránh được nữa. Nhân dân ta buộc phải tiếp tục cuộc kháng chiến của toàn dân bằng cuộc chiến tranh yêu nước của toàn dân.

    Quân Pháp chủ động mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược trên cả nước ta bằng cuộc tiến công cùng một lúc, ngày 20-11 đánh ta ở Hải Phòng, Lạng Sơn, quân ta lập tức đọ sức. Tháng 12-1946, quân đội Pháp ở Hà Nội đánh chiếm các cơ quan chính quyền của ta. Bộ đội và tự vệ của ta lập tức giáng trả. Các cơ quan của chính quyền và số đông đồng bào ta nhanh chóng rút khỏi thành phố, để lại một trung đoàn chiến đấu giống như nhiều cuộc kháng chiến của ta thời xưa, không lấy giữ thành là thượng sách. Thăng Long phi chiến địa là như vậy.

    Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

    Cả nước đã sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta lần này được triển khai tương đối thuận lợi vì nhân dân ta đã trải qua 15 năm đấu tranh chống ách áp bức của chủ nghĩa thực dân với nhiều cao trào cách mạng, nhiều cuộc khởi nghĩa và đấu tranh vũ trang cục bộ. Tổng khởi nghĩa thiết lập chính quyền nhân dân, làm cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tổ chức. Đối tượng cuộc kháng chiến của ta là một đế quốc bại trận, đang ở thế yêu, đang phải khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và phụ thuộc vào Mỹ. Tình hình thế giới và nước Pháp đã thay đổi sau cuộc chiến tranh thế giới. Các dân tộc thuộc địa đã thức tỉnh. Nước Mỹ mạnh hẳn lên thành một siêu cường song lại phải đối đầu với một siêu cường khác, yếu hơn về kinh tế, lại ngang sức về quân sự, có quân đội, hải quân, không quân không thua kém Mỹ. Mối lo lớn của Mỹ là những cuộc cách mạng của quần chúng sẽ nổ ra nhờ ảnh hưởng thắng lợi của Liên Xô.

    Tạm rút khỏi các thành phố, rút các lực lượng chiến đấu vào các chiến khu, tổ chức cuộc chiến tranh nhân dân trong cả nước, tạo thành thế bao vây quân địch, dẫn chúng vào một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài được ta tổ chức có trật tự, ít tổn thất. Năm 1947, thế trận ấy đã hình thành đáp ứng lời kêu gọi kháng chiến và tư tưởng chỉ đạo chiến tranh của Đảng. Kế hoạch thắng nhanh bằng bạo lực của địch thất bại.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com