Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả ở Giao Thủy

08:05, 23/05/2016
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2015, giá trị bình quân 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện Giao Thủy là 202,15 triệu đồng/ha, cao gần gấp 2 lần giá trị trung bình của toàn tỉnh. Thành công này minh chứng cho hiệu quả của việc khuyến khích người dân tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) vào sản xuất.
 
Huyện Giao Thủy có 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều với nhiều hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện cả chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, huyện Giao Thủy chọn ứng dụng TBKT vào sản xuất làm đòn bẩy giúp nông nghiệp phát triển. Thực hiện chủ trương đó, huyện ủy, UBND huyện Giao Thủy tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực tìm hiểu, tham khảo các TBKT mới ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích canh tác. Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức tuyên truyền, tập huấn và tăng cường chuyển giao các TBKT mới; xây dựng mô hình trình diễn trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy, hải sản. Năm 2015, toàn huyện đã có hàng trăm mô hình ứng dụng TBKT vào sản xuất. Trong đó có 100 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, 50 mô hình nuôi thủy sản, làm muối… Tiêu biểu là các mô hình: cấy lúa, trồng rau an toàn theo hướng VietGAP; trình diễn các loại cây màu, phân bón, thuốc trừ sâu, khảo nghiệm giống lúa chịu mặn, lúa chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống ở hầu hết các xã trên địa bàn; nuôi con giống đặc sản như vịt trời, chim trĩ xanh ở xã Giao Tiến, Giao Lạc; nhân giống và nuôi thương phẩm các loại thủy, hải sản quý như cá hồng mỹ, đối mục, tôm càng xanh siêu đực, tu hài, ốc hương, sò huyết tại các xã Bạch Long, Giao Phong, Giao Thiện… Mô hình nuôi cá đối mục ở xã Bạch Long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cá đối mục là loài cá có sức sống rất tốt, sinh trưởng và phát triển nhanh, trọng lượng lớn và chất lượng thịt ngon. Thông thường cá nuôi trong vòng 1,5 năm sẽ đạt tiêu chuẩn cá thương phẩm với trọng lượng 0,6-0,8kg, trọng lượng tối đa của loài này có thể lên đến 8kg. Ưu thế vượt trội của cá đối mục là có thể sống và sinh trưởng tốt ở cả môi trường nước lợ, mặn và nước ngọt. Trong đó cá có thể chịu đựng được nhiệt độ từ 3-35 oC và độ mặn 0-40 phần nghìn; trong khi các đối tượng nuôi khác, ở nhiệt độ dưới 9 oC, độ mặn xấp xỉ 40 phần nghìn là có thể chết. Đặc biệt thức ăn chủ yếu của loại cá đối mục là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nuôi cũng như nuôi dưỡng mầm bệnh hại các loài thuỷ sản gồm: mùn bã hữu cơ, sinh vật sống trên mùn bã hữu cơ như các loài tảo sợi, tảo lam, tảo khuê, đa mao trùng, ấu trùng tôm và nhuyễn thể... Do vậy nuôi cá đối mục sẽ góp phần cân bằng sinh thái môi trường nuôi thủy sản, tạo cho tất cả các đối tượng nuôi khác một môi trường sống thuận lợi, an toàn nhất để sinh trưởng và phát triển. Đặc biệt khi nuôi ghép cá đối mục với tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng đã mang lại hiệu quả kép đó là cá đối mục lớn nhanh, tận dụng thức ăn thừa của tôm và tránh được ô nhiễm môi trường vùng nuôi, giúp cho tôm tránh được bệnh hội chứng gan tụy, loại dịch bệnh gây thiệt hại lớn trên con tôm nuôi hiện nay. Theo cơ quan chuyên môn, đây sẽ là mô hình nuôi bền vững, thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay. Mô hình này nếu được nhân rộng sẽ giúp đa dạng hóa đối tượng nuôi, giảm rủi ro ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với ngành nuôi thủy sản. Hiện tại, Sở KH và CN đang tập trung hỗ trợ Cty Thủy hải sản Minh Phú xã Bạch Long tiếp tục nghiên cứu quy trình kỹ thuật nuôi