Vì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

09:03, 11/03/2016
Năm 2015, BHXH tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi cho đối tượng khi tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT.
 
Cùng với việc xây dựng và triển khai kế hoạch “Cải cách hành chính” theo tinh thần Nghị quyết 49 của Chính phủ, BHXH tỉnh đã tập trung chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thành phố triển khai giao dịch điện tử đối với thủ tục đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT của các đơn vị sử dụng lao động, cấp tài khoản đăng nhập phần mềm và chữ ký số thử nghiệm… BHXH tỉnh đã thành lập “Tổ hỗ trợ kê khai” để trực tiếp xuống các doanh nghiệp hỗ trợ việc thực hiện giao dịch điện tử, lựa chọn những đơn vị sử dụng lao động đáp ứng được yêu cầu giao dịch điện tử hỗ trợ cài đặt phần mềm, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác BHXH của đơn vị sử dụng lao động sử dụng phần mềm kê khai và tham gia giao dịch điện tử với cơ quan BHXH; hướng dẫn cán bộ nghiệp vụ thu, cấp sổ thẻ, tiếp nhận hồ sơ sử dụng phần mềm trong công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ điện tử; lập đường dây nóng hỗ trợ... BHXH tỉnh đã ban hành văn bản về việc triển khai giao dịch điện tử; hoàn thiện dữ liệu quá trình tham gia BHXH, BHYT của cá nhân, tổ chức để kết nối trong toàn tỉnh và với BHXH Việt Nam; tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ cho công chức, viên chức và cán bộ phụ trách BHXH của trên 2.000 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh về thực hiện giao dịch điện tử việc đóng BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố duy trì, củng cố và thực hiện tốt cơ chế một cửa, tạo thuận lợi cho đơn vị và đối tượng đến giao dịch; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành và chất lượng phục vụ. Năm 2015, công tác tiếp nhận hồ sơ được thực hiện nền nếp, đúng quy định và đạt hiệu quả, tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân đến giao dịch và làm việc với cơ quan BHXH. Tính đến 31-12-2015, BHXH tỉnh đã thực hiện tiếp nhận 890.913 hồ sơ của các đối tượng đến giao dịch tại bộ phận một cửa BHXH tỉnh, huyện. Công tác tổ chức quản lý, lưu trữ hồ sơ đối tượng hưởng BHXH và tài liệu cơ quan luôn được BHXH tỉnh duy trì thành nền nếp, đúng quy định, phục vụ tốt công tác khai thác, sử dụng hồ sơ cho các phòng nghiệp vụ, sao lục hồ sơ khi đối tượng yêu cầu. Đến hết năm 2015, BHXH tỉnh lưu trữ 10.059 hồ sơ; rút 35.481 lượt hồ sơ phục vụ giải quyết chế độ chính sách và các yêu cầu khác phát sinh.
Tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH tại BHXH tỉnh.
Tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH tại BHXH tỉnh.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Nam Định tiếp tục đầu tư mua sắm bổ sung thiết bị công nghệ thông tin; tiếp nhận kịp thời các chương trình ứng dụng do BHXH Việt Nam chuyển giao; bổ sung vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu phát triển của công nghệ thông tin và nhiệm vụ của ngành. Tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm tiếp nhận quản lý hồ sơ; phần mềm xét duyệt các chế độ ngắn hạn, cấp sổ, thẻ; nâng cấp chương trình phần mềm thu, kế toán cho cán bộ công chức, viên chức trong ngành. Kết quả, 100% cán bộ, công chức, viên chức đã nắm vững yêu cầu chuyên môn, sử dụng thành thạo phần mềm nghiệp vụ để giải quyết công việc trong điều kiện số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày một tăng và đa dạng, thông tin quản lý đối tượng luôn biến động. Hỗ trợ các đơn vị trong ngành xử lý dữ liệu, duy trì các hoạt động ứng dụng CNTT trong toàn ngành đảm bảo an toàn hiệu quả, đồng thời hỗ trợ xử lý kỹ thuật cho các đơn vị trong ngành khi sử dụng các phần mềm ứng dụng và thiết bị CNTT. Đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống mạng Office Wan từ tỉnh xuống huyện; đưa vào khai thác, sử dụng trang thông tin điện tử (website) của BHXH tỉnh. Công tác giám định BHYT đã được BHXH tỉnh triển khai kịp thời, từng bước đi vào nền nếp. Cơ quan BHXH đã chủ động ký kết hợp đồng khám, chữa bệnh (KCB) với các cơ sở y tế, phân công cán bộ thường trực tại các cơ sở KCB trong tỉnh, thực hiện quy trình giám định theo quy định. Năm 2015, BHXH tỉnh tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở KCB BHYT, nhất là các cơ sở KCB có chi phí lớn và kiểm tra chéo giữa các bệnh viện để kiểm soát chi phí nhằm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng có thẻ BHYT cũng như hạn chế sự lạm dụng quỹ BHYT trong KCB. BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động trong chính sách BHYT; thường xuyên tổ chức tập huấn cho các giám định viên về các quy định của Luật BHYT sửa đổi; đặc biệt từ tháng 4-2015, BHXH tỉnh đã thực hiện Quy trình giám định BHYT tập trung tại các cơ sở KCB do tỉnh quản lý và tại 3 huyện Mỹ Lộc, Nam Trực và Trực Ninh theo đúng quy trình hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Hiện nay, BHXH tỉnh đã bố trí đầy đủ giám định viên BHYT thường trực tại các cơ sở KCB trong tỉnh, góp phần đảm bảo thực hiện kịp thời, đúng nguyên tắc việc giám định chi phí KCB BHYT cho người có thẻ, đảm bảo quyền lợi khi tham gia. Do vậy quỹ KCB BHYT được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, 2 năm qua (2014 và 2015), BHXH tỉnh chính thức triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong tiếp nhận và giao trả hồ sơ tại đơn vị sử dụng lao động, tạo bước đột phá mới, nâng cao chất lượng làm việc từ hành chính thụ động sang chủ động phục vụ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT trong điều kiện mới. Cắt giảm hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện của tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ từ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đến giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Cụ thể, đã cắt giảm từ 115 thủ tục hành chính xuống còn 33 thủ tục hành chính; giảm 56% số lượng hồ sơ; giảm 82% chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 78% quy trình, thao tác thực hiện. 
 
Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện; phấn đấu thực hiện BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân; sử dụng, quản lý quỹ BHXH, BHYT đảm bảo an toàn, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; trên 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT. Nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia BHXH, BHYT; tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ. Đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, công khai hóa các thủ tục, hồ sơ liên quan đến quy trình giải quyết về BHXH. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của ngành. Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ và phối hợp với thanh tra liên ngành trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT./.
 
Bài và ảnh: Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com