Tấm lòng một người dân với Bác

08:05, 18/05/2012

Hơn 40 năm Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi xa nhưng hình ảnh của một vị lãnh tụ vĩ đại suốt đời phấn đấu vì độc lập tự do cho dân tộc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân vẫn luôn in đậm trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Nhớ Bác, mỗi người trong chúng ta tuy có những việc làm, hành động khác nhau nhưng đều hướng đến việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Vợ chồng ông Ngô Mạnh Đệ bên những kỷ vật về Bác.
Vợ chồng ông Ngô Mạnh Đệ bên những kỷ vật về Bác.

Chúng tôi về xã Yên Lộc (Ý Yên) vào một ngày nắng như đổ lửa. Sau một hồi hỏi thăm mới tìm được nhà ông Ngô Mạnh Đệ nằm sâu trong một ngõ nhỏ thuộc thôn Đông Cao. Bên chén trà xanh, ông hồi tưởng về cuộc đời trên 30 năm công tác cống hiến cho cách mạng của mình. Năm 1947, khi vừa tròn 17 tuổi, ông xung phong lên đường nhập ngũ, được biên chế về Trung đoàn 34, hoạt động chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Hà - Nam - Ninh. Sau khi tham gia chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ, năm 1955, ông xuất ngũ về làm giáo viên cấp 1 ở Bắc Ninh, sau đó được tăng cường lên vùng Tây Bắc trong chiến dịch mang văn hoá đến cho đồng bào miền núi Mộc Châu, Sơn La. Trong thời gian dạy học ở Hà Đông từ 1959-1965, ông quen và kết hôn với bà Phạm Thị Cáy, là nữ chiến sỹ tình báo Liên khu Ba đã từng bị địch bắt giam tại nhà tù Hoả Lò năm 1954. Năm 1971, ông chuyển công tác về Nam Định làm giáo viên Trường Trần Văn Lan (TP Nam Định), sau đó được trưng tập sang làm công tác tuyên huấn của Thành uỷ Nam Định. Năm 1979 về nghỉ hưu, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội, làm cán bộ văn hoá của phường Năng Tĩnh, tham gia khoá I, HĐND phường. Năm 1984, khi các con ông đã trưởng thành, hai ông bà quyết định chuyển về quê sinh sống. Hàng chục lần chuyển nhà, chuyển đơn vị công tác, nhiều thứ đồ đạc đã bị thất lạc song có một vật duy nhất ông luôn mang bên mình - đó là cuốn an bum, trong đó có hàng trăm bài báo, tấm ảnh nói về Bác Hồ. Nâng niu cuốn an bum trên tay, ông kể: Vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, lúc đó ông đang dạy học ở Hà Đông, lương giáo viên chỉ có 50 đồng/tháng, nuôi 4 người con nên cuộc sống rất khó khăn, song hằng tháng ông vẫn dành tiền để mua và sưu tầm những bài báo, tấm ảnh về Bác, với tình cảm trân trọng, kính yêu đối với Bác. Trong cuốn an bum, hàng trăm tấm ảnh được sắp xếp theo từng chủ đề: Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với nông dân, Bác Hồ trong trái tim miền Nam và hàng chục tấm ảnh Bác Hồ với quê hương Nam Định, hình ảnh Bác về thăm Nhà máy Dệt Nam Định năm 1957… Đặc biệt vào năm 1969, khi sức khoẻ của Bác đã rất yếu, không biết làm cách nào khác, ông chỉ biết theo dõi tình hình sức khỏe của Bác thông qua Thông báo của Bộ Chính trị đăng trên các báo, nhất là Báo Nhân dân. Không ngày nào ông không dành thời gian mua và đọc báo... Khi Bác mất, những bức điện chia buồn của tất cả các nước được đăng tải trên các báo cũng được ông sưu tầm cất giữ cẩn thận, vì theo ông thời khắc thiêng liêng ấy sẽ trôi qua nếu không lưu giữ lại bằng hình ảnh như thế…

Suốt cả cuộc đời giản dị của nhà giáo, về nghỉ theo chế độ sống bằng đồng lương hưu ít ỏi, ông luôn răn dạy các con phải sống “đói cho sạch, rách cho thơm”. 4 người con của ông tuy cuộc sống không mấy khá giả song đều noi gương cha mẹ, chăm chỉ làm ăn, nuôi dạy các con chăm ngoan học giỏi. Ông Đệ sau hơn 30 năm công tác, được Nhà nước cho nghỉ chế độ, song ông vẫn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, trong đó có trên 13 năm làm chủ tịch Hội Khuyến học xã, chăm lo cho biết bao thế hệ mầm non tương lai với tâm nguyện thực hiện lời Bác dạy: “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Mãi đến năm 2011, khi đã bước sang tuổi 80, ông mới nghỉ ngơi. Trong những kỷ vật còn lại của ông như tấm Huy hiệu chiến sỹ Điện Biên, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học, Huân, Huy chương Kháng chiến… thì cuốn an bum lưu giữ những tấm ảnh, bài viết về Bác Hồ vẫn được coi là kỷ vật đáng quý hơn cả. Trong tâm thức của ông, Bác tuy đã đi xa nhưng hình ảnh Bác thì vẫn còn đó hằng ngày, hằng giờ dõi theo những bước đi của cả dân tộc. Và ông đã viết trong cuốn sổ tay của mình:

“Tấm lòng Bác ta ví như biển cả, dòng sông
Biển cả, dòng sông đắp bồi cho đất
Nhớ ơn Bác chỉ một điều duy nhất
Làm theo lời Bác, đất nước sẽ vươn xa”…

Bài và ảnh: Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com