Vinh dự và trách nhiệm

09:06, 23/06/2012

Trong số 13 nghệ sỹ của tỉnh vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) và Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) vừa qua, có một nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu NSND là đạo diễn Quang Chí và 12 nghệ sỹ được phong tặng NSƯT gồm: Đạo diễn Trịnh Quang Khanh, đạo diễn Đào Quang; các diễn viên Hồ Hải, Thu Thủy (Đoàn Cải lương Nam Định), Thùy Linh, Tiến Lâm (Đoàn Kịch nói Nam Định), Diệu Hằng, Thanh Nga, Ngọc Hùng, Thanh Vân, Phi Hùng (Nhà hát Chèo Nam Định) và Thúy Quỳnh (Nhà Văn hóa tỉnh). Đây là phần thưởng cao quý thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các văn nghệ sỹ đã có công đóng góp cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Các nghệ sỹ Quang Chí, Ngọc Hùng, Đào Quang (lần lượt đứng thứ 2 từ trái sang phải) vừa được phong danh hiệu NSND, NSƯT.
Các nghệ sỹ Quang Chí, Ngọc Hùng, Đào Quang (lần lượt đứng thứ 2 từ trái sang phải) vừa được phong danh hiệu NSND, NSƯT.

Nghệ sỹ Quang Chí sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Năm 1968, Quang Chí “đầu quân” vào Đoàn Cải lương Nam Định khi tròn 14 tuổi và đã chinh phục khán giả khi anh thể hiện thành công vai diễn Dương Tam Kha trong vở “Ngô Quyền”. Hơn 40 năm đóng góp cho sân khấu Cải lương, NSND Quang Chí đã đoạt hơn 20 huy chương các loại tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, khu vực. Tiêu biểu là các vai diễn: Đại tá Việt trong vở “Ai tỉnh, ai điên” đoạt Huy chương Vàng hội diễn sân khấu Cải lương toàn quốc năm 1995; vai Trần Hưng Đạo trong vở “Đức Thánh Trần”; vai giám đốc Nghĩa trong vở “Xin đừng lầm lỡ”; vai Giáo sư Lân trong vở “Cánh cửa hy vọng”; vai Giáo sư Hoàng trong vở “Hoa đời chớm nở”; vai Trần Thủ Độ trong vở “Tình sử vương triều” đạt Huy chương Vàng tại hội diễn sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2010. Ngoài những vai diễn trên lĩnh vực sân khấu, NSND Quang Chí còn đạt nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng văn học - nghệ thuật Nguyễn Khuyến giai đoạn 1995-2000; Giải thưởng văn học - nghệ thuật Lương Thế Vinh giai đoạn 2000-2005. Trong hoàn cảnh khó khăn chung của hoạt động sân khấu chuyên nghiệp hiện nay thì loại hình kịch hát dân tộc cải lương cũng gặp nhiều bất lợi, nhất là các đoàn phía Bắc. Thực tế, trong thời gian qua, nhiều đoàn nghệ thuật cải lương không trụ được trước thực trạng sân khấu thiếu vắng khán giả, thiếu kinh phí hoạt động, đời sống anh chị em diễn viên gặp nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định nên nhiều đơn vị địa phương đã giải thể hoặc sáp nhập chuyển sang mô hình sân khấu khác. Trên cương vị Trưởng đoàn Cải lương Nam Định, NSND Quang Chí hiện cùng với hơn 30 diễn viên, anh chị em trong đoàn vượt qua khó khăn, đưa sân khấu cải lương đến với công chúng trong tỉnh và lưu diễn phục vụ nhân dân các tỉnh trong cả nước. NSND Quang Chí tâm sự: Yếu tố quan trọng của Đoàn Cải lương Nam Định trong hoạt động biểu diễn và quản lý nghệ thuật, xây dựng thương hiệu là: mỗi nghệ sỹ phải nỗ lực rèn luyện, tìm tòi trong cách diễn xuất, chọn lựa kịch bản hay, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Trong cơ chế hiện nay, sản phẩm sân khấu cũng phải được coi như một sản phẩm “hàng hóa” nghĩa là ngoài yếu tố nghệ thuật, phải bao hàm cả yếu tố thị trường, có tính cạnh tranh. Đối tượng công chúng của sân khấu với từng loại hình nghệ thuật cũng có “gu” riêng mang tính vùng miền, địa phương. Nếu đơn vị nào năng động trong cách tiếp cận công chúng, nâng cao chất lượng sản phẩm vở diễn thì sẽ phát triển, và ngược lại. Với quan điểm trên, thời gian qua, tập thể lãnh đạo, nghệ sỹ Đoàn Cải lương Nam Định luôn đoàn kết, động viên nhau, vượt khó vươn lên. Ngoài việc tổ chức xây dựng các vở diễn có chất lượng, phục vụ nhân dân trong tỉnh, đoàn còn tổ chức các đợt lưu diễn dài ngày tại hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước với trên 130 đêm diễn. Trong vấn đề tiếp cận, xây dựng đối tượng công chúng, ngoài việc dàn dựng các vở diễn mang tính “mô phạm” của nghệ thuật kịch hát cải lương về đề tài lịch sử, đoàn còn xây dựng nhiều vở diễn ngắn, kết cấu nhẹ nhàng nội dung đề tài có tính thời sự những vấn đề xã hội đang đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Trong số 73 nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu NSND năm 2012, ngoài các nghệ sỹ đang công tác tại các đoàn nghệ thuật trong tỉnh, còn có những nghệ sỹ là người con quê hương Nam Định. Đó là nhạc sỹ Nguyễn Tiến (tên thật là Nguyễn Văn Tiến). Nhạc sỹ Nguyễn Tiến sinh năm 1953, tại phố Hoàng Văn Thụ, phường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định), hiện đang công tác tại Đoàn Ca múa nhạc thuộc Tổng Cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, tên tuổi của NSND Nguyễn Tiến gắn liền với cây đàn bầu, vinh dự hai lần được biểu diễn phục vụ Bác Hồ; đoạt hơn 30 Huy chương Vàng, bằng khen tại các hội diễn, liên hoan ca múa nhạc toàn quốc và quốc tế. Bên cạnh đó, anh còn được đông đảo khán giả biết đến trên lĩnh vực sáng tác với các ca khúc nổi tiếng như: “Hoa cau vườn trầu”, “Nhớ đêm giã bạn”, “Chuyện tình lá diêu bông”, “Chiều mưa Hà Nội”, “Hoa cỏ may”, “Nam Định mình ơi”… Trong đó, tác phẩm “Dời đô, ngàn năm còn mãi” của anh được Hội đồng nghệ thuật trao giải Nhất Giải thưởng Âm nhạc Quốc gia năm 2009 của Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, cha anh là một nghệ nhân đàn bầu nổi tiếng đất Thành Nam, là nghệ sỹ đàn bầu của Đoàn Ca múa nhạc nhân dân Trung ương. Từ nhỏ, anh được cha dạy và chơi thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc, lên 7 tuổi tham gia hoạt động tại CLB Vàng Anh của Nhà văn hóa thiếu nhi Thành phố Nam Định. Năm lên 9 tuổi, anh vinh dự được biểu diễn đàn bầu cho Bác Hồ nghe nhân dịp Bác về thăm Nam Định. Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức cao đẹp về Hồ Chủ tịch và những lời căn dặn của Người luôn động viên để anh vững tiến gắn bó với âm nhạc dân tộc, rèn luyện, học hỏi không ngừng, phục vụ nhân dân, khán giả. Anh là nghệ sỹ đàn bầu duy nhất của Việt Nam sử dụng que gắn hai chiều trong biểu diễn đàn bầu; am tường nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc như Chèo, Tuồng, Ca trù, Chầu văn.

