Đổi mới hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ

07:12, 22/12/2016

Từ nhiều năm nay, việc triển khai các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất được Sở KH và CN tiến hành theo hướng chuyên sâu nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn nảy sinh trong sản xuất, đời sống sinh hoạt của địa phương. Hướng làm mới này nâng cao hiệu quả thực tiễn của các dự án khoa học thực hiện trên địa bàn và tránh lãng phí do đầu tư dàn trải thiếu thực tế.

Chăm bón khoai tây giống trồng theo phương pháp khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở KH và CN).
Chăm bón khoai tây giống trồng theo phương pháp khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở KH và CN).

Với quan điểm đó Sở KH và CN đã đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn các đề tài, dự án khoa học thiết thực có tính khả thi gắn với địa chỉ và phần việc cụ thể. Trong đó tập trung lựa chọn nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất các sản phẩm chủ lực, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn, năng suất, chất lượng cao để sản phẩm nhanh chóng có được thương hiệu, thị trường và giá trị thương mại cao. Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, các đề tài nghiên cứu, ứng dụng KHCN tập trung vào hoàn thiện kỹ thuật canh tác, chăn nuôi an toàn gắn với chế biến nông sản; trong lĩnh vực CN-TTCN tập trung điều tra đánh giá hiện trạng công nghệ một số ngành chủ lực trong tỉnh để có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; nghiên cứu đề ra các giải pháp phát triển làng nghề TTCN và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Với định hướng này, có những lĩnh vực nhiều dự án khoa học đã được triển khai nối tiếp nhau để giải quyết đến cùng những vấn đề khó khăn phát sinh. Cách đây vài năm, Sở KH và CN tập trung hỗ trợ các địa phương trong tỉnh có sản phẩm truyền thống đặc trưng xây dựng thương hiệu thông qua việc ghi nhận chỉ dẫn địa lý. Qua đó, nhiều sản phẩm đặc sản địa phương như gạo tám xoan Hải Hậu, rượu nếp Yên Phú, nước mắm Giao Châu, đồ gỗ La Xuyên, cá bống bớp Nghĩa Hưng được hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Thành công này không chỉ nâng cao giá trị của sản phẩm mà còn khẳng định cơ sở pháp lý cho các đặc sản của địa phương khi tham gia vào thị trường tiêu thụ hiện đại cũng như bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp thương mại xảy ra. Tuy nhiên sau khi xây dựng chỉ dẫn địa lý thành công, không phải sản phẩm nào cũng phát triển được như mong muốn ban đầu. Trong đó, sản phẩm gạo tám xoan Hải Hậu, nước mắm Giao Châu không quản lý được nhãn hiệu, bị hàng giả, hàng nhái lấn lướt; sản phẩm rượu nếp Yên Phú vẫn chưa đạt chuẩn một vài chỉ tiêu chất lượng… Trước những hạn chế này, Sở KH và CN đã phối hợp với người dân trong chính làng nghề và các chuyên gia cùng tìm hiểu, xác định được nguyên nhân của những hạn chế này là do người dân trong các làng nghề chưa quen với việc tuân thủ quy định mang tính bắt buộc khi thực hiện các cam kết bảo vệ nhãn hiệu nội bộ; thiếu tư duy thương mại hiện đại trong quá trình sản xuất, kinh doanh và thêm vào đó là cung cách sản xuất lạc hậu khiến cho độ ổn định sản phẩm kém… Không để lãng phí những nỗ lực về tiền của, công sức của cả tập thể chuyên viên, người dân làng nghề đã dày công tâm huyết sưu tầm những đặc tính duy nhất chỉ có ở sản phẩm địa phương để làm hồ sơ đề nghị công nhận chỉ dẫn địa lý, rồi tuyên truyền, vận động nhân dân cam kết tham gia thực hiện quy chế quản lý nhãn hiệu tập thể… Và điều quan trọng hơn là không để cho những sản phẩm đặc trưng của địa phương bị lấn át, Sở KH và CN tiếp tục phối hợp với các địa phương tìm nguồn đầu tư để giải quyết những tồn tại này. Do đó huyện Hải Hậu tiếp tục hỗ trợ tham gia dự án “Tăng cường xây dựng nông thôn thông qua phát triển chỉ dẫn địa lý nông sản ở cấp khu vực châu Á”. Tại hợp phần này, trong thời gian từ tháng 11-2015 đến tháng 6-2016, UBND huyện Hải Hậu và Hiệp hội Gạo Tám Xoan Hải Hậu được hỗ trợ nâng cao năng lực kiểm soát nội bộ và chứng nhận độc lập cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Gạo Tám Xoan Hải Hậu”, nhằm đảm bảo cho nông dân canh tác lúa Tám Xoan tuân thủ đúng quy trình, chế biến đúng phương pháp, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Để góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, Sở KH và CN tiếp tục hỗ trợ người dân làng nghề dự án phát triển nhãn hiệu tập thể “Rượu nếp Yên Phú”. Trên cơ sở đó, sản phẩm rượu nếp Yên Phú sẽ được nghiên cứu sử dụng công nghệ bổ sung enzym để tạo độ ngọt, thơm; bóc tách triệt để giảm hàm lượng axít axêtic, aldehyde, methanol… có trong rượu và hỗ trợ hướng tới sản xuất rượu theo phương thức truyền thống trên quy mô công nghiệp để có đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước. Với cách làm này, sản phẩm rượu nếp Yên phú được trang bị đầy đủ cơ sở pháp lý, chất lượng sản phẩm và kênh thương mại để tiêu thụ ổn định.

