Tỉ lệ đỗ đạt của Nam Định qua các triều đại thời phong kiến (tiếp theo)

08:07, 10/07/2012

Thời Mạc: Mặc dù xảy ra nội chiến, triều Mạc vẫn đều đặn tổ chức các khoa thi kén chọn nhân tài. Vào giai đoạn cuối của triều Mạc, triều Lê Trung Hưng cũng song song tổ chức một số khoa thi Tiến sĩ. Trong khoảng hơn 60 năm, từ năm 1529 đến 1592, triều Mạc và triều Lê Trung hưng đã tổ chức được 29 khoa thi, tuyển chọn được 530 vị Tiến sĩ, trong đó có 10 vị Trạng nguyên. Thời kỳ này, tỉnh Nam Định có 10 người đỗ đại khoa. Trong đó có:

+ Trạng nguyên Trần Văn Bảo người xã Cổ Chử, huyện Giao Thuỷ nay thuộc huyện Nam Trực đỗ khoa thi năm 1550 đời Mạc Phúc Nguyên. Ông từng đi sứ, làm quan đến chức Thượng thư.

+ Thám hoa Phạm Gia Môn người xã Dương Hối nay thuộc xã Yên Thắng, huyện Ý Yên đỗ khoa thi năm 1577. Làm quan Thị lang nhà Mạc, sau theo giúp nhà Lê.

+ 2 Hoàng giáp: Trần Thuỵ đỗ khoa thi năm 1529 và Trần Hữu Thành đỗ khoa thi 1586 đều là người huyện Ý Yên.

+ 6 Tiến sĩ: Dương Chân người huyện Vụ Bản đỗ khoa thi năm 1535; Ngô Bật Lượng người huyện Nam Trực đỗ khoa thi năm 1550; Đào Minh Dương đỗ khoa thi 1550 và Phạm Như Giao đỗ khoa thi năm 1574 đều là người huyện Xuân Trường; Tống Hân đỗ khoa thi năm 1556 và Trần Đình Huyên đỗ khoa thi năm 1586 cùng là người huyện Nam Trực.

Các tân khoa nhận áo mũ vua ban (ảnh minh họa/Internet).
Các tân khoa nhận áo mũ vua ban (ảnh minh họa/Internet).

So với thời Lê sơ,  thời Mạc số người đỗ đạt của Nam Định giảm một nửa. Không có ai đỗ Bảng nhãn. Khoa thi năm 1550 có 3 người Nam Định cùng đỗ (2 người huyện Nam Trực, 1 người huyện Xuân Trường)

Khoa thi năm 1586 có 2 người Nam Định đỗ (1 người huyện Nam Trực và 1 người huyện Ý Yên).

 Thời Lê Trung Hưng (1593 - 1788) tổ chức 73 khoa thi, lấy đỗ 729 người trong đó có 6 Trạng nguyên. Thời này, tỉnh Nam Định có 16 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, không có trường hợp nào đỗ Đệ nhất giáp và Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tức là không có ai đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa và Hoàng giáp.

16 vị Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân của Nam Định gồm: 8 người huyện Nam Trực, 2 người huyện Nghĩa Hưng, 2 người huyện Vụ Bản, 2 người huyện Ý Yên, 1 người thành phố Nam Định và 1 người huyện Trực Ninh.

Các khoa thi năm 1628, 1710 và 1779 đều có 2 người Nam Định cùng đỗ.

Đời Lê Thần Tông (1649 - 1662) có 4 người đỗ là: Đặng Phi Hiển và Nguyễn Thế Trân đỗ khoa thi năm 1628; Nguyễn Công Bật đỗ khoa thi năm 1652, đều là người huyện Nam Trực; Phạm Duy Chất người huyện Vụ Bản đỗ khoa thi 1659.

Đời Lê Dụ Tông (1706 - 1729), có 6 vị đỗ là: Phạm Đình Kính người huyện Vụ Bản đỗ khoa thi năm 1710, từng đi sứ nhà Thanh, làm quan đến chức Thượng thư, Nhập thị kinh diên; Phạm Duy Cơ đỗ khoa thi năm 1710 và Phạm Hữu Du đỗ khoa thi năm 1724 đều là người huyện Nam Trực; Đồng Công Viện người huyện Nghĩa Hưng đỗ khoa thi năm 1712; Dương Bật Trạc người huyện Trực Ninh đỗ khoa thi năm 1715, cháu xa đời của Đào Sư Tích (ông nguyên họ Đào, đến đời Bật Trực mới đổi thành họ Dương); Trần Mại người xã Vị Hoàng, huyện Mỹ Lộc nay thuộc thành phố Nam Định đỗ khoa thi năm 1721.

