Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp đô thị

07:12, 08/12/2016
Phát triển nông nghiệp đô thị là bài toán khó cho cả chính quyền và người dân bởi yêu cầu làm sao cân bằng được hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường và giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, đáp ứng mục tiêu xây dựng đô thị sinh thái bền vững tương lai trong điều kiện đất đai bị thu hẹp, lực lượng lao động nông nghiệp chuyển dần sang các hoạt động dịch vụ, công nghiệp… Để phát triển nông nghiệp đô thị, tất yếu phải tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng những mô hình kinh tế đô thị hội tụ đủ các tiêu chí vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần tạo dựng môi trường sinh thái.
Chăm sóc ngan theo mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị tại gia đình ông Hoàng Sỹ Khoản, xã Mỹ Xá (TP Nam Định).
Chăm sóc ngan theo mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị tại gia đình ông Hoàng Sỹ Khoản, xã Mỹ Xá (TP Nam Định).
Là một tỉnh nông nghiệp nên trong quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp ở các xã, phường ngoại thành, xã ven đô; các thị trấn trung tâm huyện và diện tích đất xen kẹt trong khu dân cư rất lớn. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng nông nghiệp đô thị như: trồng các loại hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản, sản xuất rau an toàn theo phương pháp thủy canh, cây trồng được sản xuất trong nhà lưới, thiết kế hệ thống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt và tưới phun sương; cải thiện môi trường sản xuất theo hướng an toàn, bền vững nhằm đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Thành phố Nam Định có 8/22 xã, phường có đất nông nghiệp với tổng diện tích 360ha. Để khai thác hiệu quả quỹ đất này theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, Phòng Kinh tế thành phố đã xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của thành phố theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Các cơ quan chức năng của thành phố đã thực hiện đồng loạt các giải pháp về tuyên truyền, phổ biến KHKT, cho nhân dân đi tham quan các mô hình kinh tế đô thị ở các địa phương khác và đưa ra một số chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Việc thực hiện Đề án đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, thể hiện rõ nét việc đưa KHKT vào để cải tiến hợp lý hóa sản xuất trong không gian đô thị. Trong đó, xã Nam Phong là đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Xã Nam Vân với mô hình tích cực ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nấm, sản xuất phân vi sinh từ rơm rạ và bảo vệ môi trường khu vực nuôi trồng thủy sản. Xã Lộc Hòa với thế mạnh chăn nuôi công nghiệp và nuôi những con giống đặc sản có giá trị kinh tế cao như gà đông Tảo, ếch Thái Lan và hươu. Xã Mỹ Xá có thế mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thiết kế gia trại tổng hợp thích ứng với điều kiện kinh tế đô thị… Đặc biệt nhiều gia đình ở các phường nội thành đã áp dụng mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh, khí canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm xanh hóa môi trường không chỉ chủ động được nguồn rau sạch cho gia đình mà còn cung ứng cho các gia đình khác có nhu cầu. Anh Trần Tuấn Anh, phường Lộc Hạ (TP Nam Định) là người đầu tiên áp dụng mô hình trồng rau thủy canh cho biết: Trồng rau thủy canh rất phù hợp với không gian đô thị bởi không phải làm đất, không có cỏ dại; không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, diệt cỏ dại; sản phẩm sạch đồng nhất; không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó phương pháp trồng rau này có thời gian thu hoạch ngắn hơn so với trồng rau trên đất, cho hiệu quả năng suất cây trồng cao hơn và có khả năng trồng ổn định quanh năm, cả trong điều kiện trái vụ. Vấn đề cần quan tâm của mô hình này là đầu tư ban đầu lớn cho việc lắp thiết bị và phải thật tỉ mỉ trong việc pha chất dinh dưỡng phù hợp cho cây trồng mới mang lại hiệu quả cao. Hiện tại trên thị trường đã có dịch vụ cung ứng thiết bị và dung môi phục vụ trồng rau theo phương pháp thủy canh và khí canh nên mô hình này nhanh chóng được nhân rộng. Tại gia đình ông Hoàng Sỹ Khoản, xã Mỹ Xá vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp