Nghề đúc đồng Kiên Lao

05:05, 24/05/2019

Làng Kiên Lao tiền thân của xã Xuân Tiến và Xuân Kiên (Xuân Trường) có nghề đúc đồng với lịch sử trên 200 năm. Theo các bậc cao niên, tổ nghề đúc đồng của làng là cụ Lê Văn Nghiễm, thợ đúc trống đồng Đông Sơn có tiếng ở tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, hậu duệ dòng họ Lê Văn sinh sống rải rác ở các xã Xuân Kiên, Xuân Tiến đã mở những cơ sở đúc đồng truyền thống có quy mô lớn, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Đến thăm cơ sở đúc đồng truyền thống của anh Lê Văn Kha, xóm 12A, xã Xuân Kiên, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động khẩn trương của những người thợ làm khuôn, đắp lò… Các sản phẩm cơ sở của anh chế tác gồm chuông, tượng thờ với trọng lượng từ 0,5 tấn đến 7 tấn. Sinh ra trong gia đình có 5 đời làm nghề đúc đồng truyền thống, anh Kha nắm được tỉ mỉ cách nhóm lò, tỉ lệ pha đồng, thiếc, vẽ hoa văn… Một trong những sản phẩm “đinh” của làng nghề đúc đồng Kiên Lao là chuông. Chia sẻ bí quyết và quy trình làm chuông đồng, anh Kha cho biết: Để làm một quả chuông đồng, thợ đúc trước hết cần đắp khuôn. Khuôn được làm từ loại đất đỏ lấy từ ruộng sau đó được xay, trộn với trấu để tạo khuôn. Tùy yêu cầu khách hàng đặt kích cỡ chuông thợ đúc sẽ tạo khuôn tương ứng. Đắp xong khuôn, thợ đúc mang vào lò nung đỏ; sau khi để nguội, vẽ hoa văn trang trí lên khuôn và tiếp tục cho vào lò nung. Xong phần khuôn, người thợ nấu đồng. Với tỉ lệ đồng với thiếc hợp lý, khi nấu đồng, những thợ đúc lành nghề chỉ cần xem thời gian lửa cháy là biết đồng đã đạt yêu cầu để rót vào khuôn. Sau công đoạn làm nguội đồng là công đoạn dỡ khuôn, hoàn chỉnh sản phẩm giao cho khách hàng. Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm nghề đúc đồng, sản phẩm của anh Lê Văn Kha luôn đảm bảo chất lượng và được nhiều nơi trong cả nước đặt hàng; tiêu biểu như chuông 5 tấn đặt ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), chuông 7 tấn đặt ở đền Kim Ngưu (Hà Nội), chuông 7 tạ đặt ở Quần đảo Trường Sa…

Thợ kỹ thuật ở cơ sở đúc đồng của anh Lê Văn Kha, xóm 12A, xã Xuân Kiên kiểm tra chất lượng chuông trước khi bàn giao cho khách hàng.
Thợ kỹ thuật ở cơ sở đúc đồng của anh Lê Văn Kha, xóm 12A, xã Xuân Kiên kiểm tra chất lượng chuông trước khi bàn giao cho khách hàng.

Cách cơ sở của anh Kha không xa là cơ sở đúc đồng truyền thống của người em trai Lê Văn Khiêm. Anh Khiêm được biết đến là người có “duyên” đúc các tượng đồng. Anh Khiêm cho biết: Kỹ thuật đúc đồng truyền thống của Kiên Lao đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút từng công đoạn. Sản phẩm tượng đúc sau khi được hoàn thiện không chỉ đảm bảo tính thẩm mỹ mà cần thể hiện đúng thần thái của nhân vật. Các khâu làm nhẵn, đánh bóng bề mặt, làm màu cho sản phẩm để bảo đảm độ bền, chất lượng sản phẩm dựa trên những bí quyết, kinh nghiệm truyền thống. Người thợ làm nghề phải nắm chắc kỹ thuật và không ngừng tìm hiểu, bổ sung kiến thức tích lũy kinh nghiệm tạo thành bí quyết làm nghề. Trong số các tác phẩm của anh Khiêm, các bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, những vị Thành Hoàng... đều khắc họa được tính cách nhân vật. Đặc biệt, dòng sản phẩm tượng Phật bằng đồng là một trong những thế mạnh của anh Khiêm. Để đúc tượng Phật bằng đồng, người thợ cần có đôi tay khéo léo, trí tưởng tượng của khối óc và phải nắm chắc quy định khắt khe khi chế tác tượng như: kích thước, dạng thể, các động tác, trang phục và đặc tính của mỗi loại tượng. Các bức tượng Phật của anh Khiêm gây ấn tượng bởi các đường nét thể hiện từ bi, nhân hậu và toát lên vẻ siêu phàm của cõi Phật.

