Lựa chọn đầu tư công nghệ, kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất

08:07, 24/07/2017

Lựa chọn công nghệ, kỹ thuật mới để ứng dụng vào sản xuất là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN). Thời gian qua, Trung tâm đã nỗ lực lựa chọn những công nghệ, kỹ thuật, giống cây, con mới phù hợp với điều kiện sản xuất, trình độ thâm canh để xây dựng mô hình ứng dụng, hoàn thiện quy trình sản xuất và chuyển giao cho người dân ứng dụng vào thực tế sản xuất, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, nông sản hàng hóa trên địa bàn.

Chăm sóc cây giống khoai tây sạch bệnh trong môi trường khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN).
Chăm sóc cây giống khoai tây sạch bệnh trong môi trường khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN).

Với phương châm nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) phù hợp và cải tiến hoàn thiện quy trình công nghệ đã tiếp thu nhằm nâng cao tính ứng dụng, tính hiệu quả của các quy trình đó, Trung tâm đã từng bước nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật cũng như trang thiết bị đảm bảo năng lực làm chủ tri thức khoa học, các quy trình công nghệ. Chủ động đề xuất với các cơ quan nghiên cứu Trung ương, địa phương trên địa bàn cùng phối hợp tổ chức sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện quy trình và chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân mở rộng sản xuất đại trà. Thời gian qua, hoạt động lựa chọn và chuyển giao tiến bộ KHKT đã được triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường với những ứng dụng hiệu quả như: sản xuất chế phẩm sinh học EM bảo vệ môi trường, chế phẩm sinh học trừ rầy nâu trên lúa; các giống cây trồng mới gồm: Nấm đông trùng hạ thảo, lạc đen, ngô tím, hướng dương và nhân giống khoai tây theo phương pháp nuôi cấy mô tế bào, giâm hom… Trong đó, mô hình sản xuất lạc đen thương phẩm có hiệu quả kinh tế và tính ứng dụng cao. Giống lạc đen CNC1 do Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) lai tạo thành công. Đây là giống lạc có nguồn gốc từ châu Phi mới được nhập vào nước ta. Khi còn tươi, hạt lạc có màu tím đỏ và chuyển màu đen khi đã khô. Lạc đen chứa nhiều loại vitamin, axit amin và hàm lượng protein thô cao hơn 5% so với các giống lạc thông thường. Lạc đen thường được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng với các tính năng ức chế gốc tự do, chống oxy hóa, chống bức xạ, chống khối u, chống lão hóa và hoạt động tim mạch, chống viêm (không do vi khuẩn); thúc đẩy sự phát triển của các tế bào não và tăng cường trí nhớ… và đặc biệt có ích với cơ thể của người già, trẻ nhỏ. Hơn nữa lạc đen lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác của người dân trong tỉnh. Với những ưu điểm đó, từ năm 2016, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN đã nhận chuyển giao quy trình canh tác và xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm. Kết quả đánh giá cho thấy lạc phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn từ 20-30 kg/sào so với giống thông thường. Hiện tại, Trung tâm đang tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh giống lạc đen cho phù hợp với điều kiện canh tác của các địa phương trong tỉnh. Đồng thời chuyển giao kỹ thuật và tổ chức sản xuất giống để cung ứng cho người dân trên địa bàn canh tác trong thời gian tới. Cùng với cây lạc đen, Trung tâm còn tiến hành thử nghiệm sản xuất khoai tây giống chất lượng cao theo phương pháp giâm ngọn. Phương pháp này được ứng dụng thử nghiệm trong điều kiện Trung tâm đã làm chủ công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; đồng thời có đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi và đầy đủ cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho việc nuôi cấy mô tế bào bằng phương pháp giâm ngọn. Theo đó, cây khoai tây được ngắt ngọn, giâm trong hệ thống khí canh để tạo rễ, tạo cây mới, sau đó cây con sẽ được giâm trong bầu một thời gian đảm bảo cho cây thích nghi với môi trường tự nhiên trước khi chuyển đến nơi trồng mới. Nhân giống cây bằng phương pháp này rất nhanh, trong thời gian ngắn sẽ tạo ra số lượng lớn cây giống do việc ngắt ngọn, giâm tạo cây con có thể làm liên tục. Trồng khoai tây bằng cây giống giâm trong bầu cây sẽ không bị chột, phát triển nhanh, vận chuyển dễ dàng; cây vận chuyển về trồng không hết trong ngày, để hôm sau trồng vẫn không bị ảnh hưởng đến chất lượng cây giống. Hơn thế nữa, theo tính toán của các kỹ sư, giá thành sản xuất củ giống nguyên chủng từ phương pháp giâm ngọn trong nhà khí canh chỉ bằng nửa phương pháp nhân giống từ củ thông thường. Ứng dụng thành công phương pháp nhân giống này tạo bước đột phá trong quy trình sản xuất khoai tây của tỉnh cũng như cả nước, giúp chủ động cung cấp cây giống sạch bệnh, có chất lượng cao, giá thành rẻ, chủ động mùa vụ, không mất chi phí bảo quản củ giống bằng kho lạnh như hiện nay, giúp người trồng khoai tây thu được lợi nhuận cao. Đồng chí Đỗ Thị Đoan Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN cho biết: Hiện nay các nghiên cứu cơ bản về phát triển giống cây, con mới của các đơn vị nghiên cứu Trung ương được triển khai thực hiện rất nhiều. Đây là kênh cung ứng những nghiên cứu cơ bản chính thống, mang tính ứng dụng cao. Do đó, Trung tâm đang nỗ lực lựa chọn những công trình nghiên cứu hữu ích nhất với địa phương để sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trước khi chuyển giao cho người dân sản xuất góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, cung ứng một số giống cây chủ lực chất lượng cao để nông dân mở rộng sản xuất nông sản hàng hóa. Tuy nhiên việc lựa chọn công nghệ, kỹ thuật mới để ứng dụng vào sản xuất trên địa bàn tỉnh ta cũng còn nhiều khó khăn do nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động KHCN hằng năm của tỉnh còn hạn chế. Đa số người dân chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất; ở một số nơi, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc để tuyên truyền, vận động và đồng hành cùng người dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất…

Để nâng cao hiệu quả công tác lựa chọn công nghệ, kỹ thuật mới để ứng dụng vào sản xuất, trong thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật; chủ động tìm kiếm công nghệ, kỹ thuật mới ở các đơn vị nghiên cứu chuyển giao công nghệ hàng đầu như: Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Nghiên cứu rau quả; các trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học thực vật, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa cây cảnh (Bộ NN và PTNT)… để lựa chọn những công nghệ kỹ thuật thiết thực nhất phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ KHCN, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com