Giải pháp tiếp thêm nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế

09:03, 14/03/2016

Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, tính đến hết năm 2015, NHNN đã 9 lần giảm mức lãi suất điều hành. Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay trong năm 2015 trên địa bàn tỉnh ta tương đối ổn định so với cuối năm 2014, lãi suất cho vay có xu hướng giảm dần.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Nam Định góp phần tiếp vốn tín dụng cho nền kinh tế của tỉnh.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Nam Định góp phần tiếp vốn tín dụng cho nền kinh tế của tỉnh.

Cụ thể, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng; ở mức 4,8-5,5%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; ở mức 5,7-6,7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; ở mức 6,7-7,3%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho vay bằng VND giảm từ 0,5-1%/năm, trong đó một số lĩnh vực ưu tiên như: Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ; chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 14 của Chính phủ; chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp quy định tại Quyết định số 68 của Thủ tướng Chính phủ; chương trình cho vay đối với chăn nuôi, thủy sản quy định tại Quyết định số 540 của Thủ tướng Chính phủ… phổ biến ở mức từ 6,5-7%/năm đối với mức vay ngắn hạn, khoảng 9-10%/năm đối với mức vay trung, dài hạn; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 7-9%/năm đối với mức vay ngắn hạn; khoảng 9,5-11%/năm đối với kỳ hạn vay trung và dài hạn. Riêng đối với các khoản cho vay cũ được các chi nhánh ngân hàng rà soát điều chỉnh giảm phù hợp với lãi suất hiện hành được NHNN quy định. Dư nợ cho vay VND với mức lãi suất trên 12%/năm đến nay chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 4% tổng dư nợ cho vay, trong đó bao gồm chủ yếu là các khoản cho vay tiêu dùng. Đối với ngoại tệ, NHNN đã 6 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi USD, đưa lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức và cá nhân xuống mức lãi suất đồng nhất 0%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế giảm nhanh, tỷ giá được duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước đã được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, việc giám sát và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm trần lãi suất huy động, đồng thời với các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém nên tình trạng một số TCTD phải vay mượn lẫn nhau với lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng đã được khắc phục… Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-6,7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-5,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,5-6,7%/năm. Cùng với việc điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại, TCTD trên địa bàn tỉnh cũng tiếp tục được phân bổ, cơ cấu một cách hợp lý hơn theo hướng tập trung cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như: Chương trình tín dụng phục vụ phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ; chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế của tỉnh. Chỉ tính riêng chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đến nay đã có 135 khách hàng tham gia, tăng 62 khách hàng so với thời điểm đầu năm 2015, với số tiền được các ngân hàng, TCTD cam kết cho vay là 2.890 tỷ đồng, tăng 958 tỷ đồng; lũy kế số tiền đã giải ngân là 2.288 tỷ đồng, tăng 814 tỷ đồng so với đầu năm 2015. Như vậy, nguồn vốn tín dụng đang được các ngân hàng thương mại, TCTD ưu tiên cho các doanh nghiệp vay đã tiếp thêm nguồn lực để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Việc định hướng dòng vốn tín dụng thời gian qua của Chi nhánh NHNN tỉnh đã thực sự gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam. 

Thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh đã xác định mục tiêu và các giải pháp trọng tâm về điều hành chính sách tiền tệ là tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN và UBND tỉnh; đồng thời chủ động nắm bắt tình hình kinh tế địa phương để chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng, TCTD trên địa bàn thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ sẽ được Chi nhánh NHNN tỉnh định hướng điều hành lãi suất và triển khai đồng bộ các biện pháp để đạt mục tiêu là giảm dần mặt bằng lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; điều chỉnh linh hoạt các mức lãi suất điều hành của NHNN, kết hợp với áp dụng biện pháp hành chính phù hợp theo diễn biến thị trường. Cùng với nỗ lực giảm lãi suất huy động, Chi nhánh NHNN tỉnh cũng sẽ triển khai nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên, triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi như chương trình cho vay tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn với phương thức cho vay trực tiếp đối với những mô hình sản xuất nông nghiệp mới và các ứng dụng công nghệ khoa học trong nông nghiệp; chương trình cho vay đóng mới tàu cá vỏ thép; chương trình cho vay phát triển nhà ở xã hội; chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.

Việc dòng vốn tín dụng được điều chỉnh theo ưu đãi về lãi suất cho vay sẽ ngày càng khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com