Ứng dụng công nghệ Web-GIS trong quản lý dữ liệu đê điều

08:06, 11/06/2020

Cùng với việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (PCTT) như sử dụng các phần mềm chuyên ngành trong thiết kế, lập dự toán xây dựng công trình, theo dõi lượng mưa, mực nước, tính toán ổn định… hiện nay, tỉnh ta đang ứng dụng công nghệ Web-GIS (hệ thống thông tin địa lý hoạt động trên nền tảng web) để “số hóa” toàn bộ cơ sở dữ liệu đê điều, giúp chủ động trong công tác quản lý đê; duy tu, sửa chữa và ứng cứu hộ đê trong mùa lũ.

Tu sửa đê kè Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Tu sửa đê kè Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Hệ thống đê của tỉnh trải dài trên cả 10 huyện, thành phố với chiều dài 663km; trong đó đê cấp I đến cấp III dài 365km (91km đê biển, 274km đê sông); 298km đê dưới cấp III; có trên 160km kè bảo vệ tuyến đê sông và đê biển. Hệ thống đê của tỉnh được xây dựng từ rất lâu, đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Nhiều năm nay, Nhà nước và nhân dân đã đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đê đảm bảo khả năng chống lũ, bão ngày càng cao đáp ứng yêu cầu bảo vệ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý hồ sơ dữ liệu đê chủ yếu theo phương pháp thủ công, lập hồ sơ lý lịch bằng sổ sách, khó nắm được chi tiết toàn bộ các tuyến đê về thông số kỹ thuật, vị trí, hiện trạng và lịch sử, hình ảnh thực tế, các vết lũ vượt qua đê... gây khó khăn cho công tác quản lý, đầu tư xây dựng, tham mưu, chỉ đạo điều hành công tác bảo vệ đê, PCTT của tỉnh. Để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý đê điều, tỉnh đã ứng dụng Web-GIS - một công cụ hiện đại nhằm quản lý các thông tin về đê điều một cách có hệ thống và hiệu quả, tiện lợi, dựa trên các tiến bộ mới của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, giúp cho lực lượng quản lý trực tiếp là Hạt quản lý đê các huyện, thành phố có thể cập nhật, báo cáo và khai thác dữ liệu quản lý đê điều, PCTT toàn diện trên toàn tỉnh. Từ đó, giúp ngành Nông nghiệp tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra những quyết định chính xác và nhanh chóng trong công tác quản lý, lập dự án, đầu tư gia cố, tu bổ công trình; lập phương án phòng chống lụt bão và ứng cứu, hộ đê trong mùa mưa lũ.

Hiện hệ thống Web-GIS quản lý dữ liệu đê của tỉnh ta bao gồm các phân hệ: bản đồ, quản lý (mặt cắt, vi phạm, kế hoạch, báo cáo, vật tư, nhân sự). Các phân hệ đều cho phép khả năng cập nhật bổ sung thông tin theo thực tế thời điểm quản lý đảm bảo dữ liệu đầy đủ, toàn diện. Trong đó, phân hệ bản đồ hiển thị toàn bộ các đối tượng được hệ thống quản lý gồm: khu vực, loại đối tượng, các thông tin mô tả, ghi chú, hình ảnh… được biểu thị bằng màu sắc khác nhau trên bản đồ. Phân hệ quản lý mặt cắt hiển thị toàn bộ các mặt cắt dưới dạng thống kê giúp người sử dụng xem được danh sách mặt cắt theo khu vực được phân công quản lý, chi tiết thông số kỹ thuật, hình ảnh mặt cắt hoặc vị trí mặt cắt trên bản đồ. Phân hệ quản lý vi phạm hiển thị toàn bộ các vị trí vi phạm theo khu vực, mỗi vị trí vi phạm được đánh dấu bởi trạng thái “chờ xử lý” hoặc “đã xử lý” để người sử dụng phần mềm có thể cập nhật lại trạng thái vi phạm theo tình hình thực tế. Phân hệ quản lý kế hoạch giúp người quản lý có thể cập nhật lại trạng thái của kế hoạch theo tình hình thực tế. Phân hệ báo cáo cho phép người sử dụng xem báo cáo về các vi phạm và kế hoạch theo khu vực mình quản lý. Phân hệ quản lý vật tư dự trữ phòng chống lụt bão giúp người sử dụng cập nhật từ số lượng, khối lượng và vị trí các kho vật tư theo đơn vị đáp ứng công tác ứng cứu hộ đê. Còn phân hệ quản lý nhân sự phục vụ cho nhân viên quản trị hệ thống có thể thêm, quản lý người dùng vào đơn vị quản lý. Tiến sĩ Lê Đức Ngân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: Việc ứng dụng công nghệ Web-GIS nhằm tạo điều kiện cho người quản lý có thể thao tác sử dụng mọi nơi, mọi lúc, trực tiếp trên các thiết bị có kết nối mạng internet như máy tính hoặc điện thoại di động. Cơ sở dữ liệu này cho phép lực lượng quản lý đê cập nhật một cách dễ dàng về các tuyến đê trong tỉnh một cách nhanh chóng và chính xác nhất, phục vụ công tác quản lý hiệu quả. Có 3 tác nhân của ứng dụng gồm: cán bộ quản trị cấp hệ thống là người quản trị toàn bộ hệ thống, cấu hình các liên kết, cập nhật dữ liệu; cán bộ quản trị tầng ứng dụng là người được phép vào chức năng quản lý nhân sự, được quyền thêm, sửa, xóa thông tin người dùng, quản lý người dùng trong các đơn vị quản lý; người sử dụng được phép sử dụng toàn bộ các phân hệ trừ quản lý nhân sự.

Có thể nói, việc chuyển đổi công tác quản lý dữ liệu đê của tỉnh từ thủ công sang quản lý “số” bằng ứng dụng công nghệ Web-GIS đã góp phần nhanh chóng cập nhật và khai thác dữ liệu hệ thống đê điều, phục vụ công tác PCTT trên địa bàn tỉnh. Điều này cũng tạo tiền đề thúc đẩy để tỉnh không chỉ ứng dụng Web-GIS trong quản lý dữ liệu đê mà còn mở rộng “số hóa” trong các lĩnh vực khác nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com