Di tích chùa Hổ Sơn nơi thờ Huyền Trân Công chúa

08:05, 24/05/2013

Vào ngày 9-4 âm lịch hằng năm, tại chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh (Vụ Bản), dân làng tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn Huyền Trân Công chúa.

Huyền Trân Công chúa (1287-1340(?)), là con gái Vua Trần Nhân Tông, em gái Vua Trần Anh Tông. Theo sử sách, năm 1301, một lần sang Chiêm Thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chúa Chiêm là Chế Mân. Năm 1306, Huyền Trân lên kiệu hoa về Chiêm Thành làm vợ Chế Mân. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân ngắn ngủi kéo dài có hơn 1 năm do Chế Mân đột ngột mất vì bạo bệnh. Theo phong tục của Chiêm Thành, Huyền Trân là người được Chúa Chiêm yêu mến nhất nên phải lên giàn hỏa thiêu. Tuy nhiên, lúc này Huyền Trân vừa mới sinh thế tử Chế Đa Đa. Nghe tin đó, Vua Trần Anh Tông đã cử một phái đoàn do Nhập nội hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung và An phủ Đặng Văn dẫn đầu sang Chiêm Thành tìm cách đưa công chúa Huyền Trân và thế tử Chế Đa Đa về nước. Đến nơi, Trần Khắc Chung đã khuyên người Chiêm lập dàn hỏa thiêu ven biển rồi nhân thời tiết mây mù đã cướp công chúa đi thẳng ra biển. Công chúa Huyền Trân sau khi trở về kinh thành đã đến chùa Nộn Sơn ở làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản xưa, nay thuộc xã Liên Minh (Vụ Bản) để tu thiền, mở cảnh. Ở làng Tiền, phía tây núi Hổ có Công chúa Thụy Bảo là bề trên (bác ruột) của Công chúa Huyền Trân đang tạo vườn hoa An Lạc và lập chùa tu hành ở đây. Hai người cùng tu hành, phụng sự Phật pháp, chăm lo cho đời sống nhân dân trong vùng ngày càng thịnh vượng. Sau khi hai bà mất, nhân dân làng Hổ Sơn lập am thờ trên chùa Nộn Sơn để tri ân công đức.

Chùa Hổ Sơn ngoài thờ Phật còn thờ hai vị công chúa Huyền Trân và Thuỵ Bảo. Chùa có lối kiến trúc kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” gồm 3 gian: bái đường, trung đường và tam bảo, nằm trên sườn núi, cao 10m so với mặt đất. Tòa bái đường xây dựng năm 1995, có 3 gian, rộng gần 50m2, mái quấn vòm, lợp ngói nam, hiên bái đường có bích trương “lưỡng long chầu nguyệt”, nóc bái đường là bức đại tự “Quảng Nghiêm tự”. Tòa trung đường gồm 3 gian, khung làm bằng gỗ lim, cột vuông. Các bộ vì nóc đều được làm theo kiểu “giá chiêng, chồng rường con nhị”, vì nách kiểu “bức mê”. Hai gian bên là 2 sàn thờ bằng gỗ, có khung ăn mộng vào hai cột cái và 2 cột quân ở phía sau. Trên sàn bên trái có khán thờ cổ bằng gỗ, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn có viết tự “Bồng lai cung khuyết” (có nghĩa “Lầu gác ở cõi tiên”), bên trên đặt tượng nhị vị công chúa. Tòa tam bảo có 2 gian chạy dọc, giao mái với trung đường, bộ vì bằng gỗ gồm 10 cây hoành hình chữ nhật. Trải qua những thăng trầm lịch sử, chùa vẫn giữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ, trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như tượng 2 công chúa, 4 sắc phong của các triều đại phong kiến cho 2 công chúa, một số bát hương sứ, sành mang phong cách nghệ thuật thời Lê… Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, chùa Hổ Sơn là nơi che giấu cán bộ cách mạng, là địa điểm tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân. Nơi đây còn là trận địa pháo binh của lực lượng vũ trang huyện và xã.

Lễ hội chùa Hổ Sơn hằng năm được tổ chức từ mùng 9-4 đến 14-4 âm lịch. Theo các cụ cao niên trong làng, ngày 9-4 là ngày mất của Công chúa Huyền Trân (nhiều tài liệu lịch sử cho rằng bà mất vào mùng 9 tháng Giêng). Còn ngày mất của Thụy Bảo Công chúa là ngày mùng 5 tháng Giêng, việc cúng giỗ do làng Tiền, xã Tam Thanh đứng ra tổ chức. Vào những ngày này, hai làng Hổ Sơn và làng Tiền rước kiệu giao hiếu với nhau. Vào sáng 9-4 âm lịch hằng năm, dân làng Hổ Sơn tổ chức rước kiệu lên chùa, rước chân nhang hai công chúa về đình làng làm lễ rồi chiều 14-4 âm lịch lại rước về chùa. Trong những ngày diễn ra lễ hội, dân làng thường tổ chức thi làm cỗ chay, làm bánh dày dâng thánh. Ngày nay, lễ hội làng Hổ Sơn được tổ chức đơn giản, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo trang trọng. Các dòng họ cắt cử người chuẩn bị lễ vật để con cháu lần lượt đội mâm lễ dâng lên chùa, sau đó mới rước kiệu thánh đi quanh làng, hai bên đường các gia đình bày hương án, lễ vật để lễ vọng.    

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc đặc sắc, năm 2006, chùa Hổ Sơn được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com