Trong lĩnh vực NN và PTNT, Sở KH và CN quyết định cho Cty TNHH một thành viên Minh Dương (TP Nam Định) triển khai dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình chuỗi sản xuất chế biến khoai tây thương phẩm chất lượng cao” ngay khi dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống khoai tây sạch bệnh” gần kết thúc. Xuất phát từ thực tế ứng dụng KHCN trong việc sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và phương pháp khí canh với dự kiến đến năm 2018 tỉnh sẽ xây dựng được một hệ thống sản xuất giống khoai tây sạch bệnh từ nguồn củ giống gốc theo công nghệ khí canh quy mô công nghiệp với năng suất đạt 500 nghìn củ giống gốc/năm; 1.000-1.200 tấn giống xác nhận/năm; cung cấp 50% nhu cầu giống khoai tây sạch bệnh cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Tương ứng với việc ổn định nguồn giống chất lượng cao thì diện tích trồng và sản lượng khoai tây sẽ tăng lên, áp lực đối với việc tiêu thụ khoai tây thương phẩm ngày một lớn. Dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình chuỗi sản xuất, chế biến khoai tây thương phẩm chất lượng cao” được triển khai đã góp phần giải quyết một phần vấn đề. Theo đó, Cty TNHH Minh Dương đầu tư công nghệ sấy chân không với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại như: kho lạnh cấp đông bảo quản nguyên liệu theo đúng quy trình kỹ thuật, dây chuyền sấy chân không, đóng gói... thực hiện khép kín từ khâu sơ chế nông sản đến hoàn thiện sản phẩm. Đây là công nghệ sấy khô nông sản hiện đại nhất được đầu tư trong khu vực. Với công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất nên thành phẩm đầu tiên ngô nếp sấy xuất xưởng đã đạt những ưu điểm vượt trội như: giòn xốp, độ thẩm thấu dầu thấp; không đổi màu, không caramel hóa, giữ được màu, mùi vị tự nhiên của thực phẩm và đặc biệt là không bị vi khuẩn xâm nhập trong suốt quá trình chế biến. Công suất trung bình của hệ thống là sơ chế khoai tây tươi/1 ngày là 4-5 tấn, tổng công xuất 1 tháng là 110-130 tấn (bằng gần 50% sản lượng khoai tây thương phẩm mỗi năm).

Trên đây là 2 dự án khoa học tiêu biểu thực hiện theo chủ trương đổi mới dự án nghiên cứu ứng dụng KHCN. Có thể nói, hoạt động ứng dụng tiến bộ KH và CN năm 2016 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các dự án KH và CN đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn, giải quyết được những vấn đề bức thiết của từng địa phương. Thông qua các dự án KHCN đã giúp người dân nâng cao nhận thức về tiến bộ KH và CN là nguồn lực thiết thực giúp người dân làm giàu, xây dựng NTM gắn với cơ chế thị trường. Đồng thời, với việc đưa các tiến bộ KH và CN về cơ sở đã khai thác tốt các lợi thế, tiềm năng cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trên địa bàn tỉnh. Để các mô hình ứng dụng KH và CN ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh, cần phải tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng KH và CN, gắn việc ứng dụng KH và CN với sản xuất và đời sống cũng như nhu cầu xã hội, từng bước tạo ra sự chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com