Cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh (1958-1960)

08:01, 10/01/2013

Giữa lúc nhân dân trong tỉnh đang sôi nổi bước vào thời kỳ cải tạo, phát triển kinh tế thì  ngày 13-8-1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự hội nghị sản xuất vụ mùa ở Nam Định và thăm hợp tác xã thí điểm đầu tiên ở xã Yên Tiến (Ý Yên). Người chỉ thị cho cán bộ và nhân dân địa phương phải quyết tâm thực hiện vụ mùa thắng lợi, tránh chủ quan, tích cực chăm bón phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Người khen ngợi ba huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc đã cấy vượt kế hoạch 7.850 mẫu lúa và nhắc nhở đồng bào các nơi khác thi đua làm theo.

Ngày 15-9-1959, Hồ Chủ tịch lại về kiểm tra tình hình chống hạn ở Nam Định. Người căn dặn cán bộ, nhân dân trong tỉnh phải quyết tâm chống hạn. Mọi người phải đoàn kết, giúp đỡ nhau chiến thắng thiên tai, đẩy mạnh sản xuất, ngày càng làm nhiều ra của cải, vật chất, đem lại hạnh phúc cho mọi nhà, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với công nhân và nhân dân thành phố Nam Định (24-4-1957).
Bác Hồ về thăm và nói chuyện với công nhân và nhân dân
thành phố Nam Định (24-4-1957).

Cuối năm 1958, một xu thế đi vào làm ăn tập thể đã xuất hiện trong cao trào vận động hợp tác hoá ở Nam Định. Tới cuối năm 1960, toàn tỉnh đã có gần 90% số hộ nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có khoảng 10% hợp tác xã cấp cao.

Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, khi mà cả nước đang tập trung sức cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong phạm vi cả nước, thì thắng lợi của công cuộc tập thể hoá nông nghiệp có một ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Nó đảm bảo xây dựng Nam Định trở thành một bộ phận của hậu phương lớn, sẵn sàng chi viện tối đa về sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào chế độ xã hội mới.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Nam Định cũng như ở nhiều địa phương khác đã mắc phải một số sai lầm. Nhiều nơi cán bộ tỏ ra nóng vội, duy ý chí, chạy theo thành tích nên đã không tôn trọng đầy đủ cả ba nguyên tắc cơ bản của tập thể hoá nông nghiệp XHCN là tự nguyện, cùng có lợi từ thấp đến cao, khiến cho mô hình hợp tác xã nặng về hình thức mà kém hiệu quả về kinh tế.

Đối với công nghiệp và thủ công nghiệp, sau ba năm khôi phục kinh tế (1954-1957), công nghiệp quốc doanh mới được phục hồi và phát triển. Trong thời kỳ khôi phục kinh tế, việc quản lý vẫn còn theo nề nếp cũ, chế độ tiền lương chưa được xây dựng, chưa đi vào hạch toán kinh tế, năng suất lao động còn thấp. Trong khi đó công nghiệp tư doanh và thủ công nghiệp cá thể chiếm 70% giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng và xuất khẩu. Các xí nghiệp tư doanh đều tập trung ở thành phố và các thị trấn, trình độ quản lý, kỹ thuật còn thô sơ, lạc hậu. Các nhà tư sản dân tộc, một mặt dựa vào nhà nước để kinh doanh, mặt khác vẫn không ngừng bóc lột công nhân lao động.

Từ cuối năm 1958, Nam Định triển khai cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp. Việc quản lý kinh tế không có kế hoạch chuyển dần sang chế độ hạch toán kinh tế, chế độ tiền lương 21 bậc của Nhà nước được ban hành. Đội ngũ công nhân trong tỉnh đã có những hiểu biết bước đầu về nguyên tắc cơ bản trong việc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ý thức làm chủ tập thể và đạo đức, tác phong của người lao động mới được xây dựng. Bộ máy quản lý xí nghiệp được củng cố.

Trong quá trình vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước được liên tục phát động. Đặc biệt năm 1960, phong trào phát triển mạnh, liên tục và mang tính tập thể đậm nét, quan tâm tới vấn đề cải tiến kỹ thuật, áp dụng thao tác tiên tiến vào sản xuất. Nổi bật nhất là ở nhà máy dệt Nam Định, trong ba năm (1958-1960) công nhân đã phát huy được 485 sáng kiến, đẩy mạnh việc thực hiện thao tác tiên tiến, góp phần quan trọng làm cho giá trị tổng sản lượng của nhà máy bình quân hàng năm tăng 23%. Nhiều đơn vị và cá nhân đạt danh hiệu tiên tiến, chiến sỹ thi đua. Bốn công nhân được tuyên dương là Anh hùng lao động.

Sản xuất thủ công nghiệp cũng dần được tổ chức lại theo con đường hợp tác xã cùng với việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Qua 4 đợt học tập, đã có 128 hộ sản xuất tư nhân tự nguyện hợp doanh với nhà nước, nhiều xí nghiệp công tư hợp doanh ra đời. Trên 80% người buôn bán nhỏ trong diện cải tạo đã vào hợp tác xã hoặc chuyển sang trực tiếp sản xuất.

Đến cuối năm 1960, Nam Định hoàn thành kế hoạch năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội. Thắng lợi đó đã đem lại những chuyển biến cách mạng to lớn trong đời sống kinh tế, chính trị của nhân dân trong tỉnh. Từ nền sản xuất nông nghiệp riêng lẻ có nhiều yếu tố lạc hậu, manh mún, thủ công nghiệp cá thể, công thương nghiệp tư bản tư doanh đã trở thành nền kinh tế tập thể, công tư hợp doanh và một phần quốc doanh. Trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, thành phần kinh tế quốc doanh càng lớn mạnh và chiếm ưu thế rõ rệt, phát huy vai trò lãnh đạo kinh tế ở địa phương.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com