Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"

08:10, 20/10/2010

Một góc làng nghề Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên). Ảnh: Thu Hà
Một góc làng nghề Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên).
Ảnh: Thu Hà
Từ năm 2000 đến nay, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) ở tỉnh ta được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên trên thực tế, phong trào vẫn còn tồn tại một số hạn chế; trong đó chất lượng phong trào xây dựng Làng văn hoá, Gia đình văn hoá không bền vững và có xu hướng chững lại.

Sức lan toả của phong trào

Qua 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, Ban Chỉ đạo phong trào từ tỉnh đến cơ sở luôn tập trung vào các nội dung cơ bản: Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; giữ vững an ninh chính trị, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng thiết chế văn hóa, TDTT, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, phát huy thuần phong mỹ tục, bài trừ các hủ tục lạc hậu, các tai, tệ nạn xã hội; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân vừa hưởng thụ và tham gia sáng tạo các giá trị văn hoá.

Trong quá trình triển khai phong trào, mỗi địa phương tuỳ theo đặc điểm địa văn hoá, có cách làm khác nhau, nhưng đều hướng mục tiêu: Huy động được sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; xây dựng Làng văn hóa, Khu dân cư tiên tiến, Khu phố văn hóa gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị và bản sắc văn hoá truyền thống địa phương; xây dựng gia đình văn hoá đi đôi với các phong trào "Xây dựng thôn, xóm bình yên, gia đình hạnh phúc", vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, ngăn ngừa các tai, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn, trật tự xã hội. Kinh nghiệm trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ở Hải Hậu cho thấy: Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân Hải Hậu vừa coi trọng, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, kế thừa và tiếp thu có chọn lọc những nét tinh hoa văn hoá, sáng tạo nên những giá trị văn hoá mới. "Chìa khóa" tạo nên những thành công ở Hải Hậu là bài học về sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện phong trào. Ban chỉ đạo phong trào của huyện được thành lập, trên cơ sở chức năng của từng ngành thành viên để phân công nhiệm vụ cụ thể, tạo điều kiện phát huy vai trò, chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thực hiện như: "Gia đình Cựu chiến binh gương mẫu" (Hội Cựu chiến binh), "Làng văn hoá sức khoẻ" (ngành Y tế), "Tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp" (Đoàn Thanh niên), "Xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa" (ngành LĐTB-XH), "Gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ" (Hội Phụ nữ), "Thực hiện quy chế dân chủ, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực" (MTTQ). Các ngành thành viên Ban chỉ đạo được tập huấn và thống nhất các nội dung, phương pháp kiểm tra, công nhận các đơn vị đạt tiêu chuẩn Làng văn hoá, Nếp sống văn hoá... Bên cạnh đó, Huyện uỷ, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội nhằm tăng cường khai thác và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá, TDTT ở cơ sở; đặc biệt đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích động viên hỗ trợ, khen thưởng việc xây dựng nhà văn hoá thôn, xóm. Vì thế, từ năm 1998 đến năm 2005, toàn huyện đã xây dựng được 148 nhà văn hoá thôn, xóm với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Riêng 2 năm 2006-2007 đã xây dựng mới 201 nhà văn hoá thôn, xóm với kinh phí 25 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã, thị trấn có nhà văn hoá; 414/550 xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá; hơn 190 xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa; có trên 62.000 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Kết quả qua 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở tỉnh ta đã tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân, khơi dậy và phát huy tính tích cực sáng tạo của xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa trong nhân dân. Trong đó, các nội dung phong trào xây dựng Làng văn hóa, gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, đơn vị, cơ quan có Nếp sống văn hóa đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở, tạo chuyển biến tích cực về cả nhận thức và hành động. Từ phong trào đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội. Qua 10 năm triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH, tỉnh ta hiện có 1456 xóm, thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa; 370.126 gia đình văn hóa; 1673 cơ quan, trường học đạt danh hiệu Nếp sống văn hóa; 1850 Khu dân cư tiên tiến, 1456 Khu dân cư văn hóa; 27% dân số thường xuyên tập luyện TDTT; có 179 NVH xã, phường, thị trấn, 1568 NVH làng, thôn, xóm; 2580 CLB tập luyện TDTT.

Huy động các nguồn lực nâng cao chất lượng phong trào

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào TDĐKXDĐSVH ở tỉnh ta còn một số hạn chế. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ gia đình văn hoá, khu dân tiên tiến, làng, thôn, xóm văn hoá, tổ dân phố văn hoá khá cao, nhưng nếp sống mới chậm hình thành, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Không ít nơi, mục tiêu, tiêu chuẩn xây dựng đời sống văn hoá, những quy định, quy ước về nếp sống văn hoá chưa được tự giác thực hiện. Chất lượng thực hiện các tiêu chí về phát triển văn hoá nông thôn còn thấp. Hệ thống nhà văn hoá, TDTT hoạt động chưa hiệu quả; các hoạt động văn hoá, thông tin gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các làng văn hoá chưa đạt kết quả như mục tiêu đề ra. Phong trào xây dựng làng văn hoá thiên về chiều rộng, thiếu chiều sâu; trong đó, chất lượng văn hoá ở các khu vực kinh tế phát triển có dấu hiệu chững lại, nhiều nơi chất lượng làng văn hoá giảm sút, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở nông thôn chưa thường xuyên, quy chế dân chủ chưa được thực hiện và phát huy đầy đủ; các tai, tệ nạn xã hội nảy sinh, ảnh hưởng đến đạo lý, truyền thống dân tộc. Phong trào xây dựng "Gia đình văn hoá" ở một số nơi còn nặng về hình thức, chạy đua về số lượng, cá biệt, có hộ được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá" vẫn có người mắc vào các tệ nạn xã hội, chưa gương mẫu chấp hành các quy định của địa phương. Việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện phong trào ở một số địa phương, cơ sở còn hình thức…

Để nâng cao chất lượng phong trào "TDĐKXDĐSVH", thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong toàn xã hội về mục tiêu, hiệu quả của phong trào. Nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về văn hoá và xây dựng đời sống văn hoá. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ thường xuyên, thống nhất và hiệu quả  của các ngành, đoàn thể thành viên trong Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường nguồn lực phát triển phong trào, huy động các nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng làng văn hoá. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng làng văn hoá, tăng cường công tác kiểm tra, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng làng văn hoá, khắc phục tình trạng chạy theo số lượng, kiên quyết không công nhận lại các làng văn hoá không đạt tiêu chuẩn. Thực hiện, phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể thành viên Ban chỉ đạo các cấp trong việc lồng ghép thực hiện các nội dung tiêu chí chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng phong trào. Khơi dậy, phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của các gia đình đăng ký và phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá; ý thức và trách nhiệm tự quản cộng đồng của các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư, phấn đấu giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng danh hiệu "Làng văn hoá", "Khu phố văn hoá", "Gia đình văn hoá"./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com