Những người đam mê "nhịp thời gian"

08:07, 02/07/2021

Nằm ở trục đường Trần Hưng Đạo kéo dài (thành phố Nam Định), cửa hàng Lợi đồng hồ là một trong những địa chỉ uy tín với những người có thú chơi đồng hồ đeo tay. Anh Đặng Thế Lợi (32 tuổi) chủ cửa hàng cho biết: Anh mới vào nghề từ năm 2012 khi bắt đầu kinh doanh đồng hồ. Sau một thời gian kinh doanh, để thu hút khách, anh tự mày mò học sửa chữa các loại đồng hồ. Quá trình tự học, anh mua và “mổ” những chiếc đồng hồ từ mới cứng đến cũ mèm, tháo từng linh kiện nhỏ để nghiên cứu cấu tạo, các “bệnh” thường gặp của đồng hồ. Lần đầu tiên tháo - lắp, bảo dưỡng máy đồng hồ, anh gặp không ít khó khăn, có chiếc chạy nhanh, chạy chậm, có chiếc lại… ngừng hẳn (!). Mỗi sai sót đều được ghi chép tỉ mỉ từ lỗi đến cách khắc phục… Nhiều lần say mê công việc, anh thức xuyên đêm để sửa cho đồng hồ chạy chuẩn xác. Để nâng cao tay nghề, năm 2015, anh Lợi tiếp tục sang Ninh Bình tìm thầy học hỏi kinh nghiệm. Hiện nay, cửa hàng tại địa chỉ 408 Trần Hưng Đạo của anh là đại lý chính thức cho các thương hiệu đồng hồ Lotusman, Olympianus, Bentley, Ogival… Anh Lợi cho biết thêm: “Công việc bảo dưỡng, sửa chữa các loại đồng hồ đeo tay đòi hỏi sự kiên trì, tập trung trong từng thao tác, nhất là đối với đồng hồ cơ mỗi chiếc có từ 200-300 chi tiết, nhiều chi tiết rất nhỏ”. Bằng niềm đam mê, tâm huyết với nghề, anh Lợi đã hồi sinh nhiều chiếc đồng hồ có giá trị lớn như Omega Coaxial 2500 đời 2015 trị giá khoảng 200 triệu đồng, Omega seamaster đời 1930 khoảng 30 triệu đồng… So với sửa chữa đồng hồ truyền thống, người thợ hoàn toàn dựa vào “cảm giác”, kinh nghiệm để phát hiện lỗi và sửa thì công việc của anh Lợi được hỗ trợ những thiết bị máy móc chuyên dụng và hiện đại nhất hiện nay như: máy đo nhanh, chậm đồng hồ cơ, máy kiểm tra nước, máy ép nước, kính hiển vi điện tử, máy khử từ đảm bảo độ chính xác tuyệt đối trước khi giao sản phẩm cho khách hàng. Cửa hàng của anh Lợi không chỉ giúp anh thoả mãn đam mê đồng hồ đeo tay mà anh cũng nhận đào tạo thợ sửa đồng hồ, tạo điều kiện để họ làm việc và có thu nhập ổn định tại cửa hàng.

Anh Đặng Thế Lợi (thành phố Nam Định) đang kiểm tra, bảo dưỡng đồng hồ đeo tay của khách hàng.
Anh Đặng Thế Lợi (thành phố Nam Định) đang kiểm tra, bảo dưỡng đồng hồ đeo tay của khách hàng.

