Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế

06:05, 24/05/2019

Trong những năm qua, công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, sản xuất thuốc ở tỉnh ta có bước phát triển khá nhanh, trong đó việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ góp phần quan trọng. Các bệnh viện trong tỉnh đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ, kỹ thuật mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại nâng cao tỷ lệ những ca điều trị thành công, giảm chi phí và thời gian điều trị bệnh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh sử dụng thiết bị hiện đại trong khám và điều trị cho người bệnh.
Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh sử dụng thiết bị hiện đại trong khám và điều trị cho người bệnh.

Thời gian qua trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện gần 20 đề tài, dự án nghiên cứu trong lĩnh vực y - dược. Tháng 5-2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) thực hiện dự án “Triển khai một số giải pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm tại bếp ăn tập thể doanh nghiệp các khu công nghiệp tỉnh Nam Ðịnh”. Hiện dự án về các biện pháp can thiệp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm đang được thực hiện tại bếp ăn tập thể của 3 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh; đồng thời xây dựng 5 mô hình bếp ăn tập thể đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và 1 mô hình diễn tập xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm đông người. Kết quả của dự án là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, góp phần phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ cũng phối hợp với Trường Ðại học Ðiều dưỡng Nam Ðịnh thực hiện các đề tài, dự án “Ứng dụng mô hình sàng lọc đái tháo đường thai kỳ của WHO cho phụ nữ mang thai tỉnh Nam Ðịnh”, “Nghiên cứu tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe cộng đồng tại làng nghề cơ khí Bình Yên, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Ðịnh và đề xuất giải pháp can thiệp”, “Nghiên cứu triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà ở tỉnh Nam Ðịnh”; phối hợp với Công ty Cổ phần Nam Dược thực hiện dự án “Ứng dụng quy trình chiết saponin từ rễ cây đinh lăng trên quy mô công nghiệp”; phối hợp với Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà thực hiện đề tài “Nghiên cứu tối ưu kỹ thuật bào chế và đánh giá sinh khả dụng của Rifampicin trong thuốc viên chống lao phối hợp 3 thành phần Rifampicin, Isoniazid và Pyrazinamid”… Trong hoạt động nghiên cứu khoa học chuyên ngành, các đơn vị trong ngành Y tế đã thành lập Hội đồng nghiên cứu khoa học và tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn, nghiên cứu thực tiễn. Tiêu biểu là các đề tài: “Ðánh giá đặc điểm lưu hành của bệnh tả trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh”, “Ðánh giá kết quả điều trị thủng dạ dày, tá tràng bằng phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh”, “Bước đầu tìm hiểu nguyên nhân, kết quả xử trí xuất huyết đường tiêu hóa trên bằng nội soi can thiệp tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh”, “Những tiến bộ khoa học trong công nghệ tim mạch học”, “Ðánh giá gánh nặng bệnh tật liên quan đến an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Hải Hậu”... góp phần giúp ngành đề ra các giải pháp, nâng cao chất lượng hoạt động y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ðể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, các đơn vị trong ngành Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; triển khai đề án, kế hoạch cải tiến nhằm nâng cao chất lượng bệnh viện; tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật y học tiên tiến từ các bệnh viện tuyến Trung ương cũng như thực hiện chuyển giao các kỹ thuật từ bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cho cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã như đã giúp triển khai thành công một số kỹ thuật mới: kỹ thuật nội soi phế quản, màng phổi ống mềm, kỹ thuật xét nghiệm khí máu động mạch của Bệnh viện Phổi Trung ương góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, giúp cứu chữa được một số ca bệnh hiểm nghèo ngay tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh; kỹ thuật khó được thực hiện tại bệnh viện như kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối, phẫu thuật u não, cột sống, tán sỏi Laser tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh… Bệnh viện Nhi tỉnh ứng dụng phần mềm “Bệnh viện thông minh” vào công tác quản lý khám, chữa bệnh tại phòng khám và các khoa, phòng trong bệnh viện giúp giảm thiểu thời gian làm thủ tục hành chính. Bệnh viện Ða khoa huyện Hải Hậu áp dụng nhiều kỹ thuật mới như: phẫu thuật kết hợp xương, cắt túi mật, lấy sỏi ống mật chủ, mổ lấy thai lần 2 trở lên, chụp cắt lớp, phẫu thuật nội soi tiêu hoá, chạy thận nhân tạo, xét nghiệm tìm tế bào ung thư; cấp cứu và điều trị có hiệu quả các bệnh tai biến mạch máu não, ngộ độc cấp, chảy máu đường tiêu hoá nặng, cứu sống nhiều ca bệnh nặng, hiểm nghèo. Việc ngành Y tế đã tiếp nhận và thực hiện nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao và chuyển giao cho tuyến huyện, tuyến xã nên người dân sử dụng dịch vụ y tế ngày càng được đảm bảo quyền lợi. Cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhiều cơ sở y tế chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại sử dụng kỹ thuật công nghệ mới vào khám, chữa bệnh như kỹ thuật siêu âm màu 4D trong chăm sóc điều trị thai sản; công nghệ Laser được ứng dụng trong điều trị các bệnh da liễu, y học cổ truyền, phục hồi chức năng. Các thiết bị quang học hiện đại, kỹ thuật nội soi chẩn đoán, nội soi phẫu thuật đã được các bệnh viện ứng dụng để nâng cao chất lượng chẩn đoán, giảm thiểu tổn thương trong phẫu thuật, rút ngắn thời gian điều trị, sớm phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Máy chụp cộng hưởng từ hỗ trợ đắc lực cho việc chẩn đoán, điều trị nhiều bệnh lý về xương khớp, sọ não, tim mạch - lồng ngực...

Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực y dược đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để sử dụng có hiệu quả các kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu, đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ con người (đội ngũ y, bác sĩ) đến cơ sở vật chất trang thiết bị, cùng với việc lồng ghép, kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Do vậy, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ đồng bộ nguồn nhân lực với trang thiết bị y tế hiện đại; dành kinh phí để đáp ứng việc mua sắm trang thiết bị kỹ thuật mới hỗ trợ cho công tác chẩn đoán và chữa bệnh, cần phối hợp chặt chẽ với ngành Khoa học và Công nghệ trong các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ để có lựa chọn, ứng dụng kỹ thuật công nghệ tốt nhất phục vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com