Ứng dụng giải pháp công nghệ phát triển chăn nuôi bền vững

09:02, 21/02/2022

Con giống được lai tạo, tuyển chọn kỹ lưỡng; chuồng trại được đầu tư hiện đại, tự động hóa nhiều khâu, quy trình khép kín theo hình thức chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp… là những ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) hữu hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành chăn nuôi tỉnh ta.

Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn VietGAHP tại xã Xuân Thủy (Xuân Trường).
Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn VietGAHP tại xã Xuân Thủy (Xuân Trường).

Các ngành chức năng đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng một số giải pháp, chính sách thúc đẩy các hoạt động KH và CN phục vụ mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án quốc gia; các đề tài, dự án KH và CN của tỉnh, nhiều trang trại, cơ sở, người chăn nuôi đã được tập huấn, tiếp cận với các quy trình công nghệ sản xuất mới như: thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững… và tích cực áp dụng trong sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.  Hiện tỉnh đang tiếp tục thí điểm 4 mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững trong chăn nuôi lợn tại các huyện Ý Yên, Xuân Trường, Hải Hậu áp dụng phương thức nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học, tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ vi sinh trong chế biến thức ăn, xử lý chất thải làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường; đồng thời quản lý kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, tạo ra sản phẩm thịt lợn an toàn, chất lượng cao. Trong năm 2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đã phối hợp với Viện Thú y (Bộ NN và PTNT) triển khai Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn và gia cầm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu” tại các huyện Hải Hậu, Trực Ninh và Nghĩa Hưng. Kết quả đã hỗ trợ 6 hộ chăn nuôi lợn được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn và lở mồm long móng. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện trên địa bàn tỉnh có 472 cơ sở đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định của Luật Chăn nuôi; trong đó có 2 trang trại được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô lớn; 39 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, 41 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Hiện nay, cơ cấu giống vật nuôi của tỉnh ta có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ lệ đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và giống đặc sản như các giống lợn ngoại, lợn lai 3-4 máu, đáp ứng nhu cầu sản xuất lợn thịt; giống gà chuyên thịt (CP, Ross308, Lương Phượng), giống gà chuyên trứng (ISA Brown, Ai Cập)... phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò, chương trình Sind hóa, nâng cao tầm vóc đàn bò được triển khai nhằm tạo con lai năng suất, chất lượng thịt cao. Trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị chủ lực sản xuất giống vật nuôi, ngoài ra còn có trên 100 cơ sở ấp nở giống gia cầm, hơn 40 nghìn hộ chăn nuôi lợn nái, 34 cơ sở sản xuất tinh lợn nhân tạo; mỗi năm sản xuất và cung cấp cho thị trường khoảng 2 triệu con giống lợn thịt và khoảng 3 triệu con gà giống. Bên cạnh đó ngành chức năng cũng thường xuyên khuyến cáo người chăn nuôi nhập con giống từ các cơ sở uy tín, an toàn dịch bệnh, không sử dụng các con giống không rõ nguồn gốc… đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh bùng phát, lây lan. Thời gian qua, nhiều trang trại chăn nuôi đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh); sử dụng hệ thống máng ăn tự động cho lợn; sử dụng thiết bị núm tự động cho lợn, gà uống nước theo nhu cầu. Đặc biệt nhiều mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh giúp tăng sức đề kháng, giảm khẩu phần thức ăn, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, khử mùi hôi, nâng cao sản lượng, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường. Tiêu biểu là trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh); mô hình chăn nuôi lợn sạch khép kín của HTX Chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên)… Đáng chú ý là các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý, xử lý chất thải trong chăn nuôi như: sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải của lợn làm phân bón hữu cơ; sử dụng các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng sinh học, hệ thống biogas xử lý chất thải… không những giải quyết hiệu quả bài toán khó về bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật nên chăn nuôi của tỉnh đang từng bước phát triển bền vững; cơ bản kiểm soát các loại dịch bệnh đảm bảo an toàn, xử lý nhanh chóng các ổ dịch nhỏ lẻ góp phần đảm bảo hiệu quả kinh tế ổn định cho người chăn nuôi. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng KH và CN nhằm phát triển chăn nuôi bền vững của tỉnh ta hiện nay còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Nguyên nhân do hình thức chăn nuôi vẫn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hướng tự phát, kém hiệu quả. Nhiều chuồng trại xây dựng không đúng quy định, nằm trong khu dân cư, không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để đưa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất. Ban Nông nghiệp một số xã chưa phát huy được vai trò điều hành công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn và phát triển chăn nuôi. Người chăn nuôi tự phát đa số thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, chưa chủ động thực hiện các hướng dẫn kỹ thuật khoa học của cơ quan chuyên môn. Hầu hết các địa phương chưa bố trí quỹ đất, chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, do đó việc di dời các trang trại chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư ra vùng quy hoạch gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Văn Hiểu thì thời gian tới, ngành chăn nuôi tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh động vật diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy định hướng chung của ngành là tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện toàn diện công tác chăn nuôi thú y, hiệu quả gắn với việc triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tổ chức phát triển chăn nuôi an toàn, hiệu quả, nhất là việc tái đàn lợn phù hợp với quy hoạch. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến tới toàn thể nhân dân, lãnh đạo chính quyền cơ sở, người hành nghề chăn nuôi, thú y; kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm những quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y; biện pháp an toàn sinh học và sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi, chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAHP, chăn nuôi hữu cơ; sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định. Tổ chức liên kết trong sản xuất tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm tác hại của dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com