Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương

08:10, 30/10/2019

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án về khoa học xã hội góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị bản sắc văn hóa địa phương.

Rước kiệu Ngọc Lộ trong lễ Khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định).
Rước kiệu Ngọc Lộ trong lễ Khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định).

Là tỉnh nằm ở trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng, trong suốt quá trình hình thành và phát triển gắn liền với tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Nam Định đã hình thành kho tàng di sản văn hóa khá đồ sộ, đa dạng, phong phú. Hơn chục năm trở lại đây, những người làm công tác văn hóa, các nhà nghiên cứu đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu các đề tài về bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, các di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, trong xây dựng đời sống tinh thần cho nhân dân. Trong đó đề tài khoa học “Lễ hội và các giải pháp quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định” do Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch thực hiện đã tập trung nghiên cứu điều kiện hình thành, phát triển của các lễ hội; sự hình thành, phát triển của các tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh và sự phục hồi, phát triển của lễ hội; thực trạng tổ chức và quản lý lễ hội ở tỉnh, từ đó đề xuất các giải pháp về công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên cơ sở những quy định của Nhà nước, đồng thời có sự vận dụng linh hoạt vào thực tiễn quản lý của địa phương. Đề tài nghiên cứu đã cung cấp các cơ sở khoa học cũng như cơ chế pháp lý giúp các cấp, ngành trong toàn tỉnh tham khảo, vận dụng tổ chức, quản lý các hoạt động lễ hội đạt hiệu quả. Đề tài khoa học “Sưu tầm, biên dịch và xuất bản di văn Hán Nôm tỉnh Nam Định” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu khảo cổ học tại Viện nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và các nhà nghiên cứu địa phương đã đưa ra các sản phẩm báo cáo khoa học là biên mục di văn Hán Nôm tỉnh Nam Định gồm Tục lệ tại Nam Định; Văn bia tại Nam Định; kỷ yếu hội thảo khoa học: Bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm Nam Định; báo cáo đánh giá giá trị di văn Hán Nôm Nam Định và các tài liệu, sách báo chuyên khảo như: giới thiệu tục lệ Hán Nôm tỉnh Nam Định; giới thiệu tư liệu văn bia tỉnh Nam Định; sách Nam Định - Phong tục tập quán truyền thống góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị thế của quê hương Nam Định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, phổ biến các giá trị lịch sử, văn hóa đến với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ học sinh, sinh viên. Kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sử dụng để đưa ra những định hướng phục vụ cho dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của mảnh đất và con người Nam Định, góp phần vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề tài “Dấu ấn văn hóa thời Trần với cộng đồng dân cư Nam Định” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tập trung nghiên cứu về Thiên Trường thế kỷ XIII-XIV, sự khởi nguồn cho các bước phát triển tiếp theo của quê hương Nam Định; những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của các di tích, di sản văn hóa thời Trần ở Nam Định; tổng quan tín ngưỡng thờ tự, tưởng nhớ các vương quân và danh tướng thời Trần tại Nam Định, lập bảng thống kê hệ thống các di tích thờ nhân vật thời Trần tại các địa phương; lễ hội và những định hướng bảo tồn ở các di tích Trần tại Nam Định; Đức Thánh Trần trong tâm thức người Nam Định; Tháp Phổ Minh, một công trình kiến trúc độc đáo thời Trần; vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với Phật giáo thời Trần; thơ phú thời Trần đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước thế kỷ XIII-XIV… Kết quả nghiên cứu đã cung cấp các dữ liệu khoa học lịch sử chính thống giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về những đóng góp của nhà Trần và quê hương Nam Định trong lịch sử. Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn một số loài cây cổ thụ tại khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp thành phố Nam Định” với sự tham gia của Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cùng các nhà nghiên cứu trong tỉnh thực hiện trên quần thể cây cổ thụ tại khu di tích đền Trần - chùa Tháp (thành phố Nam Định), trong đó có nhiều cây cổ thụ gắn với di tích lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng như: cây muỗm, cây đại (chùa Tháp), cây bàng, cây đa, cây bồ đề (đền Trần). Kết quả nghiên cứu đã xác định được tên khoa học, đặc điểm sinh học, sinh thái của các loại cây cổ thụ cần được bảo tồn; đặc điểm sinh học, sinh thái học một số sinh vật gây hại chính trên cây cổ thụ trong khu di tích đền Trần - chùa Tháp, từ đó đưa ra các quy trình chăm sóc, bảo vệ tổng hợp như: phòng trừ sinh vật hại, bổ sung dinh dưỡng cho cây, chống rỗng ruột ở cây… nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tài sản văn hóa vô giá này. Ngoài ra, còn một số đề tài nghiên cứu khoa học xã hội khác như: “Nghiên cứu địa danh Nam Định. Những biến đổi của địa danh làng xã ở Nam Định trong hai thế kỷ XIX và XX (1800-2000)”; “Địa chí văn hóa huyện Vụ Bản”; “Nghiên cứu bảo tồn bền vững cây gỗ đại thụ thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên”… Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án đã góp phần làm dày thêm những địa tầng ý nghĩa cho giá trị của các di sản văn hóa. Bên cạnh mục tiêu bảo tồn, việc phát huy giá trị của các di sản trong thực tế đời sống xã hội cũng là một nhiệm vụ được ưu tiên trong công tác nghiên cứu. Thực tế tại tỉnh ta cũng như ở nhiều địa phương khác cho thấy nếu không được nghiên cứu, bảo tồn hợp lý có thể dẫn đến di sản bị mai một, hư hại hoặc bị lạm dụng, biến tướng bản chất trong quá trình khai thác di sản. Cả hai trường hợp đều gây nên những hệ lụy đáng tiếc lâu dài cho đời sống văn hóa tinh thần. Thời gian qua nhiều đề tài nghiên cứu cùng những cuộc hội thảo được tổ chức nhằm khai thác giá trị di sản văn hóa vào phục vụ phát triển du lịch. Nhiều nơi trong tỉnh đã tích cực thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo vệ di sản, khắc phục khó khăn về ngân sách, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di sản, tạo thành những địa chỉ, sản phẩm văn hóa - du lịch đặc thù hấp dẫn, phục vụ thiết thực cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học cũng gặp phải không ít khó khăn do nguồn kinh phí, phương tiện, con người bố trí cho hoạt động nghiên cứu còn hạn chế; các nhà nghiên cứu tuổi ngày càng cao trong khi đội ngũ kế cận lại chưa đáp ứng kịp; chưa có nhiều đề án xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thời gian tới các cấp, các ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách, cơ chế về bảo vệ di sản; trong đó, chú trọng chính sách đầu tư, chính sách sử dụng di sản, phát triển các nguồn lực kinh tế, du lịch, văn hóa một cách bền vững. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của các giá trị văn hóa, gắn bảo tồn phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch văn minh. Tăng cường tổ chức nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý các di tích lịch sử. Có nhiều cuộc hội thảo nhằm tăng cường sự giao lưu hợp tác, trao đổi chuyên môn giữa các thế hệ vừa giúp cho các nhà nghiên cứu trẻ học hỏi, đúc rút kinh nghiệm vừa tìm kiếm các giải pháp, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com