Trong 12 nghệ sỹ của tỉnh được phong tặng danh hiệu NSƯT năm nay, Diệu Hằng là một trong gương mặt trụ cột của Nhà hát Chèo Nam Định hiện nay. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Hồng Thuận (Giao Thuỷ), một vùng quê đậm chất chèo truyền thống, từ nhỏ, Diệu Hằng đã được tiếp cận với những làn điệu chèo cổ. Sau khi tốt nghiệp khoa diễn viên chèo tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh, năm 1995, chị về công tác tại Đoàn Chèo Nam Định. Với chất giọng trời phú và lợi thế ngoại hình, Diệu Hằng nổi bật với các vai nữ chính trong các tích chèo cổ như: Đào Huế (vở Tuần Ty - Đào Huế), Thị Phương (vở Trương Viên), Châu Long (vở Lưu Bình - Dương Lễ), công chúa Quỳnh Nga (vở Khúc ca dâng Mẫu), người Mẹ (vở Trần Anh Tông)… Trong mỗi vai diễn, Diệu Hằng luôn tạo được ấn tượng riêng, chiếm được tình cảm của khán giả. Qua 17 năm gắn bó với sân khấu nghệ thuật chèo, Diệu Hằng đã đạt 4 Huy chương Vàng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và liên hoan tài năng trẻ toàn quốc, khu vực.

Với niềm đam mê nghệ thuật, những nghệ sỹ trên sân khấu nghệ thuật truyền thống Nam Định luôn phấn đấu rèn luyện, vượt khó vươn lên, đạt được những thành công trong con đường lao động, sáng tạo nghệ thuật, được công chúng và đồng nghiệp trân trọng, yêu mến./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com