Trung tâm kinh tế tập trung, công nghiệp hiện đại ra đời

08:02, 16/02/2012

Cách đây hơn một thế kỉ, một trung tâm kinh tế lớn, với nền cơ khí hiện đại đã được xây dựng trên địa bàn nay thuộc khu vực thành phố Nam Định. Khu vực này rộng khoảng khoảng 3 km2, có hàng chục cơ sở sản xuất công nghiệp của các công ty tư bản Pháp đã được xây dựng trong những thập kỉ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX như các nhà máy: Dệt, Tơ, Rượu, Điện, nhà máy Chai, nhà máy Chiếu... Đó là những cơ sở công nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở sản xuất đó với động cơ hơi nước đã sản xuất ra hàng loạt sản phẩm đồng bộ, với tốc độ nhanh chưa từng có ở địa phương.

Hệ thống tín dụng, ngân hàng, các nhà băng, rạp chiếu bóng, nhà in, trung tâm bưu điện, công sở... lần lượt mọc lên. Diện mạo của khu Thành Nam xưa, với các phường tiểu thủ công nghiệp, với các ngôi nhà được xây dựng bằng vật liệu chính là đất (làm tường), gỗ (làm cột) và mái tranh tre đã được thay thế bằng các kiểu nhà hiện đại. Thành phố Nam Định được xây dựng trên vùng đất thuộc vị trí của thành Vị Hoàng cũ cùng một số thôn làng quanh đó.

Vị Hoàng từng là trung tâm buôn bán tấp nập, nhưng trong thực tế nó mới chỉ vượt trội hơn các nơi khác bởi ở số thương nhân tập trung và số lượng hàng nhiều mà chưa chi phối được kinh tế của cả vùng.

Thành phố Nam Định dưới thời Pháp thuộc là trung tâm công nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng, đồng thời còn là trung tâm buôn bán của cả tỉnh.

Thực dân Pháp đã tập trung đầu tư trước hết vào ngành bông - vải - sợi - tơ - lụa và ngành chế biến rượu để khai thác tối đa tiềm năng vốn có ở Nam Định và của cả vùng châu thổ sông Hồng. Nguồn lợi tơ, lụa, dệt của thực dân Pháp ở Đông Dương là vô cùng to lớn và cùng với nó ngành rượu cho phép thực dân Pháp khai thác nhanh, hiệu quả và lâu dài. Các công ty của Pháp đã khai thác triệt để các ngành này ngay sau khi Pháp chiếm  Nam Định.

Nếu như ở Hà Nội, Hải Phòng hoặc xứ Nam Kì có hàng chục công ty vô danh của thực dân Pháp khai thác thì ở Nam Định số công ty đầu tư không nhiều, nhưng là những công ty đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của công nghệ ở Pháp. Trong các công ty của thực dân Pháp ở Nam Định, Công ty bông vải sợi Bắc Kì có vị thế quan trọng nhất. Hầu hết các ngành kinh tế ở Nam Định, trong tất cả các tổng, huyện, đều vận hành dưới sự điều khiển của Công ty này.

Với sự ra đời của trung tâm kinh tế tại thành phố Nam Định, kinh tế của cả vùng buộc phải quay vòng quanh tâm điểm này. Từ nội thành, hệ thống giao thông lan toả về các huyện, xã. Từ thành phố, các thị tứ, các cơ sở đại lí phát triển, len lỏi khắp vùng, trở thành các các vệ tinh có vị trí như một trung tâm của tiểu vùng nhằm thu gom nguyên liệu ở các địa phương về trung tâm và bán các sản phẩm được sản xuất từ thành phố. Hệ thống chân rết này hoạt động khá hiệu quả và thường đóng trú tại các nút giao thông trên khắp phạm vi toàn tỉnh.

Các điểm phổ biến nhất trong mạng lưới kể trên là các thị trấn của các huyện và các thị tứ. Dường như đồng thời sau khi sắp xếp lại hệ thống hành chính mới (vào cuối thế kỉ XIX) người Pháp đưa các huyện lị vào vòng quay của kinh tế thuộc địa mà đại diện là các cơ sở kinh tế công nghiệp của Pháp ở thành phố Nam Định. Hơn thế nữa, ruộng đất vốn để trồng trọt lương thực của các địa phương cũng phải cắt bớt để sản xuất bông phục vụ sản xuất công nghiệp của Pháp ở thành phố.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com