Ở nhiều làng nghề thường chỉ truyền nghề cho con trai, còn ở làng Kiên Lao bất kể gái trai, dâu, rể có chí hướng theo đuổi nghề đều được các bậc cao niên chỉ bảo. Anh Mai Văn Hậu, xóm 9, xã Xuân Tiến, con rể của dòng họ Lê Văn là một trong những trường hợp đó. Cơ sở đúc đồng của vợ chồng anh tạo việc làm cho 8 lao động với thu nhập ổn định từ 5 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Thợ đúc ở Kiên Lao đúc 2 loại chuông Tây và chuông Nam. Chuông Tây dùng dây để kéo và được treo ở nhà thờ, chuông Nam dùng thiết bị để đánh và treo ở nhà chùa. Cơ sở đúc đồng của anh Mai Văn Hậu chế tác cả chuông Tây và chuông Nam cùng các loại tượng tôn giáo. Anh Hậu cho biết: Hai loại chuông phát ra âm thanh khác nhau. Nếu chuông nhà thờ vang ngân thì chuông chùa pha lẫn “thanh” trầm. Một quả chuông hoàn hảo, theo anh phải đạt được hai yếu tố cơ bản là “thanh” và “sắc”. “Sắc” là ở phần tạo hình dáng, họa tiết, hoa văn bên ngoài, “thanh” là thanh âm chuông phát ra. Hiểu được đặc tính từng loại chuông, người thợ mới bắt đầu các quy trình chế tác. Đến nay, cơ sở đúc đồng Mai Văn Hậu được nhiều nơi biết đến. Anh đã đúc tượng Phật cho Chùa Vàng (Tam Đảo), tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo cho Chùa Thăng Phúc (Thành phố Hải Phòng); Tháp xá lợi Phật Chùa Thiện Sơn (Vĩnh Phúc), tượng Thánh Đền Hưng Nghĩa (Hải Hậu)… Ngoài ra, nhiều nơi đặt tượng và chuông của anh Hậu chế tác như: Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, quả chuông mang tên “Đại Hồng Chung Thăng Long linh tụ” do cơ sở Mai Văn Hậu đúc được treo tại điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long… Anh Hậu còn có 3 anh em trai đều mở cơ sở đúc đồng gồm: Mai Huy Hàn, Mai Văn Phương, Mai Văn Huyên. Anh Mai Huy Hàn chuyên đúc tượng đồng tôn giáo cho biết: Việc chế tác đồ thờ và tượng thờ phải am hiểu các nguyên tắc tín ngưỡng, tôn giáo liên quan, để khi tạc bức tượng có hồn, thể hiện được thần thái của người được thờ phụng. Để tạo ra những bức tượng Phật, tượng Thánh..., người thợ làng nghề phải hiểu cội nguồn sâu xa của từng sản phẩm, phẩm chất tâm hồn của vị Phật, vị Thánh được dân tôn thờ. Với những bức tượng đồng là danh nhân như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, người thợ phải tìm đọc nhiều tài liệu về cuộc đời của các nhân vật được tạc tượng để có thêm cảm xúc thể hiện tác phẩm.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ngày 27-2 âm lịch hàng năm con cháu làng đúc đồng Kiên Lao từ mọi miền đất nước lại tụ họp về từ đường họ Lê tại xóm 9, xã Xuân Tiến thành kính dâng hương “tri ân” các bậc tiền nhân, qua đó, nhắc nhở lớp nghệ nhân trẻ tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy tinh hoa văn hóa làng nghề truyền thống./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com