Tiêm chủng nhắc lại làm tăng hiệu quả bảo vệ của vắc-xin

08:12, 05/12/2014

Vì sao cần phải tiêm nhắc lại vắc-xin, có gì khác giữa tiêm nhắc lại và tiêm mũi bổ sung?

Miễn dịch được tạo ra bởi các loại vắc-xin sẽ giảm dần theo thời gian, đến một lúc nào đó cơ thể không đủ sức chống lại sự tấn công của mầm bệnh và trẻ đã tiêm chủng có thể bị mắc bệnh nếu không được tiêm chủng nhắc lại, do vậy việc tiêm các mũi nhắc lại để nâng cao hiệu giá kháng thể là rất cần thiết để bảo vệ cơ thể.

Việc tiêm các mũi nhắc lại chỉ có hiệu quả với các vắc-xin tạo được trí nhớ miễn dịch qua các mũi tiêm trước đó. Với các vắc-xin không tạo được trí nhớ miễn dịch hoặc có miễn dịch bảo vệ tồn tại quá ngắn trong cơ thể thì việc tiêm các mũi sau đó phải coi như là tiêm mới. Ngược lại một số vắc-xin có miễn dịch bền vững trong nhiều năm như vắc-xin sởi thì việc tiêm các mũi vắc-xin bổ sung lại nhằm mục đích chủ yếu là tạo miễn dịch cho những trẻ bị bỏ sót chưa tiêm trong các hoạt động tiêm chủng trước đó hoặc những trẻ chưa tạo được miễn dịch sau các lần tiêm trước.

Các vắc-xin nào cần được tiêm nhắc lại sau khi đã được tiêm đủ các liều cơ bản?

Các vắc-xin cần được tiêm nhắc lại như vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, bại liệt, phế cầu,... Đây là các vắc-xin tạo được kháng thể bảo vệ khoảng 3-10 năm, trong thời gian này nếu không tiêm nhắc, khi phơi nhiễm với mầm bệnh vẫn có thể bị mắc bệnh. Mặt khác, các vắc-xin này lại tạo được trí nhớ miễn dịch tốt nên sau chỉ một mũi tiêm nhắc, hiệu giá kháng thể bảo vệ, tức là sức chống đỡ của cơ thể lại tăng lên rất cao.

Các vắc-xin cần được tiêm chủng hằng năm gồm các vắc-xin phòng bệnh cúm, tả hoặc 2-3 năm tiêm lại một lần như các loại vắc-xin Polysacharid không có cộng hợp phòng các bệnh thương hàn, phế cầu. Đây là các vắc-xin có thời gian bảo vệ ngắn hoặc không tạo được trí nhớ miễn dịch sau các liều tiêm trước.

Các vắc-xin cần được tiêm các liều bổ sung sau mũi tiêm đầu gồm vắc-xin sởi, Rubella, quai bị. Đây là các vắc-xin tạo được miễn dịch bền vững song có một tỉ lệ không nhỏ từ 10-20% trẻ em không tạo được miễn dịch bảo vệ sau mũi tiêm đầu hoặc không được tiêm trước đó.

Để đảm bảo an toàn cao trong các liều tiêm nhắc lại hay tiêm bổ sung cần:

- Chấp hành nghiêm túc các quy định của ngành Y tế về sử dụng vắc-xin và thực hành tiêm chủng, từ khâu bảo quản, vận chuyển vắc-xin tới thực hành tiêm chủng an toàn.

- Thực hiện đúng lịch tiêm chủng nhắc lại theo quy định của ngành Y tế và hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin.

- Không tiêm nhắc lại với các trường hợp đã có các phản ứng nặng trong các lần tiêm trước.

- Với vắc-xin DPT không nên thực hiện mũi tiêm nhắc lại cho lứa tuổi quá lớn. Chỉ dùng cho trẻ dưới 4 tuổi. Khoảng thời gian giữa mũi tiêm trước đến mũi tiêm nhắc lại có thể dài hơn quy định nhưng không được ngắn hơn.

- Trong tiêm chủng, sự phối hợp của cha mẹ trong việc theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm đóng vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn cho trẻ./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com