Sản xuất công nghiệp trong những năm 1997-2000

08:05, 29/05/2012

Năm 1997 có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp nói riêng và toàn bộ kinh tế của Nam Định nói chung, vì sau hơn 30 năm nhập tỉnh, Nam Định lại được tái lập. Đây là cơ hội để địa phương có điều kiện phát huy tiềm năng kinh tế của mình. Thành tựu của công cuộc đổi mới đang đặt Nam Định trước những cơ hội hội nhập với kinh tế khu vực và quốc tế, đó là những điều kiện thuận lợi mà ở thời kỳ trước chưa từng có.

Xác định công nghiệp dệt - may là bước đi quan trọng trong tiến trình CNH - HĐH, ngành dệt may Nam Định lại chiếm 47% giá trị sản xuất công nghiệp góp phần quan trọng phục vụ tiêu dùng và là một mũi nhọn xuất khẩu, Đảng và nhà nước đã tập trung giải quyết những vướng mắc, yếu kém của ngành Công nghiệp dệt may Nam Định

Ngành công nghiệp dệt may Nam Định tuy có gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung vẫn là ngành công nghiệp lớn nhất trên địa bàn về mọi phương diện, từ số lượng, qui mô doanh nghiệp, giá trị tài sản cố định, giá trị sản lượng sản phẩm và cả số lượng công nhân.

Là ngành truyền thống của thành phố, trong những năm ngành công nghiệp trên địa bàn có khó khăn, ngành dệt may vẫn chiếm khoảng 50% tổng sản lượng công nghiệp của toàn tỉnh. Năm 1997, ngành dệt có 9 doanh nghiệp quốc doanh (2 thuộc trung ương, 5 thuộc địa phương); khu vực ngoài quốc doanh có 4796 đơn vị.

Ngành may có 13 doanh nghiệp (trung ương 8, địa phương 5); khu vực ngoài quốc doanh có 1938 đơn vị.

Phân xưởng sản xuất sợi, Nhà máy Sợi (Cty CP Dệt may Sơn Nam, KCN Hòa Xá).
Phân xưởng sản xuất sợi, Nhà máy Sợi (Cty CP Dệt may Sơn Nam, KCN Hòa Xá).

Trong ngành dệt may Nam Định, Công ty dệt Nam Định là đơn vị sản xuất lớn nhất trên địa bàn tỉnh, đồng thời cũng là một đơn vị thuộc diện lớn nhất trong ngành dệt may của cả nước. Suốt trong những năm của thập kỉ 90, sự đình trệ trong sản xuất của Công ty dệt Nam Định đã cản trở không ít đến tốc độ phát triển kinh tế  của tất cả mọi ngành, mọi khu vực trên địa bàn tỉnh.

Năm 1998, Công ty dệt Nam Định đã có mức doanh thu tăng 12,3% so với năm 1997. Năm 1999, kỷ niệm 110 năm Ngày truyền thống dệt Nam Định, Công ty dệt Nam Định đã có tới 176 mặt hàng mới bán ở thị trường trong nước và 32 mặt hàng mới xuất khẩu. Từ đấy, chấm dứt “thời kỳ khủng hoảng” của một đơn vị từng là chiếc nôi của ngành dệt may Việt Nam.

Thực hiện chủ trương cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, năm 1999 Nam Định là tỉnh đứng thứ ba trong cả nước về số lượng doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần về tỷ lệ so với tổng số  doanh nghiệp nhà nước hiện có thì đứng thứ nhất toàn quốc. Đến đầu năm 2000, toàn tỉnh Nam Định đã có 22 doanh nghiệp nhà nước có quyết định chuyển thành công ty cổ phần (trong đó có 11 công ty hoạt động từ năm 1999).

Thực hiện cổ phần hoá trên nền một đơn vị sản xuất ổn định, Công ty cổ phần dây lưới thép Nam Định tiếp tục có bước phát triển mới, đảm bảo giá trị sản xuất, nộp ngân sách nhà nước và thu nhập của người lao động đều tăng.

Từ điểm xuất phát  là đơn vị làm ăn kém hiệu quả, vượt qua những khó khăn ban đầu,  Công ty cổ phần Dệt kim Thắng Lợi đã từng bước khẳng định tính hiệu quả của cơ chế quản lý mới.

