Ẩm thực Tết quê trong nỗi nhớ người xa xứ

09:02, 15/02/2018

Tôi sang định cư ở Ba Lan đã được gần 20 năm. Sống nơi xứ sở bạch dương, mỗi mùa tuyết tan “sương trắng nắng tràn” đẹp như trong cổ tích, lòng lại quặn thắt nỗi nhớ quê nhà. Cũng cái nắng xuân vàng dịu lấp lánh trên những vòm lá nõn. Cũng cái se se lạnh để mọi người muốn xích lại gần nhau. Tết ở xứ người bắt đầu sớm hơn, từ khoảng thời gian nhà nhà nô nức đi kiếm cây thông Nô-en, quây quần bên nhau trang hoàng thật đẹp chuẩn bị đón Lễ Giáng sinh. Giữa những tưng bừng náo nhiệt, trong giai điệu rộn ràng của bài hát “Jingle bell”, lòng vẫn chùng xuống khi ngày ngày gỡ bỏ những tờ lịch cuối cùng của năm cũ. Giờ này ở quê đang là tháng Chạp với những ngày rét cắt da cắt thịt. Qua tháng Chạp lạnh tái tê là đến Tết với bao âm thanh, sắc màu rực rỡ, bao món ngon đậm đà hương vị đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên.

Những mùa xuân ăn Tết nơi đất khách, người Việt chúng tôi thường tụ họp với nhau để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Cũng đủ đầy bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ nhưng vẫn thấy thiếu vắng cái không khí rất đặc trưng cái Tết cổ truyền của dân tộc. Thèm được nắm tay người cũ, đi trong xôn xao, náo nức mua sắm của phiên chợ quê ngày giáp Tết. Thèm được rửa mặt, gội đầu bằng nước lá mùi già thanh khiết, thoảng thơm hương đồng nội, dịu dàng mà quyến rũ. Thèm được một mình đứng lặng dưới màn mưa phùn bay lất phất của đêm giao thừa, chờ đón khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ, năm mới với bao ước mơ, khát vọng. Cảm giác muốn được quay về, cùng ông bà, bố mẹ thức thâu đêm canh nồi bánh chưng sôi lục bục trên bếp lửa; cùng anh chị em cuộn tròn trong ổ rơm ấm áp, chơi tam cúc quệt nhọ nồi cười vang cả mấy gian nhà. Trong tâm thức của mỗi người Việt, Tết cổ truyền luôn để lại những dấu ấn thật đặc biệt. Đối với những người con xa quê, nỗi nhớ Tết càng cháy bỏng, da diết hơn bao giờ hết. Với riêng tôi, Tết quê thật giản dị, mộc mạc mà gần gũi, thân thương. Các cụ xưa có câu “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Thuở ấy, cuộc sống còn khó khăn. Dù quanh năm vất vả, thiếu thốn nhưng ngày Tết, mọi nhà đều cố gắng lo toan, sắm sửa cho năm mới được đủ đầy. Chúng tôi đứa nào cũng háo hức mong chờ Tết, đếm ngược từng ngày kể từ 23 tháng Chạp mẹ mua cá chép về cúng ông Táo lên trời. Bộ quần áo mới còn thơm nức mùi hồ cũng được mang ra thử trước, xúng xính đi khoe với bạn bè khắp xóm. Chiều 30 Tết, cứ vài nhà lại chung nhau đụng một con lợn; trẻ con lăng xăng chạy tới chạy lui, chờ xin chiếc bong bóng. Phần thịt được chia, mẹ khéo léo pha ra để chế biến thành nhiều món. Nào giò thủ mộc nhĩ giòn sần sật, thơm nồng vị hạt tiêu. Nào canh măng nấu xương với những sợi măng vàng ruộm quyện nước dùng ngọt lịm. Nào bát thịt đông trong như hổ phách, úp lên đĩa sứ trắng trông như nửa quả cầu pha lê. Mẹ còn không quên làm mấy nắm nem, gói nhiều lượt bằng lá sung bánh tẻ, bên ngoài bọc lá dong xanh mướt, thơm tho cắt ở vườn nhà. Dù bận rộn đến mấy cho việc trồng cây nêu, quét vôi, trang hoàng nhà cửa, lại còn tranh thủ cấy nốt mấy sào ruộng kịp đón mưa xuân, bố tôi vẫn không quên sang xã bên đặt món cá nướng úp chậu. Có năm, tôi cũng được theo bố đi xem người ta chế biến. Những con cá tươi ngon vừa bắt từ dưới sông lên còn giãy đành đạch được làm sạch, úp chiếc chậu nhôm lên rồi đốt rơm, ủ trấu cho tới khi những chiếc vảy cong lên như mái ngói âm dương, thịt cá bên trong trắng ngần, bên ngoài vàng ươm, săn chắc. Món cá nướng úp chậu gói kèm khế chua, chuối chát, các loại rau thơm, chấm nước mắm gừng và thì là cắt nhuyễn được cả nhà tôi ưa thích, bởi nó giúp cân bằng lại việc dư thừa chất đạm chất béo trong mâm cỗ Tết. Còn mẹ tôi, người phụ nữ đảm đang, khéo thu vén, mỗi năm Tết đến lại càng tất bật. Phiên chợ cuối cùng trong năm, mẹ đi về mấy lượt, mang theo bao nhiêu thứ. Trong bộn bề sắm sửa không thể thiếu bánh kẹo để cho lũ trẻ chúng tôi, biếu người thân và dùng đãi khách. Toàn những loại bánh kẹo dân dã là đặc sản của các vùng quê, được làm từ những nguyên liệu chọn lọc tự tay người nông dân vất vả sớm hôm trồng cấy. Nào kẹo lạc, kẹo dồi của thôn Thượng Nông giòn tan, ngọt đượm, bùi thơm. Nào bánh rang Cát Thành nở phồng, phúng phính như má bé thơ, chế biến từ gạo nếp, khoai sọ, ăn giòn xốp, thơm lừng vị mật chưng và vừng rang. Nào những phong bánh khảo trắng ngần bọc giấy điều đỏ thắm, những gói bánh nhãn vàng tươi được làm từ những hạt nếp cái hoa vàng béo mọng, đậm đà của vùng quê biển Hải Hậu… Tất cả được mẹ gói ghém cẩn thận, sau khi cúng giao thừa mới mang ra cho cả nhà thưởng thức. Ông bà, bố mẹ tôi mỗi người uống một chén rượu cúc vàng thơm sóng sánh do chính tay bà tôi hái, ủ từ dạo cuối thu; mặt ai cũng hồng lên rạng rỡ. Mấy chị em tôi tranh thủ vốc một nắm kẹo lạc, chui vào chăn ấm rúc rích ăn với nhau. Nào cần gì những sơn hào hải vị, mâm cao cỗ đầy. Những cái Tết đơn sơ mà ấm áp, thân thương như thế đã đi qua năm tháng tuổi thơ tôi, đong đầy dư vị ngọt ngào, làm điểm tựa vững chãi cho tâm hồn tôi mỗi lúc mỏi mệt mưu sinh nơi đất khách.

Một mùa xuân mới lại về. Ở quê nhà, mọi người giờ này đang nô nức đi chơi Tết. Cây đào trước ngõ nhà tôi đang bung nở những chùm hoa hồng thắm. Nơi xứ người, càng thấm thía nỗi nhớ quê, nhớ những cái Tết đầm ấm, tràn ngập yêu thương bên gia đình, làng xóm đã trở thành kỷ niệm. Lại nghe bao ký ức tràn về, rưng rưng./.

Hồng Hạnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com