Giao Thủy đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phát triển kinh tế - xã hội

07:09, 28/09/2011
Cán bộ Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Giao Thuỷ điều hành hoạt động của "Trang thông tin điện tử tổng hợp Văn hoá - Du lịch".
Cán bộ Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Giao Thuỷ điều hành hoạt động
của "Trang thông tin điện tử tổng hợp Văn hoá - Du lịch".

Những năm gần đây, huyện Giao Thủy đã tập trung đẩy mạnh chương trình ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc tuyên truyền Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về CNTT đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, huyện ưu tiên vốn đầu tư để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp gắn liền với quá trình cải cách hành chính. Riêng năm 2010, huyện đã đầu tư 1,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT; 30 triệu đồng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Đến nay cơ quan huyện ủy, UBND huyện và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn huyện đã được trang bị đồng bộ máy vi tính với 3.499 máy để giải quyết công việc chuyên môn. Toàn huyện có 1.294/1.618 cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng về CNTT, trong đó có 70 người có trình độ CNTT từ cao đẳng trở lên; số cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử phục vụ công việc đã chiếm tỷ lệ khá cao. Hiện tại, cơ quan huyện ủy đã xây dựng và ứng dụng mạng nội bộ (mạng LAN) thông suốt với Văn phòng Tỉnh ủy; UBND huyện đã xây dựng hệ thống mạng LAN kết nối các phòng, ban trực thuộc UBND huyện với văn phòng HĐND, UBND các xã, thị trấn. Các ngành: GD và ĐT, Thuế, Tài chính, Ngân hàng, Kho bạc... đã có 100% máy tính sử dụng mạng Internet và đã đầu tư các phần mềm ứng dụng chuyên ngành. Tại khối doanh nghiệp và hộ gia đình, việc chủ động đầu tư thiết bị, máy móc và sử dụng Internet vào hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu đem lại hiệu quả. Toàn huyện hiện có 2.633 hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng máy vi tính và kết nối Internet. Đặc biệt cuối tháng 8-2011, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã chính thức đưa vào hoạt động thử nghiệm Trang thông tin điện tử tổng hợp Văn hóa - Du lịch với kinh phí đầu tư gần 100 triệu đồng bằng nguồn xã hội hóa, kinh phí hỗ trợ sự nghiệp KHCN năm 2011 của huyện và nguồn tiết kiệm chi thường xuyên của đơn vị. Dự kiến sau thời gian hoạt động thử nghiệm có hiệu quả, Phòng Văn hóa và Thông tin sẽ đề nghị UBND huyện cho phép nâng cấp thành cổng thông tin điện tử huyện Giao Thủy. Cổng thông tin điện tử sẽ tập trung tuyên truyền, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện hành; các quy định về thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước thường xuyên giao dịch và giải quyết các công việc có liên quan đến người dân và doanh nghiệp; đồng thời giới thiệu tiềm năng, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của huyện… Người dân và doanh nghiệp có khả năng tìm kiếm thông tin liên quan đến hoạt động của các cơ quan hành chính một cách nhanh chóng, dễ dàng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng xu thế hội nhập và công cuộc cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thời gian tới, huyện Giao Thủy phấn đấu sớm chuyển từ nền hành chính công hiện nay sang mô hình nền hành chính công điện tử, đến năm 2020 hầu hết các dịch vụ hành chính công được triển khai trực tuyến trên cổng thông tin điện tử. Huyện khuyến khích các ngành, các cấp trong huyện xây dựng website nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền pháp luật của ngành, của cấp đến doanh nghiệp, nhân dân được nhanh chóng, thuận lợi. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp và nhân dân nhận thức và hiểu biết về các dịch vụ hành chính thông tin điện tử. Tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT; phổ cập và nâng cao kỹ năng ứng dụng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, Nhà nước. Quan tâm nâng cao năng lực và quy mô của các cơ sở đào tạo nghề; xây dựng đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh việc đưa bộ môn tin học vào các trường phổ thông, ứng dụng rộng rãi giáo trình, giáo án điện tử trong dạy và học. Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chuyên trách CNTT đủ khả năng tiếp cận, chuyển giao công nghệ, quản trị hệ thống mạng, các cơ sở dữ liệu, các ứng dụng chuyên ngành của từng đơn vị, đáp ứng nhu cầu về phát triển ứng dụng CNTT của huyện./.

Bài và ảnh: Thúy Vy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com