5 "bạn đường" cùng chứng đau nửa đầu

06:01, 17/01/2020

Hội chứng đau nửa đầu có mối liên quan phức tạp với một số căn bệnh khác. Tìm hiểu về mối liên hệ của chúng có thể giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Hội chứng đau nửa đầu là một bệnh lý thuộc căn nguyên mạch, gây ra bởi sự co giãn bất thường của mạch máu sọ não có sự tham gia của chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Serotonin (5 - Hydroxy Tryptamine) là một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ và hoạt động trên cả các tế bào ngoại vi. Serotonin có vai trò điều hòa cơ trơn trên hệ tim mạch, hệ tuần hoàn gây co mạch. Với vai trò của chất dẫn truyền thần kinh, serotonin thực hiện chức năng điều hòa giấc ngủ, tâm trạng và cảm giác đau.

Khi gặp yếu tố khởi phát, serotonin được kích hoạt giải phóng đột ngột từ tiểu cầu làm co động mạch trong sọ và gây nên các triệu chứng thần kinh khu trú trên lâm sàng như: nôn, buồn nôn, rối loạn thị giác... Sau đó serotonin bị phân hủy ồ ạt và thải ra theo nước tiểu, làm giảm nồng độ serotonin trong máu, dẫn tới mất trương lực thành mạch, giãn các động mạch trong và ngoài sọ gây cảm giác đau đớn.

70% người mắc đau nửa đầu có yếu tố di truyền. Ở những người bình thường cũng có sự phóng thích serotonin nhưng lại không gây ra những triệu chứng như trên. Đó là vì, chỉ những bệnh nhân Migraine có nồng độ nền serotonin thấp làm cho não bộ trở nên nhạy cảm hơn với serotonin. Vậy nên, khi các yếu tố khởi phát gây ra sự giải phóng đột ngột serotonin, bộ não của bệnh nhân Migraine vốn quá nhạy cảm với serotonin trở nên bị kích thích, từ đó gây ra cơn đau đầu dữ dội.

Ngoài nguyên nhân sinh học phức tạp, chứng bệnh này còn được cho là cùng tồn tại và có lẽ có mối liên quan phức tạp với một số căn bệnh khác. Tìm hiểu về mối liên hệ của chúng có thể ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị bệnh này.

Đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa là một tình trạng đau mạn tính đặc trưng với tình trạng đau cơ lan rộng khắp cơ thể, kèm theo suy nhược mệt mỏi, giảm trí nhớ, khó ngủ và rối loạn tâm trạng, như lo lắng và trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy, đau nửa đầu phổ biến ở những người bị đau cơ xơ hóa,chiếm tới 35 %.

Đau nửa đầu thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới.
Đau nửa đầu thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới.

Khi đau cơ xơ hóa và đau nửa đầu cùng tồn tại là đáng lo ngại. Bởi hai chứng bệnh có khả năng kết hợp với nhau, tạo ra một sự đau đớn dữ dội cộng hưởng, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nếu bạn bị chứng đau nửa đầu, thật hợp lý khi yêu cầu bác sĩ sàng lọc về các triệu chứng đau cơ xơ hóa, đặc biệt nếu bạn đang bị các triệu chứng chồng chéo khác nhau như trầm cảm, lo lắng và khó ngủ. Có thể có khả năng điều trị đau cơ xơ hóa sẽ giúp ngăn chặn chứng đau nửa đầu của bạn.

Rối loạn tâm trạng

Có một liên kết hai chiều tồn tại giữa chứng đau nửa đầu và rối loạn tâm trạng, đặc biệt là trầm cảm và lo lắng. Điều này có nghĩa là chứng đau nửa đầu có thể trực tiếp gây ra chứng rối loạn trầm cảm hoặc lo âu và ngược lại, trầm cảm hoặc lo lắng có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng đau nửa đầu hoặc khiến các cơn đau nửa đầu nghiêm trọng hơn.

