Thiên Chúa giáo

06:06, 27/06/2013

Phần đông đảo nhất giáo dân, giáo xứ của Nam Định là thuộc về Giáo phận Bùi Chu, bao gồm 121 giáo xứ ở các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.

Thuộc về Giáo phận Hà Nội có 14 giáo xứ của Thành phố Nam Định, các huyện Vụ Bản, Ý Yên. Giáo phận  Hà Nội ngày nay là phần cuối cùng của Địa phận Tây Đàng Ngoài được gọi tên từ cuối năm 1924 sau khi đã lần lượt chia cắt để thành lập các Giáo phận Nam (Giáo phận Vinh - 1846), Giáo phận Đoài (Giáo phận Hưng Hoá- 1895) và Giáo phận Thanh (Giáo phận Phát Diệm - 1902).

 Nam Định là nơi có giáo sĩ Công giáo đến truyền đạo đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam. Sách Khâm định  Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: "Theo sách Dã Lục thì ngày 1 tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ nhất (1533), đời Lê Trang Tông có người Tây Dương là Y-nê - Khu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh, huyện Nam Chân và  xã  Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ ngấm  ngầm  truyền giáo về tà đạo Gia Tô".

Nhà thờ Khoái Đồng (T.P Nam Định)
Nhà thờ Khoái Đồng (T.P Nam Định)

Năm 1533, sự kiện xảy ra ở vùng Ninh Cường, Trà Lũ nói trên được giáo sử Công giáo lấy làm thời điểm đánh dấu hoạt động truyền giáo ở Miền Bắc Việt Nam..

Sang đầu thế kỷ XVII, cùng với họat động tích cực của các giáo sĩ dòng Tên, nhất là giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến năm 1659, Toà Thánh ban hành sắc chỉ thành lập hai địa phận đầu tiên ở Việt Nam: địa phận Đàng Trong và địa phận Đàng Ngoài dựa theo ranh giới Trịnh- Nguyễn. Vùng Nam Định thuộc vào địa phận Đàng Ngoài.

Năm 1679, Toà Thánh chia địa phận Đàng Ngoài ra Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài theo ranh giới sông Hồng và sông Lô. Giáo dân vùng Nam Định thuộc địa phận Đông Đàng Ngoài do chi Manila dòng Đa Minh Tây Ban Nha quản lý.

Sang đầu thế kỷ XIX, dưới thời Gia Long, công giáo ở địa phận Đông phát triển mạnh hơn trước. Theo số liệu của nhà thờ  có tới "hơn 10 vạn bổn đạo, 54 thày cả Tây và Nam".  Năm 1830 trong tỉnh Nam Định đã được hơn 100.000 bổn đạo, chia ra phỏng 800 làng hay là họ... trong vòng 10 năm có hơn 1 vạn người lớn chịu phép rửa tội".

Thời kỳ 1848 - 1936 Dù bị chính sách cấm đạo của triều đình nhà Nguyễn cản trở (đặc biệt gắt gao dưới những năm thời Tự Đức - trước và trong giai đoạn thực dân Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam) và gây tổn hại "trong 5 năm vua Tự Đức và các quan cấm đạo, Địa phận Trung mất 16.000 tín đồ và 3 đức cha với 18 tử vì đạo", quá trình Công giáo ở Nam Định vẫn tiếp tục, duy trì và phục hồi sau những cản trở của chính quyền các cấp triều Nguyễn.

Sau 4 năm, theo Sử ký Địa phận Trung, toàn địa phận có 14 linh mục dòng, 20 linh mục triều, 10 thày già chức, 25 thày già, 52 thày, 99 chú và 475 cậu. Địa phận có 2 nhà tràng Latinh, 1 nhà tràng lý đoán, nhà tràng chữ Nho với 101 học trò, 20 nhà mụ dòng ba, 3 nhà mến câu rút, 556 chị em 31 xứ, 556 họ đạo, 145.553 bổn đạo.

  Đến cuối thời Tự Đức, năm 1879 toàn Địa phận Trung số xứ đạo và bổn đạo vẫn xấp xỉ: 29 xứ; 572 họ; 146.616 bổn đạo.

  Từ sau khi nhà Nguyễn bỏ lệnh cấm đạo cho đến những năm đầu thế kỷ XX ở địa phận Trung càng có điều kiện phục hồi tín đồ, giáo phẩm, nhất là sự phát triển nhanh của số lượng tín đồ.

Cách mạng Tháng Tám  nổ ra, trong dòng người tham gia giành chính quyền, đón chào ngày Độc Lập ở Nam Định có nhiều giáo dân. Giáo dân tích cực tham gia vào việc xây dựng chính quyền cách mạng, gìn giữ xóm làng, họ đạo.

