Chiến lược khoa học công nghệ biển - "Bệ phóng" cho nền công nghiệp biển Việt Nam

01:10, 20/10/2011

Vì sao Việt Nam, một quốc gia với 3/4 diện tích là biển, có đường bờ biển dài 3.260km không kể các đảo xuyên suốt chiều dài từ Bắc tới Nam với nguồn tài nguyên vô cùng phong phú lại không phải là một cường quốc về biển? Câu hỏi này có thể tìm được "đáp án" tại đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Chiến lược khoa học công nghệ biển Việt Nam đến năm 2020" do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN và MT) chủ trì, được hoàn thiện vào cuối năm 2011.

Đề tài được thực hiện trong 2 năm (2010-2011), đến nay đã có những kết quả bước đầu. Đó là, sau khi nghiên cứu, điều tra, tổng hợp, các nhà khoa học đã phát hiện hàng loạt "lỗ hổng" lớn về nghiên cứu, cơ chế quản lý và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực này.

Hiện nay, các công trình nghiên cứu khoa học về biển có giá trị, có tính ứng dụng thực tiễn cao của chúng ta không nhiều (khoảng 5-6 công trình) và đều được thực hiện dưới sự giúp đỡ của nước ngoài như: Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nga... Như vậy về mặt tư liệu cũng như kết quả nghiên cứu chúng ta không được hoàn toàn chủ động, không có điều kiện điều tra, nghiên cứu lặp lại.

"Chiến lược khoa học công nghệ biển" là nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp biển Việt Nam phát triển.
"Chiến lược khoa học công nghệ biển" là nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp biển Việt Nam phát triển.

 Thiếu trang thiết bị và điều kiện tài chính khiến Việt Nam chưa thể tiến hành nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản ngoài biển xa mà chỉ làm được ở những vùng ven bờ, nơi có độ sâu 30m nước trở lại. Cũng vì lý do này nên những công trình mang tính chất điều tra, nghiên cứu chuyên sâu như tìm ra các quy luật ở biển Đông, tương tác biển, dự báo thiên tai, an toàn cảng biển, phát hiện mỏ khoáng sản mới phục vụ an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế biển còn rất hạn chế.

 Theo đánh giá của các chuyên gia, các nhà khoa học, khi tiếp cận với các nền khoa học tiên tiến trong hợp tác kinh tế, vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư thiết bị công nghệ cao để khai thác hiệu quả (trừ một số ngành kinh tế mũi nhọn như dầu khí), còn rất hạn chế. Nhiều ngành kinh tế biển vẫn đang khai thác biển bằng phương pháp truyền thống là chủ yếu.

Một số công trình điều tra, đánh giá cơ bản của chúng ta cũng đã và đang được thực hiện, song việc tiêu chuẩn hoá phương tiện ngay từ ban đầu còn yếu nên kết quả không cao, tính ứng dụng kém, thông tin sao chép nhiều và đặc biệt là không có giá trị về mặt pháp lý khi tiến hành đàm phán, thương thuyết với các đối tác nước ngoài.

 Trong khi đó, một số lĩnh vực quan trọng để phát triển nền kinh tế biển trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam còn "bỏ ngỏ" và chưa được xem là một dạng tài nguyên như nghiên cứu địa chất công trình đáy biển, địa chất khảo cổ học, nghiên cứu khôi phục lại cổ địa lý, cổ đại dương học, sự tiến hóa của thềm lục địa làm bài học để hướng về tương lai.

Nguồn năng lượng vô tận từ đại dương đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu ứng dụng làm tiền đề xây dựng nền công nghiệp biển như năng lượng gió, mặt trời, băng chảy hay công nghệ chế biến, công nghệ khai thác cũng không có những công trình nghiên cứu cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư cũng như phát triển nền kinh tế từ lĩnh vực này.

Đặc biệt, còn thiếu một công trình nghiên cứu khoa học về chính sách, xã hội biển mang tầm chiến lược, làm "điểm tựa" cho sự phát triển bền vững biển và hải đảo. Đâu đó, cũng đã có những công trình nghiên cứu nhưng vụn vặt, không toàn diện, không đồng bộ. Hiện chúng ta chưa có tài liệu quy hoạch, khai thác, sử dụng vùng biển đảo. Công việc quản lý biển đảo lâu nay vẫn chỉ dựa vào Luật Đất đai và một số Luật ngành như Thủy sản, Hàng hải.... Như vậy công cụ pháp lý để quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn rất mờ nhạt.

Theo ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, chủ nhiệm đề tài khoa học, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới những "khoảng trống" trong nền khoa học công nghệ biển Việt Nam là thể chế để quản lý ngành còn chưa thống nhất, chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp. Những vấn đề khác như thiếu cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu… cũng góp phần làm cho nền khoa học công nghệ biển Việt Nam thiếu và yếu.

Công trình khoa học "Chiến lược khoa học công nghệ biển đến năm 2020" đã phát hiện được những vấn đề còn tồn tại, chỉ ra những "khoảng trống" cần phải "lấp đầy" và đưa ra tư duy để tiếp tục phát triển. Vì vậy, khi chiến lược này được xây dựng và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, sẽ là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng vững chắc cho ngành công nghiệp biển Việt Nam phát triển bền vững./.

Theo: monre.gov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com