Mặc dù mối liên quan mạnh mẽ giữa chứng đau nửa đầu và rối loạn tâm trạng khá phức tạp, các chuyên gia tin rằng sự xuất hiện của các rối loạn này có thể là do cùng liên quan đến sự mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh serotonin và norepinephrine.Ngoài sự mất cân bằng hóa học, gene hoặc ảnh hưởng của hormon (đặc biệt là estrogen ở phụ nữ) có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của chứng đau nửa đầu và rối loạn tâm trạng.

Như vậy, nếu ngoài chứng đau nửa đầu, bạn còn có các triệu chứng trầm cảm, lắng, việc trị liệu có thể nhắm mục tiêu cả chứng đau nửa đầu và rối loạn tâm trạng. Một số liệu pháp bao gồm liệu pháp giãn và giảm đau và / hoặc dùng thuốc chống trầm cảm.

Bệnh đường tiêu hóa

Một số bệnh về đường tiêu hóa có liên quan đến chứng đau nửa đầu, trong đó hội chứng ruột kích thích (IBS) là đáng chú ý nhất. Khi liên kết chứng đau nửa đầu với IBS, các nhà nghiên cứu đặt vấn đề rằng một số yếu tố có thể liên qua, bao gồm vi khuẩn đường ruột, nồng độ serotonin, hệ thống miễn dịch, di truyền và một hiện tượng gọi là nhạy cảm trung tâm. Ngoài IBS, chứng đau nửa đầu có liên quan đến các bệnh đường tiêu hóa khác mặc dù ít phổ biến hơn: vi khuẩn Helicobacter pylori; Gastroparesis; Bệnh celiac.

Các phương pháp điều trị cụ thể, như chế độ ăn kiêng, hoặc dùng thuốc (như thuốc chống trầm cảm) nhắm vào cả hai tình trạng có thể có lợi cho cả đường tiêu hóa và bệnh đau nửa đầu.

Mất ngủ

Mất ngủ (khó ngủ, dậy giấc quá sớm, khó ngủ lại...) khiến cho người bệnh ban ngày bị giảm sự chú ý và tập trung kém, mệt mỏi, khó chịu, lo lắng và giảm năng lượng. Nhiều người đau nửa đầu bị mất ngủ và ngủ kém, điều này có thể gây ra các cơn đau nửa đầu thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Thậm chí, mất ngủ có thể làm chứng đau nửa đầu trở thành mạn tính (có triệu chứng đau nửa đầu 15 ngày trở lên mỗi tháng).

Bệnh tim mạch

Theo một nghiên cứu lớn của Đan Mạch, chứng đau nửa đầu có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn, bao gồm đột quỵ và đau tim. Những sự kết hợp này ở phụ nữ cao hơn so với nam giới và phổ biến hơn ở những người mắc chứng đau nửa đầu.

Rất khó để phân tích mối liên hệ phức tạp giữa chứng đau nửa đầu và bệnh tim mạch, đặc biệt là khi xem xét có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim như hút thuốc, sử dụng thuốc tránh thai, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiền sử gia đình mắc bệnh tim. Mặc dù vậy, đó là mối quan hệ tiềm năng quan trọng để bác sĩ xem xét trong chẩn đoán và điều trị. Chẳng hạn, do sự hiện diện của bệnh tim mạch, hạn chế việc sử dụng một số loại thuốc đau nửa đầu.

Tóm lại, chứng đau nửa đầu có thể có liên quan chặt chẽ tới các căn bệnh kể trên dẫn tới việc điều trị cần thảo luận và cân nhắc với bác sĩ. Bên cạnh đó, đừng quên rằng có những điều mà bạn có thể kiểm soát để góp phần mang lại sức khỏe tốt hơn như khám bệnh định kỳ, ăn các bữa ăn cân bằng, bổ dưỡng, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát căng thẳng, stress hiệu quả.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com