nên sau khi diện tích đất canh tác của gia đình bị thu hẹp ông vẫn kiên trì hướng phát triển trang trại tổng hợp theo mô hình VAC trên phần diện tích còn lại. Ông chọn giải pháp tìm kiếm và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tổ chức lại sản xuất cho phù hợp. Ông đào ao nuôi cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên mặt ao và thiết kế hệ thống xử lý nước thải bi-ô-ga, kết hợp với trồng cây ven bờ tạo môi trường sinh thái cho vật nuôi. Phần đất nền được phân lô, xây chuồng hai tầng để nuôi gà ri, ngan, ngỗng để tiết kiệm diện tích. Nhờ cách làm này mà trên diện tích chỉ hơn 1.000m2 nhưng gia đình ông đã chăn nuôi được chục con lợn nái để lấy giống, 3-4 lứa lợn thịt (mỗi lứa 50-70 con) cùng hơn 1.000 con gà, ngan và vài tấn cá thương phẩm mỗi năm. Ông Hoàng Sỹ Khoản cho biết: Cách xây dựng chuồng trại này đã giúp gia đình tôi tận dụng được diện tích chăn nuôi, lại điều tiết khí hậu chuồng nuôi nên đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt. Toàn bộ chất thải chăn nuôi được xử lý triệt để không ảnh hưởng đến đàn vật nuôi cũng như môi trường xung quanh. Bên cạnh đó hệ thống chuồng trại trên mặt ao là điều kiện lý tưởng cho đàn cá đặc sản tránh rét qua đông và tránh nắng gắt của ngày hè nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mấy năm nay vào mùa đông thường có các đợt rét đậm, rét hại khiến các loại cá chim trắng, rô phi chết hàng loạt nhưng cá ở ao nhà tôi vẫn sống khỏe. Tại xã Nam Phong, Nam Vân, ngoài việc ứng dụng công nghệ vào trồng hoa, cây cảnh, mở rộng đối tượng nuôi để tăng thu nhập, tạo ra sản phẩm đặc trưng, các hộ dân còn kết hợp với việc trang trí nhà vườn, khu chăn nuôi thật đẹp để làm đẹp cảnh quan, không ô nhiễm môi trường mà còn đáp ứng nhu cầu giải trí xu hướng thư giãn điền dã của người dân thành phố vào mỗi dịp cuối tuần hay khi vào mùa đào, mai khoe sắc. Ngoài Thành phố Nam Định, mô hình nông nghiệp đô thị cũng đã xuất hiện ở các thị trấn, thị tứ trong tỉnh. Thị trấn Yên Định, Cồn (Hải Hậu) là các đơn vị phát triển mô hình nông nghiệp đô thị nhanh. Với lợi thế là các địa phương có nghề trồng hoa và cây cảnh nghệ thuật, doanh thu hằng năm từ nghề trồng hoa cây cảnh của Thị trấn Cồn đạt khoảng 5 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cao, ổn định cho hàng trăm hộ dân. Thu nhập bình quân mỗi ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt 370 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Nhìn chung những mô hình nông nghiệp đô thị ở các thị trấn, thị tứ đều được thực hiện rất thành công với mức thu nhập tăng từ 1,5 đến 8 lần so với trồng lúa. Bên cạnh đó, hiệu quả xã hội mà nông nghiệp đô thị mang lại là rất lớn, đặc biệt là khi phát triển theo các mô hình chuyên biệt để cung ứng nhiều dịch vụ cho đô thị như cung cấp cây xanh, hoa cây cảnh, hoa tươi và thực phẩm cho khách sạn, cung ứng dịch vụ du lịch, dịch vụ an dưỡng... là tiền đề cho việc xây dựng đô thị sinh thái hay “đô thị xanh” trong tương lai.
 
Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp đô thị nếu không được tổ chức tốt sẽ tác động tiêu cực đến môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cộng đồng. Do đó để nông nghiệp đô thị phát triển, các địa phương phải chú ý quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp tại các vùng đô thị theo hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với tiến trình đô thị hóa. Đẩy mạnh triển khai nghiên cứu ứng dụng KH và CN về nông nghiệp đô thị, trong đó chú trọng những dự án KHCN, chương trình khuyến nông đầu tư để giúp nông dân ở các vùng đô thị hóa thay đổi tập quán canh tác truyền thống, tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật công nghệ và mô hình quản lý tổ chức sản xuất mới, phù hợp với yêu cầu của môi trường, điều kiện sản xuất, tiêu thụ của đô thị. Xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách mới đối với nông nghiệp đô thị như việc đầu tư hỗ trợ sản xuất, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm để tạo đà, tạo thế cho nông nghiệp đô thị được hình thành và phát triển bền vững. Có như vậy thì sản xuất nông nghiệp tại đô thị mới phát triển bền vững, đúng hướng và khả thi./.
 
Bài và ảnh:  Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com