Xuân nơi đảo xa! (kỳ 1)

08:02, 14/02/2017

Những ngày đầu năm mới 2017, chúng tôi được tham gia đoàn cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) vượt hơn 350 hải lý đến thăm, chúc mừng năm mới bộ đội và người dân các đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Sóng cuộn như vỗ về, tiếp sức để con tàu mang số hiệu KN 363 đến đích nhanh hơn. Giữa biển trời bao la của Tổ quốc, chúng tôi càng hiểu rõ sự hy sinh thầm lặng của những người canh biển, nơi giữ trọn niềm tin, ý chí của đất liền để chung sức, đồng lòng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo quê hương!  

I. Cồn Cỏ - Đảo “thép” giữa Biển Đông

Tàu cá của ngư dân chở đoàn công tác vào đảo Cồn Cỏ.
Tàu cá của ngư dân chở đoàn công tác vào đảo Cồn Cỏ.

Sau hơn 9 giờ lênh đênh trên biển, chúng tôi đã cập âu tàu đảo Cồn Cỏ với bao háo hức, chờ mong. Thời tiết không thuận lợi nên thay vì hạ xuồng để đưa chúng tôi vào đảo, tàu KN 363 phải nhờ đến tàu cá của ngư dân. Nhìn từ xa, Cồn Cỏ như một viên ngọc nổi bật giữa làn nước xanh biếc, dập dìu trước biển. Bước chân lên đảo là khung cảnh đẹp hoang sơ với những bãi san hô đỏ cùng nhiều cát, đá tự nhiên rất kỳ thú. Thật may mắn, chúng tôi đã gặp thiếu tá Bùi Văn Định, quê ở xã Nam Thái (Nam Trực) hiện là ngành trưởng cơ điện của Trạm ra-đa hải quân 540 trên đảo. Thông hiểu về địa điểm đóng quân, anh vui vẻ giới thiệu: Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc, là điểm mốc phân chia Vịnh Bắc Bộ, là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia nên có vai trò rất quan trọng. Mang hình dáng như một con rùa khổng lồ hướng đầu về phía Tây Nam, đảo Cồn Cỏ có diện tích chỉ khoảng 2,3km2 nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Trị, hơi chếch về phía Bắc vĩ tuyến 17. Tương truyền, dưới thời Nguyễn đây là nơi đày ải những người có tội. Theo các nhà khảo cổ, trong thời gian của những thế kỷ đầu Công nguyên, Cồn Cỏ đã từng có nhiều cư dân đặt chân đến và để lại nhiều dấu tích. Như vậy, từ lâu Cồn Cỏ đã được người Việt khám phá và đặt nền móng cho sự xác lập quyền quản lý đảo này. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Cồn Cỏ trở thành biểu tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; là tượng đài bất khuất, sừng sững giữa biển khơi, làm nức lòng quân dân cả nước và bạn bè thế giới. Đây chính là nơi trung chuyển lực lượng, lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Đặc biệt trong 4 năm từ 1964 đến 1968, quân và dân Vĩnh Linh đã có hơn 4.000 lần chuyển thuyền tiếp tế hơn 2.500 tấn hàng hoá, vũ khí cho đảo. Nhằm ngăn chặn và cắt đứt tuyến đường chi viện của ta, địch đã nhiều lần đổ bộ, vây ráp ném bom đánh phá rất ác liệt. Trải qua 1.500 ngày đêm đối mặt quân thù với gần 1.000 trận đánh lớn nhỏ, quân và dân trên đảo đã bắn rơi 48 máy bay; bắn cháy, bắn chìm 17 tàu chiến, hải thuyền Mỹ nguỵ. Chiến tranh khốc liệt, kẻ thù muốn dùng không quân và hải quân để san phẳng hòn đảo nhỏ này, nhưng với ý chí kiên cường, bất khuất, quân và dân ta đã đập tan mọi mưu chước của kẻ xâm lược. Lặng lẽ bước lên tượng đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ thắp nén hương trầm, toả khói thơm ngát, anh Định giới thiệu với chúng tôi về 103 liệt sĩ đang ghi danh ở đây, phần lớn đều là con em Vĩnh Linh (Quảng Trị). Tên tuổi của các liệt sĩ cùng hàng trăm pháo thủ, hàng nghìn dân quân tiếp ứng lương thực, vũ khí cho những trận đánh đầy gian khổ đã làm nên tên tuổi của Cồn Cỏ. “Vọng gác” tiền tiêu trên biển này đã vinh dự được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Đảo Cồn Cỏ xưa đã trở thành huyện đảo Cồn Cỏ với sự “thay da đổi thịt” nhanh chóng mỗi ngày. Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng, giữ vững chủ quyền đất nước trên Biển Đông, Cồn Cỏ đang từng bước khai thác tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, xứng đáng với vị trí tiền tiêu của Tổ quốc. Năm 2002 mô hình “Đảo Thanh niên” hình thành, tập hợp 43 thanh niên trẻ khoẻ, nhiệt huyết xung phong ra đảo lập nghiệp. Họ đã vượt qua bao khó khăn, đem sức trẻ xây dựng cuộc sống tươi vui, xoá tan không khí cô tịch trên hòn đảo vắng. Ngày 1-10-2004, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 174 về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh Quảng Trị. Hơn 13 năm trôi qua, dẫu cư dân lập nghiệp trên đảo chưa nhiều nhưng huyện đảo Cồn Cỏ đã có bước phát triển đột phá về quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật với hệ thống điện, đường, trường, trạm theo chiến lược phát triển tầm xa về du lịch, dịch vụ; khai thác hiệu quả tài nguyên nông, lâm, thuỷ, hải sản nhằm bảo đảm cuộc sống cho người dân. Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết: Năm 2016 với tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, cách trở, đơn vị đã hoàn thành vượt mức 10/16 chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện đề ra. Các nhóm chỉ tiêu vượt cao phải kể đến: tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 22 tỷ đồng; sản xuất rau, củ, quả đạt hơn 16 tấn; trồng rừng và cây phân tán vượt 3.810 cây; sản lượng điện tiêu thụ đạt 160 nghìn kWh; cung cấp 4.500m3 nước sạch; huy động 10 cháu trong độ tuổi đến trường. Bước sang năm 2017, huyện đảo Cồn Cỏ tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch trên các lĩnh vực, ngành; tập trung thực hiện đề án mở tuyến du lịch ra đảo gắn với việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ, du lịch giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến 2030. Đảo tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên thiên nhiên trên và quanh đảo; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án rừng đặc dụng Cồn Cỏ. Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền tiếp tục khuyến khích phát triển kinh tế hộ, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Cồn Cỏ, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, huyện đảo Cồn Cỏ phấn đấu trong năm 2017 thu ngân sách đạt trên 23 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hằng tháng là 836 nghìn đồng; thu hút 3.600 khách du lịch; đưa thêm 10 hộ dân ra đảo để nâng số hộ dân sinh sống tại đây lên 23 hộ; bảo đảm cấp điện 24/24h; xây dựng mô hình chế biến nước mắm tập trung; mô hình kinh doanh hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch. Các chỉ tiêu về môi trường, phấn đấu 90% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% rác thải trên đảo được thu gom, xử lý theo quy định. Những mục tiêu về kinh tế - xã hội đặt ra đều hướng tới mục đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng an ninh; sớm xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch, văn hoá, an toàn.

Chia tay Cồn Cỏ khi màn đêm buông xuống cuộn theo sương gió mặn mòi từ biển cả. Khoát tay ra xa, anh Định chỉ cho chúng tôi những vị trí đang bừng sáng ánh đèn, đó là trường học Hoa Phong Ba; Đồi 37 nơi có Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; điểm cao 63 lừng lững Trạm hải đăng Cồn Cỏ ngày ngày cần mẫn truyền dẫn tín hiệu để hàng nghìn tàu thuyền qua lại Vịnh Bắc Bộ an toàn. Hướng về đất liền, anh Định xúc động gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến quê hương Nam Định, mảnh đất đã sinh ra, nuôi dưỡng anh lớn khôn, trưởng thành và tiễn anh ra đảo chung sức cùng đồng đội luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc./.  

(còn nữa)
Bài và ảnh:
Xuân Thu
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com