Từ khi Nam Định bị thực dân Pháp chiếm đóng trở lại (1947) chúng đã triệt để lợi dụng lòng tin của giáo dân, hà hơi tiếp sức cho bọn phản động trong giáo hội Thiên chúa chống phá công cuộc kháng chiến.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta giành thắng lợi, lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, bọn phản động đội lốt Công giáo dự vào giáo lý, thần quyền, cấu kết với các thế lực đế quốc, phản động tay sai ngoan cố đã thực hiện kế hoạch lôi kéo, cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam. Từ 7 -1954 đến 5-1955 cả tỉnh và thành phố Nam Định (trừ Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc) có 37.914 giáo dân, 144 linh mục, tu sĩ di cư vào Nam.

Hành động cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam của bọn phản động gây xáo trộn lớn trong đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội của giáo dân trong tỉnh, để lại những ảnh hưởng nặng nề, kéo dài trong nhiều năm sau.

Trong khi một bộ phận giáo dân bị bọn phản động dụ dỗ, cưỡng ép di cư thì đông đảo giáo dân, bằng tình yêu quê hương, được soi rọi bằng những vận động, chỉ dẫn kịp thời của chính quyền nhân dân, đã yên tâm ở lại làng quê, xứ đạo.

Ở các xứ, họ đạo tiếng chuông nhà thờ vẫn ngân vang trước, trong và sau thánh lễ. Mọi sinh hoạt tôn giáo diễn ra bình thường, các hội đoàn vẫn được duy trì phục vụ cho thánh lễ.

Theo tài liệu của Toà Giám mục, đến năm 1995 "tất cả các linh mục được thụ phong trước năm 1954 đã lần lượt qua đời". Nhưng trong hơn 40 năm qua, ở giáo phận Bùi Chu đã có 52 linh mục được phong chức, có 7 đại chủng sinh, nhiều thanh niên đang chuẩn bị để chờ thi tuyển vào đại chủng viện. Con số nữ tu cũng ngày một gia tăng: Dòng Mân Côi có 53 chị khấn trọn, 22 chị khấn tạm, 27 chị tập sinh và 90 em đệ tử. Dòng Đa Minh có 91 chị khấn trọn, 37 chị khấn tạm, 11 tập sinh và 140 đệ tử. Dòng Trinh Vương có 30 chị khấn trọn, 14 tập sinh, 64 đệ tử. Dòng Thăm Viếng có 2 chị khấn trọn 15 chị khấn tạm .

Điều đáng ghi nhận là hầu như tất cả các giáo xứ trước năm 1954 vẫn tồn tại và phát triển gần bằng hoặc vượt qua con số giáo hữu năm 1939, chỉ có một vài giáo xứ vì số người còn lại quá ít nên chưa tái lập được, tất cả các phiên, (giáo xứ phụ) và nhiều giáo họ đã trở thành giáo xứ đông đúc. Theo số liệu của Ban Tôn giáo chính phủ đến năm 1998, Nam Định có 385.404 giáo dân (chiếm 20% dân số toàn tỉnh), 440 chức việc, 2 giám mục, 50 linh mục, 471 tu sĩ, 645 nhà thờ, tu viện (nơi có số lượng tuyêt đối cũng như mật độ cao nhất trong cả nước).

Bước vào nền kinh tế thị trường đời sống vật chất của đông đảo giáo dân nói chung, của nhiều xứ đạo nói riêng đã có những bước phát triển rõ rệt: Thị trấn Thịnh Long - Hải Hậu, Nghĩa Thắng- Nghĩa Hưng, Xuân Tiến - Xuân Trường  những nơi có từ trên 60 % đến 90 % giáo dân, không có hộ đói, có 905 nhà xây mái ngói, mái bằng, nhiều nhà 2,3 tầng, những phương tiện phục vụ sinh hoạt, đi lại  như tivi, quạt máy, xe máy ngày một tăng..

 Giáo xứ Nam Định là nơi hưởng ứng tích cực, có hiệu quả tinh thần bức thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam về chăm lo học tập của con em "Vì chúng sẽ có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho xã hội và Hội thánh. Các họ đạo nên có những nỗ lực chung cho con em đi học. Nếu được, nên lập quỹ để cấp học bổng cho những em nhà nghèo học giỏi và có tinh thần phục vụ...". Nếu như trước đây hầu như các gia đình giáo dân không quan tâm đến học văn hoá của con em, hoặc chỉ cần cho con em học đến hết cấp 1 để đọc được kinh bổn là đủ, thì ngày nay giáo dân lại tích cực cho con em đi học, đóng góp cho việc xây dựng trường lớp của con em.

Nhiều xứ đạo đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động phong trào "Người công giáo thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo", "Xứ họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu", "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống ở khu dân cư "...

Trong thực tiễn đời sống hôm nay, giáo dân Nam Định là minh chứng quan trọng về tinh thần "Kính Chúa, yêu nước", "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào".

Theo: Địa chí Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com