Nhắc đến thú chơi đồng hồ cổ ở thành phố Nam Định, nhiều người trong giới chơi đồng hồ cổ đều ngưỡng mộ bộ sưu tập trên 100 chiếc của ông Vũ Đan Trường, phố Hoàng Văn Thụ. Ông Trường cho biết: Trên thị trường, đồng hồ có nguồn gốc từ nhiều nước khác nhau như: Đức, Pháp, Italy, Thụy Sĩ, Hà Lan… Trong số đó, có những chiếc tuổi đời hàng trăm năm như bộ đồng hồ cổ của Đức, đồng hồ hiệu ODO của Pháp. Hiện nay, trong số bộ sưu tập đồng hồ cổ của ông Trường chủ yếu có xuất xứ ở Pháp và Đức. Theo ông Trường, đa số đồng hồ từ đất nước này làm bằng phương pháp thủ công nên máy tốt, kỹ thuật tinh xảo và độ bền vượt thời gian. Chất liệu quả lắc đa dạng từ hợp kim, đồng, mạ vàng hay vàng, bạc. Trong khi đó lớp vỏ bên ngoài được làm từ gỗ, hợp kim, có khảm trang trí bằng kim loại quý nên có giá trị cao. Theo ông Trường, thú chơi đồng hồ cổ đem lại cho người chơi nhiều điều thú vị. Những mẫu đồng hồ cổ châu Âu đã ngưng sản xuất nên ngày càng trở nên khan hiếm trong khi nhu cầu của người chơi ngày càng nhiều, khiến cho đồng hồ cổ luôn giữ giá. Ông Trường cho biết thêm: Sưu tập đồng hồ cổ đòi hỏi người chơi phải có sự hiểu biết về nguồn gốc xuất xứ, am tường kỹ thuật sản xuất, chất liệu, âm thanh của từng dòng đồng hồ. Đồng hồ không đơn thuần là công cụ để cho ta biết thời gian, mà nó còn là tác phẩm nghệ thuật lưu giữ những giá trị thẩm mĩ, văn hóa, lịch sử. Tại Việt Nam, những chiếc ODO 24, ODO 30, ODO 36, ODO 40… (tương ứng với năm sản xuất 1924, 1930, 1936, 1940) vào nước ta theo người Pháp qua các thương nhân, tàu buôn và những người có địa vị trong xã hội. Để phục vụ thú chơi sưu tầm đồng hồ cổ, ông Trường tự mày mò học sửa chữa, bảo dưỡng bộ sưu tập quý giá của mình. 

Anh Trần Văn Quốc, xã Xuân Hoà (Xuân Trường) là một trong những thợ mộc bén duyên với nghề chế tác hộp đồng hồ giả cổ. Anh Quốc cho biết: Để có chiếc đồng hồ cây giá trị phải mất nhiều công đoạn, kết hợp tài hoa của kỹ sư máy, người thợ mộc, người đúc đồng... Hầu hết đồng hồ giả cổ được làm thủ công nhưng tất cả các chi tiết đều chính xác, như được lập trình trên máy tính. Ngay cả những chiếc bánh răng, dù phải vận hành trong hàng chục năm, nhưng độ chính xác vẫn cao, rất ít bị ăn mòn. Người chế tác, phải am hiểu về từng đồng hồ cổ để lựa chọn, sáng tạo các loại hộp đồng hồ cho phù hợp với từng loại máy. Riêng với loại đồng hồ côn, anh Quốc phải nhập linh kiện đồng hồ, chỉ chế tác, điêu khắc vỏ hộp. Chất liệu vỏ hộp đồng hồ thường được làm bằng gỗ gụ hoặc gỗ sồi, gỗ trắc, gỗ mun... là các loại gỗ mềm, có tính cộng hưởng âm thanh tốt. Người thợ chế tác vỏ đồng hồ phải hiểu về âm luật, tính cộng hưởng âm thanh để tính toán độ dày của từng loại hộp theo đồng hồ vừa phải. Niềm vui lớn nhất với những người chế tác đồng hồ giả cổ như anh là sự hài lòng của khách hàng khi đến nhận hàng, cùng nhau thưởng trà và nghe thử âm thanh vang lên từ mỗi chiếc đồng hồ. 

Một thời những chiếc đồng hồ được con người phát huy khả năng sáng tạo để trở thành những món đồ trang trí nội thất vừa có giá trị thẩm mĩ vừa có giá trị kinh tế cao. Ngày nay, món đồ này lại được mọi người ưa chuộng, tạo cơ hội cho những người biết nghề, giỏi nghề vừa thoả mãn đam mê, trình diễn độ tinh xảo của kỹ thuật nghề, vừa mang đến nguồn thu không nhỏ, đúng như tục ngữ để lại “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com