Ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước đối với sức khoẻ con người

09:11, 14/11/2017

Trong những thập niên gần đây, sự bùng nổ dân số cùng với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng đã tạo ra một sức ép lớn tới môi trường sống, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt ngày càng trở nên thiếu hụt và ô nhiễm.

Thế nào là nước sạch và nước bị ô nhiễm

Nước sạch là nước trong, không màu, không mùi, không vị, không chứa các chất độc và vi khuẩn gây bệnh hoặc tỷ lệ các chất độc hại và vi khuẩn không quá mức độ cho phép. Nước bị ô nhiễm là các thành phần của nước thay đổi khác biệt với trạng thái ban đầu. Đó là sự biến đổi các chất lý, hóa, sinh vật và sự có mặt của chúng trong nước làm cho nước trở nên độc hại, làm nguy hại đến sức khỏe con người do uống nước trực tiếp, hoặc sử dụng nước trong sinh hoạt, vệ sinh cá nhân.

Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước: Có rất nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, trong đó tập trung chủ yếu vào các nguồn gây ô nhiễm chính sau: do chất thải từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, khai thác khoáng sản; ý thức của người dân như: xả rác bừa bãi, sử dụng tràn lan các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… đã làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.

Hậu quả của tình trạng ô nhiễm nguồn nước

Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỷ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính liên quan đến ô nhiễm nước ngày càng tăng như: mắc các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa, các bệnh về mắt…, đặc biệt, ô nhiễm nguồn nước do có khoáng chất và hóa chất vượt mức quy định, sẽ gây bệnh nguy hiểm như: khi sử dụng nguồn nước bị nhiễm asen để ăn, uống, sinh hoạt gây nhiễm độc hệ tuần hoàn, ung thư trong đó thường gặp là ung thư da; nhiễm Natri (Na) gây bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch…; hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản thực phẩm, phốt pho… gây ngộ độc, viêm gan, nôn mửa. Tiếp xúc lâu dài với nguồn nước ô nhiễm sẽ gây ung thư nghiêm trọng các cơ quan nội tạng.

Một số biện pháp bảo đảm nguồn nước sạch tại gia đình

Để hạn chế ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe thì tại mỗi gia đình phải có biện pháp xử lý nước đơn giản như lọc nước, có ý thức bảo vệ nguồn nước:

- Giữ sạch nguồn nước: Nâng cao ý thức cộng đồng để giữ sạch nguồn nước bằng cách không vứt rác, không phóng uế bừa bãi ảnh hưởng đến nguồn nước; không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn…

- Tiết kiệm nước sạch: Giảm lãng phí khi sử dụng nước vào các sinh hoạt hằng ngày; kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây…

-  Xử lý phân người: Vận động và ứng dụng tốt các giải pháp để xây dựng các loại nhà tiêu hợp vệ sinh (tự hoại, bán tự hoại, hai ngăn, thấm dội nước).

-  Xử lý phân gia súc, động vật: Cần có kế hoạch thu gom với hố ủ hợp vệ sinh, chuồng trại cách xa nguồn nước theo quy định vệ sinh…

- Xử lý nước thải: Cần có hệ thống xử lý nước thải do sinh hoạt (cống ngầm kín) rồi đổ ra hệ thống cống chung, đồng ruộng hoặc sông, rạch sau khi đã được xử lý chung hoặc riêng./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com