Khoa học và công nghệ tiếp thêm động lực cho sản xuất, kinh doanh

08:02, 14/02/2022

Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, đồng hành của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trong thời gian qua lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH và CN) của tỉnh đã có sự phát triển đạt kết quả đáng khích lệ, thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất đúc kim loại tại Công ty TNHH Cơ khí đúc và thương mại Thành Hiếu (Ý Yên).
Sản xuất đúc kim loại tại Công ty TNHH Cơ khí đúc và thương mại Thành Hiếu (Ý Yên).

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục quan điểm coi “KH và CN thực sự là quốc sách hàng đầu”. Quán triệt quan điểm trên, tỉnh đã có sự quan tâm đầu tư cho KH và CN; từng bước khẳng định vai trò của KH và CN trong sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương. Trong năm 2021, các nhiệm vụ KH và CN được quản lý và triển khai bám sát các chương trình, kế hoạch của tỉnh như: Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh và xây dựng đô thị thông minh… Trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, các đề tài, dự án nghiên cứu đều hướng tới việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn và theo chuỗi giá trị như: sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), nuôi tôm hữu cơ tại huyện Giao Thủy; chọn tạo và phân lập các chủng vi sinh, các loại tảo bản địa phục vụ nuôi ngao và tôm nhằm nâng cao chất lượng con giống cũng như nuôi thương phẩm; hoàn thiện và phát triển thương hiệu “Mật ong Rừng Sú - vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy” thông qua hoạt động quản lý, ứng dụng KH và CN sau thu hoạch. Các ngành chức năng đã hỗ trợ Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Thủy) hoàn thiện quy trình công nghệ kỹ thuật và sản xuất thử nghiệm bồn trộn bê tông thương phẩm đa năng. Sản phẩm nghiệm thu bước đầu được đánh giá rất cao về chất lượng, mẫu mã và thương mại hóa sản phẩm. Hỗ trợ phát triển công nghệ xây dựng xã thông minh, mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trên môi trường mạng (ISO)… nhằm nâng cao công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Năng lực KH và CN được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cao; hệ thống tổ chức KH và CN công lập cùng nguồn nhân lực KH và CN được tổ chức, sắp xếp lại, đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện nguồn nhân lực KH và CN hoạt động tại Sở KH và CN có 69 người; các sở, ngành đều có hội đồng KH và CN chuyên ngành và cán bộ tham mưu, theo dõi quản lý công tác KH và CN của ngành; 10 huyện, thành phố đã thành lập Hội đồng KH và CN cấp huyện. Trong năm Sở KH và CN tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật các công nghệ mới, nâng cao trình độ về KH và CN cho hơn 100 lượt kỹ thuật viên, 2.000 lượt nông dân tham gia các mô hình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Hạ tầng KH và CN cũng được đầu tư nâng cấp với dự án xây dựng “Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định” thúc đẩy phát triển thị trường KH và CN. Sở KH và CN đã trình UBND tỉnh phê duyệt dự án hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Chủ trì và phối hợp tổ chức 8 hội thảo, khóa tập huấn về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; ứng dụng các giải pháp, công nghệ trí tuệ nhân tạo… Tham dự 4 hội thảo, diễn đàn trực tuyến và 5 khóa đào tạo, tập huấn về định giá công nghệ, tài sản trí tuệ như: Hội thảo “Định hướng nội dung hoạt động Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021-2025”; Diễn đàn “Chuyển đổi số Việt Nam 2021”; Diễn đàn “Công nghệ và năng lượng Việt Nam 2021”… để tham khảo, tích lũy kinh nghiệm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở KH và CN còn hướng dẫn các doanh nghiệp: Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Tân Thiên Phú, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định thụ hưởng các chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với doanh nghiệp KH và CN theo Thông tư 03/2021/TT-BTC.

Nhằm hỗ trợ bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong nền kinh tế hội nhập, Sở KH và CN tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và phổ biến kiến thức bằng nhiều hình thức cho các tổ chức, cá nhân góp phần nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời hỗ trợ tạo lập, quản lý, duy trì và phát triển nhãn hiệu cho rất nhiều đặc sản địa phương, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP. Qua đó đã nâng cao vị thế các sản phẩm đặc sản trên thị trường, góp phần đem lại lợi ích kinh tế, điển hình như nhãn hiệu tập thể Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định. Hiện Sở KH và CN đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 2 nhiệm vụ mới thuộc chương trình sở hữu trí tuệ là: Hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của tỉnh; xây dựng thương hiệu cho phở xưa Nam Định… Trong năm 2021, Sở KH và CN còn tư vấn, tra cứu, hướng dẫn 30 đơn vị lập hồ sơ đăng ký xác nhận quyền cho nhãn hiệu; 2 lượt đơn vị đăng ký xác lập quyền cho kiểu dáng công nghiệp; 1 đơn vị bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm bị xâm phạm. Hướng dẫn trực tiếp đối với 28 doanh nghiệp tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia, công bố tiêu chuẩn, ghi nhãn hàng hóa, đăng ký sử dụng mã số, mã vạch…

Có thể thấy, hàm lượng KH và CN xuất hiện ngày càng nhiều trong hoạt động của các ngành, các lĩnh vực đã nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa tổng sản phẩm GRDP của tỉnh năm 2021 ước tăng 7,7%, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Tuy vậy, khách quan đánh giá thì việc đầu tư cho KH và CN để xứng tầm là “quốc sách hàng đầu” hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là về nguồn lực đầu tư cho KH và CN còn thấp, hiệu quả chưa cao. Thiếu nguồn cơ sở dữ liệu, các chuyên gia về công nghệ và quản lý công nghệ; nguồn cung công nghệ của các Viện nghiên cứu khoa học, trường đại học. Một số chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH và CN khó thực thi. Đội ngũ cán bộ KH và CN tuy đông về số lượng nhưng lực lượng chuyên gia hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao rất ít… Xuất phát từ thực tế này, việc xây dựng các cơ chế chính sách đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi cao sẽ là giải pháp quan trọng tạo “bệ đỡ” vững chắc thúc đẩy KH và CN phát triển, cũng chính là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội địa phương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com