Công ty cổ phần đóng tàu Sông Đào là một đơn vị năng động, chủ động vượt qua những khó khăn thử thách trong cơ chế thị trường tạo ra hiệu quả kinh tế đem lại lợi ích cho người lao động và cho Công ty. Từ năm 1986, Công ty đã thực hiên khâu đột phá bằng việc đóng mới 4 tầu xi măng lưới thép trọng taỉ 100 tấn được thị trường chấp nhận. Sau đó đơn vị đã mạnh dạn vay vốn xây dựng triền đà cho nhà máy đóng tàu, tăng thêm năng lực sản xuất và mở rộng thị trường. Từ những khâu đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý, Công ty đã tiến hành cổ phần thành công tạo ra bước phát triển mớí. Năm 2000 Công ty được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lao động trong thời kì đổi mới.

Công ty điện tử điện lạnh Nam Định trong quá trình tiến hành cổ phần hoá đã phải khắc phục những khó khăn do phải giải quyết hậu quả của một dự án đầu tư nước ngoài bị thua lỗ. Bằng những giải pháp và những bước đi thích hợp, Công ty đã từng bước cổ phần hoá thành công và bước đầu phát triển sản xuất.

Cổ phần hoá, đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp Nhà nước, chuyển doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo luật doanh nghiệp là một hướng đi đúng, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo ra bước phát triển mới của các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Nam Định trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hoá.

Năm 1999, trên địa bàn tỉnh đã giải thể 12 doanh nghiệp, chuyển 3 doanh nghiệp gia nhập các Tổng Công ty, thành lập 3 doanh nghiệp công ích mới. Quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước có những khó khăn nhất định.

Khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng giá trị sản xuất lên khoảng 7%, giá trị sản xuất đạt 840 tỷ đồng, khối công nghiệp ngoài quốc doanh lập thêm 3 công ty trách nhiệm hữu hạn. Cả tỉnh có 63 doanh nghiệp dân doanh. Khối công nghiệp dân doanh tăng giá trị sản xuất 9%, với giá trị sản xuất khoảng 490 tỷ đồng. Tuy nhiên, các thành phần kinh tế trong khối này phát triển không đều:

Khu vực HTX, có tổng số 18 đơn vị (trong đó có 13 đơn vị đã chuyển đổi theo luật HTX) giảm giá trị sản xuất gần 4%.

Doanh nghiệp tư nhân có giá trị sản xuất 1,2 tỷ đồng, giảm 39% so với năm trước.

Doanh nghiệp hỗn hợp đạt khoảng gần 70 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 1998.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 6 tỷ đồng, tăng giá trị sản xuất lên gần 340%.

Năm 2000 Nam Định thành lập mới 26 doanh nghiệp, có khoảng 88 ngàn lao động ở khu vực này và tăng giá trị sản xuất lên gấp 2,4 lần năm 1995. Năm 1997 - 2000 tăng bình quân mỗi năm 11%. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người tăng từ 18,0 USD năm 1995 lên 27,2 USD năm 2000.

Đến năm 2000, toàn tỉnh có 27.252 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó quốc doanh trung ương có 8 doanh nghiệp (giảm 1 doanh nghiệp so với năm 1997) quốc doanh địa phương có trên 40 đơn vị, tư nhân có 3 cơ sở, cá thể gần 26.000 đơn vị, hỗn hợp có trên 30 đơn vị và số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2 đơn vị.

Năm 2000 công nghiệp Nam Định tăng 13,1%, trong khi công nghiệp cả nước tăng 15,69%, vùng châu thổ sông Hồng và Bắc Trung bộ tăng 23,9%. Nguyên nhân do công nghiệp trung ương trên địa bàn tỉnh tăng trưởng chậm (4,9%) làm ảnh hưởng chung đến tốc độ phát triển của công nghiệp trên địa bàn. Sản xuất công nghiệp  và tiểu thủ công nghiệp có phát triển nhưng chưa ổn định: năm 1997 tốc độ phát triển 9,05%, năm 1998 lên 15,5%, năm 1999 tăng 8%, năm 2000 tăng 13,1%.

Tỷ trọng công nghiệp trong GDP thấp. Ngành công nghiệp chiếm 12,2% GDP. Công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Ngành cơ khí giảm sút, các sản phẩm công nghiệp phục vụ nông nghiệp còn ít, công nghiệp chế biến chậm phát triển. Ngành dệt chưa phát huy được vai trò truyền thống của công nghiệp dệt nổi tiếng trước đây.

Các cơ sở công nghiệp tuy số lượng nhiều (gấp đôi Hải Phòng và Ninh Bình), nhưng vốn ít, hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa có sản phẩm mũi nhọn và ngành trọng điểm.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com