Đời Lê Hiển Tông (1740 - 1786) có Hoàng Phạm Dịch làm quan đến chức Giám sát Ngự sử người huyện Nam Trực đỗ khoa thi năm 1748; Ngô Trần Thực đỗ Đình nguyên khoa thi năm 1760, Đông các đại học sĩ, Thự Thiêm đô Ngự sử và Hoàng Quốc Trân đỗ khoa thi năm 1779, cùng là người huyện Nam Trực.  Dưới đời Lê Hiển tông, Hoàng Quốc Trân được ban cờ biển vinh quy, một biển đề 4 chữ Giáo tử đăng khoa và 1 biển đề chữ Song thân cự khánh. Ngoài ra còn có Vũ Huy Trác người huyện Nghĩa Hưng đỗ khoa thi năm 1772 làm đến chức Hàn lâm viện Thị giảng; Phạm Trọng Huyến đỗ khoa thi năm 1778 và Ngô Tiêm đỗ khoa thi năm 1779) cùng là người huyện Ý Yên.

 Thời Nguyễn: tổ chức 39 kỳ thi Hội, lấy đỗ 558 vị Tiến sĩ và Phó bảng. Triều Nguyễn không lấy Trạng nguyên. Đây là một trong bốn quy định của triều Nguyễn gọi là "Tứ bất". Nam Định có 31 vị Tiến sĩ và Phó bảng. Trong đó có:

Đình nguyên Đỗ Huy Liệu, người thôn La Ngạn, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, đỗ khoa thi năm 1879

+ 2 Hoàng giáp: Phạm Văn Nghị, người huyện Ý Yên, đỗ khoa thi năm 1838 và  Trần Bích San, người thành phố Nam Định, đỗ khoa thi năm 1865, được vua Tự Đức ban cho cờ thêu chữ: "Liên trúng tam nguyên" khi vinh quy bái tổ. Đây là hai gương mặt tiêu biểu cho các nhà Nho yêu nước thời Nguyễn.

+ 12 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Người Nam Định đầu tiên đỗ Tiến sĩ dưới thời Nguyễn là Phạm Thế Lịch và Ngô Thế Vinh.

 Đặng Xuân Bảng là một trong 12 gương mặt tiêu biểu của các vị Tiến sĩ Nam Định thời Nguyễn. Ông là người người biên soạn, khảo cứu nhiều bộ sách mang tính giáo khoa chủ yếu về lịch sử và giáo huấn đạo đức. Đặng Xuân Bảng cũng là một trong 3 người của làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường đỗ Tiến sĩ thời kỳ này.

Tiến sĩ Đỗ Phát, người huyện Hải Hậu đỗ khoa thi 1843 và Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, người huyện Ý Yên đều từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám.

Người đỗ Tiến sĩ cuối cùng của Nam Định là Trịnh Hữu Thăng, người thành phố Nam Định, khoa thi Hội năm 1919, khoa thi cuối cùng của chế độ giáo dục Nho học Việt Nam thời phong kiến. Bia Tiến sĩ dựng cho khoa Kỷ Mùi (1919), niên hiệu Khải Định thứ 4 dựng tại Văn Miếu Huế ghi về ông như sau: "Trịnh Hữu Thăng ngụ cư ở phố Định Tả, tỉnh Nam Định, nguyên quán làng Bách Tính, tỉnh Thái Bình. 35 tuổi đỗ Tiến sĩ. Từng làm Thừa phái ở Viện Cơ mật".

- 16 Phó bảng:

Thời Nguyễn, ngoài những người đỗ Chánh bảng còn lấy thêm Phụ bảng, gọi là Phó bảng. Thời kỳ này Nam Định có 16 Phó bảng, trong đó: huyện Xuân Trường có 4 nguời đỗ; huyện Ý Yên và Vụ Bản có 3 người đỗ; thành phố Nam Định và huyện Nghĩa Hưng có 2 người đỗ; huyện Mỹ Lộc và huyện Nam Trực cùng có 1 người đỗ Phó bảng.

