Nghĩa Hưng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

07:01, 08/01/2015

Nhằm thúc đẩy CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, việc hỗ trợ nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) luôn được huyện Nghĩa Hưng quan tâm chỉ đạo, tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên từng diện tích canh tác.

Chăm sóc cà chua đông giống CT7 cho năng suất, chất lượng cao tại Thị trấn Quỹ Nhất.
Chăm sóc cà chua đông giống CT7 cho năng suất, chất lượng cao tại Thị trấn Quỹ Nhất.

Đi đôi với tiến hành dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất và kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng, UBND huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng Đề án “Chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2012-2015” nhằm đổi mới cơ cấu giống, hoàn thiện quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác đối với từng vùng địa lý và từng loại cây trồng. Đồng thời cử cán bộ kỹ thuật phụ trách ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tại các xã, thị trấn để trực tiếp xây dựng mô hình, hướng dẫn nông dân làm theo và chủ động hỗ trợ kinh phí cho việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất. Trên cơ sở đó, căn cứ vào điều kiện tự nhiên và thói quen canh tác của các xã, thị trấn, các cán bộ kỹ thuật nghiên cứu tìm ra các mô hình ứng dụng phù hợp nhất ở cả trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trong năm 2014, huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng được hơn 30 mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT mới. Bước đột phá trong ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất ở Nghĩa Hưng là đã áp dụng thành công 28 mô hình cấy lúa theo quy trình VietGAP ở 21 xã, thị trấn. Trong đó có 3 đơn vị xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 100ha là các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Thịnh và Nghĩa Phú. Tham gia mô hình, hàng nghìn hộ dân trong huyện đã liên kết sản xuất lúa theo nguyên tắc "3 cùng" (cùng trà, cùng giống và cùng phương pháp canh tác); tuân thủ quy trình quản lý sản xuất theo chuỗi, bao gồm: quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý cây trồng tổng hợp để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và đảm bảo an toàn môi trường. Giống lúa RVT và BT7 có chất lượng tốt, tiềm năng năng suất cao được UBND huyện chỉ đạo lựa chọn gieo cấy ở cả hai vụ trong năm, đồng thời sử dụng đồng nhất một loại phân bón đa dinh dưỡng, thuốc BVTV trong chăm bón lúa, áp dụng kỹ thuật canh tác theo mô hình sạ lúa hàng rộng, hàng hẹp và phát huy ưu thế của hiệu ứng hàng biên nên cây lúa khỏe, không phát sinh bệnh dịch gây hại, cho năng suất, chất lượng cao hơn so với canh tác theo phương pháp cũ. Kết quả không chỉ giảm chi phí về công lao động, giống, phân bón, thuốc BVTV mà năng suất lúa tăng gần 10 tạ/ha, lợi nhuận tăng thêm 12 triệu đồng/ha. Trong canh tác cây vụ đông, Nghĩa Hưng là địa phương đầu tiên trong tỉnh thành công trong việc mở rộng diện tích cây đậu tương trên đất hai lúa; áp dụng đồng thời nhiều biện pháp kỹ thuật trong quá trình trồng đậu tương để chống lại thời tiết khắc nghiệt, đảm bảo năng suất và tận dụng tối đa lợi ích cải tạo đất của cây trồng này. Theo đó, về chuẩn bị ruộng nông dân được hướng dẫn kỹ thuật tạo rãnh rộng 4-5m quanh ruộng và chạy dọc theo luống rộng 4-5m đào hố đầu ruộng giúp cây không bị úng khi có mưa lớn kéo dài, lại có nước dự trữ thuận tiện cho việc tưới dưỡng cây hằng ngày. Vào thời điểm thu hoạch cây đậu tương, người dân được hướng dẫn kỹ thuật phun nước muối pha loãng lên toàn bộ diện tích đỗ tương để cây đồng loạt rụng hết lá, chỉ việc thu hoạch chùm quả. Với cách làm này, việc thu hoạch vừa nhanh, lại tận dụng thân, lá cây đỗ tương tạo một lượng lớn chất hữu cơ làm giàu cho đất, cung cấp cho cây trồng ở mùa vụ kế tiếp. Theo tính toán người nông dân có thể giảm 10-12% lượng phân bón cho mỗi sào ở vụ tiếp theo mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng trong đất cho cây phát triển, góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường do giảm các loại phân bón hóa học. Còn nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao và có khả năng nhân ra diện rộng như các mô hình “Phát triển sản xuất giống lúa chất lượng”, “Đa dạng hóa cây rau màu vụ đông trên đất 2 lúa”; “Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây dưa lê”; “Cơ giới hóa đồng bộ trong thâm canh lúa”… Trong đó mô hình trồng rau cải bẹ cuộn trên đất 2 lúa tại xã Nghĩa Phong với diện tích 4,7ha đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian từ khi đưa cây giống ra ruộng đến khi thu hoạch từ 45 đến 65 ngày và thu hoạch 1 lần, cho thu nhập từ 3-5 triệu đồng/sào. Hiệu quả kinh tế cao nên vụ đông 2013 mô hình trồng rau cải bẹ cuộn đã được nhân rộng ở các xã Nghĩa Phong, Nghĩa Sơn với diện tích khoảng 7ha. Mô hình “sản xuất lúa chét trong vụ mùa 2014” tại xã Nghĩa Phong và Nghĩa Hùng đối với các giống BT7 - kháng bạc lá, CXT30, RVT đã cho thu hoạch nhanh sau 45-50 ngày, không tốn công làm đất, cấy… nhưng vẫn cho năng suất đạt từ 33,37-82,62 kg/sào tùy từng giống lúa. Bên cạnh đó, mô hình còn góp phần tháo gỡ khó khăn về thời vụ để chuẩn bị cho việc đưa cây vụ đông xuống chân đất 2 lúa. Đây là điều đặc biệt có ý nghĩa với các địa phương phát triển mạnh sản xuất cây màu vụ đông. Hay như mô hình sử dụng phân bón viên nén nhả chậm tại các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Bình, Nghĩa Tân, Nam Điền đã góp phần tăng năng suất cây trồng 5%, tiết kiệm được 4,4 triệu đồng/ha chi phí cho công lao động chăm bón lúa, giống. Đặc biệt ứng dụng công nghệ bón phân nhả chậm vừa hạn chế hiện tượng rửa trôi hay bốc hơi khi thời tiết khắc nghiệt, đồng thời còn bổ sung các nguyên tố trung vi lượng cần cho cây lúa. Thành công nhất là các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều được người dân đồng tình hưởng ứng và nhanh chóng nhân rộng diện tích ở các vụ sau.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp ở Nghĩa Hưng vẫn còn những hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đồng đều ở 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản. Cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn hỗ trợ mô hình ít, trình độ của nông dân không đều nên hiệu quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chưa cao. Một bộ phận nông dân vẫn dè dặt vì lo ngại khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, năng suất cây trồng cao nhưng lại khó tiêu thụ sản phẩm dẫn đến “được mùa, mất giá”, người sản xuất vẫn không được hưởng lợi. Để giải quyết vấn đề này, cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao./.

Bài và ảnh: Hương Tú
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com