Vua Trần Dụ Tông

08:07, 05/07/2012
Tượng vua Trần Dụ Tông.
Tượng vua Trần Dụ Tông.

Vua Trần Dụ Tông là con thứ 10 của vua Trần Minh Tông, lên ngôi hoàng đế lúc 6 tuổi, nên mọi việc triều chính đều do thượng hoàng Trần Minh Tông cố vấn định đoạt. Bù lại, Trần Dụ Tông rất thông tuệ, học vấn cao, văn võ toàn tài nên được mọi người trong và ngoài nước rất kính nể.

Năm 13 tuổi, Trần Dụ Tông lấy công chúa Ý Từ là con gái thứ 4 của Bình chương Huệ Túc vương, phong làm Nghi Thánh Hoàng hậu. Trần Dụ Tông nối tiếp truyền thống vua cha, thường xuyên cảnh giác với quân xâm lược. Vua cho đóng thêm chiến thuyền, sản xuất khí giới và tăng cường luyện tập võ nghệ tinh thông, trọng dụng những hiền tài như Tả tham tri chính sự Trương Hán Siêu, Hành khiển Tri khu mật viện sự Nguyễn Trung Ngạn, Quốc phủ thượng tể Trần Quốc Chẩn, Hành khiển tả ty Lang trung Phạm Sư Mạnh, Hàn Lâm viện phụng chỉ Lê Quát. Để phòng giặc phương Bắc, Trần Dụ Tông đã cho đặt quan trấn, quan lộ và sát hải sứ ở Vân Đồn và ông đã cùng Thượng hoàng Trần Minh Tông cầm quân tuần phòng ngoài biên ải.

Vua Trần Dụ Tông còn là người đặt nền móng cho một số bộ môn nghệ thuật dân tộc rất độc đáo như: Hát các tích tuồng cổ và leo dây, múa rối… Sử cũ chép rằng: Vào năm Nhâm Dần (1362), mùa xuân, vua truyền cho các vương hầu, công chúa dâng trò, trò nào hay thì ban thưởng. Trong đó tích tuồng cổ Tây Vương Mẫu hiến bàn đào, trang phục áo thêu hoa gấm, đánh trống thổi sáo, gẩy đàn làm say lòng người.

Từ khi Thượng hoàng Trần Minh Tông mất, các cựu thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn cũng không còn, triều đình bắt đầu rối loạn. Bọn gian thần kéo bè kết đảng lũng đoạn triều chính. Chu Văn An dâng Thất trảm sớ xin chém 7 gian thần nhưng vua không nghe, liền bỏ quan về dạy học. Càng về cuối đời, vua Trần Dụ Tông càng sa vào ăn chơi quá độ. Ông cho đào ở vườn ngự trong hậu cung để xếp đá làm núi, nuôi nhiều thú lạ, chở nước mặn vào nuôi đồi mồi, cá biển, thậm chí còn thuê người châu Hóa chở cá sấu đến thả vào hồ để thưởng ngoạn. Có lần vua uống rượu say quá rồi đi hóng gió, chơi trăng, lại lội xuống sông tắm nên bị cảm nặng. Năm 1366, một hôm vua đến chơi nhà một người tên là Trần Ngô Lang ở hương Mễ Sở, đến canh ba mới về, bị mất trộm cả ấn báu lẫn gươm báu...

Năm 1369, Vua Trần Dụ Tông mất, thọ 34 tuổi, không có con nối dõi tông đường./.

PV
(Theo “Mười bốn vị Hoàng đế thời Trần”)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com