Hai khoa thi năm 1865 và năm 1907 đều có 2 người Nam Định cùng đỗ.

Phó bảng Đỗ Huy Uyển, người huyện Ý Yên, nổi tiếng được giới sĩ phu kính trọng.

Vị Phó bảng cuối cùng của Nam Định là Lâm Hữu Lập, người thôn Đại An, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, đỗ khoa thi Hội năm 1916.

Trong số 82 vị Tiến sĩ của Nam Định có 31 người được ghi tên trên bia Tiến sĩ đặt tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám Thăng Long- Hà Nội và 15 vị Tiến sĩ được ghi tên trên bia Tiến sĩ dựng tại Văn Miếu Huế. 

Từ năm 1802 đến năm 1945, triều Nguyễn đã tổ chức 47 khoa thi Hương (từ 1807 đến 1918), lấy đỗ 5232 vị Cử nhân. Tổng số Cử nhân Nam Định dưới triều Nguyễn là 378 vị, chiếm gần 7% số lượng những người đỗ đạt trong phạm vi cả nước.

Những vị đỗ Cử nhân, Tú Tài của Nam Định phân bố không đều:  Huyện Hải Hậu có 10 vị, Mỹ Lộc 13 vị, Nam Trực 86 vị, Nghĩa Hưng 14 vị, thành phố Nam Định và ngoại thành Nam Định có 18 vị, Trực Ninh 19 vị, Vụ Bản 31 vị, Xuân Trường 89 vị, Ý Yên 39 vị, Giao Thuỷ 27 vị (và 33 người chưa xác định được  quê quán chính xác).

Xuân Trường nổi lên là huyện có số người đỗ Cử nhân cao nhất tỉnh Nam Định, tiếp đến là Nam Trực, Ý Yên, rồi đến Vụ Bản, Giao Thuỷ. Những huyện có tỉ lệ đỗ thấp là: Hải Hậu, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, thành phố và ngoại thành Nam Định, Trực Ninh. Mức độ chênh lệch giữa các huyện là khá lớn.

Khoa thi năm 1894 có số người Nam Định đỗ Cử nhân nhiều nhất là 20 vị. Các khoa thi năm 1886, 1897 và 1900 có 19 người đỗ. Khoa thi có số người đỗ ít nhất 1 người, là các khoa 1812, 1943 và 1882.

Theo số liệu thống kê, càng các khoa thi sau, số Cử nhân Nam Định càng tăng. Số Cử nhân đỗ từ 1 đến 8 người có 26 khoa, chủ yếu từ các năm 1807 đến những năm 50, 60 của thế kỷ XIX, từ 10 người trở lên chủ yếu trong những năm 70, 80 của thế kỷ XIX. 

Thời Nguyễn ở Nam Định có một người chỉ đỗ đến Tú tài nhưng nổi tiếng về văn học, đặc biệt là thơ trào phúng, thơ của ông được tụng truyền nhiều và có nhiều giai thoại về cuộc đời ông. Đó là Trần Duy Uyên, người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tên chữ là Kế Xương, sau đổi là Tế Xương, đỗ Tú Tài năm 1894, nên thường gọi là Tú Xương.

Bên cạnh các vị Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài tên tuổi còn lưu lại trong các sách Đăng khoa lục và bia ký, còn có rất nhiều vị đỗ Hương cống thời Trần, thời Mạc và thời Lê, nhưng do không có tài liệu nên không thể thống kê hết được. Tên tuổi của họ hiện được lưu lại trong các bia văn chỉ, văn miếu, gia phả... của các huyện, tổng, xã, thôn làng.

Tuy không phải là tỉnh trong nhóm những địa phương đứng đầu về khoa bảng tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc bộ, nhưng xét trên phạm vi toàn quốc, Nam Định là một trong những địa phương có số người đỗ đạt cao, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước. Quê hương của 5 vị Trạng nguyên, 83 vị đại khoa và 378 vị Cử nhân, Tú tài thời Nguyễn. Ngoài ra còn có nhiều nguời đỗ Hương cống, Tú tài, Nho sinh trúng thức... chưa thể thống kê hết được và trên thực tế có nhiều người không đỗ cao nhưng là những nhà văn hoá tiêu biểu.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com