thả để phổ biến cho bà con trước khi nhân rộng. Bên cạnh việc đưa các con giống mới vào sản xuất đại trà làm phong phú cơ cấu con nuôi của huyện, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của các cơ quan chức năng trên địa bàn cũng nghiên cứu ứng dụng các công nghệ kỹ thuật cải tạo ao đầm, chế tạo hệ thống thoát thải khí độc đáy ao… Đặc biệt thời gian qua, công trình nghiên cứu cải tiến quy trình cấp nước trong nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững bằng hệ thống lọc âm trong ao nuôi của tác giả Nguyễn Văn Tuyển, Trung tâm Giống hải sản tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Là cán bộ kỹ thuật trực tiếp gắn bó với vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh, anh hiểu rõ tôm chân trắng có giá trị kinh tế cao, là đối tượng chủ lực trong chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tuy nhiên vài năm gần đây các hộ nuôi quá lạm dụng hóa chất trong quá trình nuôi gây mất cân bằng sinh thái môi trường nuôi, ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng con nuôi. Trước thực trạng đó, anh đã nghiên cứu đưa ra giải pháp sử dụng hệ thống lọc âm tại các ao nuôi thay cho hệ thống lọc nước nổi trước đây để hạn chế các sinh vật cạnh tranh trong ao nuôi mà không phải sử dụng hóa chất, tạo môi trường nuôi ổn định giúp con nuôi phát triển. Tại Trung tâm Giống hải sản tỉnh, các ao nuôi tôm cấp nước qua hệ thống lọc âm đều có năng suất cao hơn quy trình cũ từ 0,5 đến 1 tấn/ha/vụ. Hiện tại các cán bộ Trung tâm đang nỗ lực chuyển giao quy trình kỹ thuật này giúp các hộ nuôi trong vùng áp dụng để nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. 
Mô hình trồng đinh lăng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Giao An.
Mô hình trồng đinh lăng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Giao An.
Đối với trồng trọt, huyện đã chỉnh trang đồng ruộng, tạo cơ sở để hình thành các vùng sản xuất tập trung, thuận lợi cho việc ứng dụng TBKT vào sản xuất. Toàn huyện đã xây dựng được 18 cánh đồng mẫu lớn trồng lúa, trồng rau tập trung. 100% khu vực cánh đồng mẫu lớn trồng lúa, rau màu đều áp dụng những TBKT mới về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các biện pháp thâm canh tổng hợp; đặc biệt là việc tiếp nhận, khảo nghiệm tuyển chọn các giống cây trồng mới có giá trị kinh tế, phù hợp với đất đai, tập quán canh tác của địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điểm nhấn trong công tác ứng dụng TBKT trong canh tác lúa là huyện đã chuyển giao thành công việc đưa các giống lúa chịu mặn có tiềm năng năng suất cao như Nhị ưu 838 thích ứng cao nhất, tiếp đó là các giống Nam Dương 99, Kim Bài 399, CNR 02 và TX111 vào trồng cấy ở vùng đất nhiễm mặn nặng như Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Hải, Giao Thiện… Chị Hoàng Thị Hoa, xóm 7 xã Giao Hải cho biết: Được các cán bộ Phòng NN và PTNT hướng dẫn quy trình canh tác các giống lúa chịu mặn nên gia đình tôi và các hộ xã viên khác động viên nhau cấy giống TX111 hết diện tích, không để đất hoang. Giống này thích nghi với đồng đất nên cho năng suất cao, bình quân hằng năm luôn đạt 130 tạ/ha. Ngay tại vùng đất bị nhiễm mặn nhất xã cũng cho những hạt gạo dẻo thơm, ruộng không còn bị bỏ hoang hóa như trước đây. Điều này đã giúp người dân chúng tôi tin tưởng vào việc nghiên cứu, ứng dụng TBKT là động lực cho sản xuất phát triển.
 
Để tiếp tục nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng TBKT vào sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn toàn diện và hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó tập trung làm tốt khâu sản xuất giống, nuôi trồng thương phẩm và chế biến, nâng cao giá trị gia tăng trên từng sản phẩm nông sản, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com