Iran khẳng định lập trường cứng rắn về đàm phán hạt nhân

06:04, 13/04/2021

Trong tuyên bố thể hiện lập trường cứng rắn về đàm phán hạt nhân, Iran loại bỏ khả năng tham gia bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp hay gián tiếp với Mỹ nếu Washington từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu điều kiện đàm phán hạt nhân với Mỹ. Ảnh: Reuters
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu điều kiện đàm phán hạt nhân với Mỹ. Ảnh: Reuters

Ngày 10-4, Hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Tehran sẽ không đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp với Washington nếu như Mỹ không dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh, Iran và Mỹ có thể đàm phán trở lại sẽ phụ thuộc vào việc Washington có quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hay không. Cho đến khi đó, Tehran sẽ không tiến hành đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp với Washington. “Không có quốc gia nào trên thế giới từ bỏ an ninh quốc gia và tên lửa đang được sử dụng để bảo vệ đất nước”, nhà ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh. Ông Saeed Khatibzadeh lưu ý, tất cả các lệnh trừng phạt do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với Iran nên được dỡ bỏ. Ông nói thêm rằng, Iran và nhóm P4 + 1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và  Đức) cùng Liên minh châu Âu (EU) với tư cách là điều phối viên của JCPOA, đang làm việc để xác định danh sách đầy đủ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ thực sự nên dỡ bỏ. Đánh giá cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về JCPOA tại Vienna (Áo) kết thúc ngày 9-4 vừa qua, ông Saeed Khatibzadeh cho rằng cuộc họp đã đi đúng hướng và có những động thái tích cực từ nhóm P4+1. Ông Saeed Khatibzadeh nói thêm: “Các cuộc đàm phán tại Vienna cho thấy có thể đạt được tiến bộ nếu Mỹ sẵn sàng duy trì cam kết theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

JCPOA đã được Iran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) ký vào năm 2015. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận và gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Đáp trả lại, Iran đã tiến hành những bước đi giảm các cam kết theo thỏa thuận.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện rõ sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề hạt nhân Iran so với chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump. Sau khi nhậm chức, ông Joe Biden đã bày tỏ ý định quay trở lại JCPOA nếu Tehran tuân thủ trở lại các cam kết trong thỏa thuận. Trong khi đó, Iran nhiều lần khẳng định rằng nước này sẽ quay trở lại thực thi đầy đủ những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân với điều kiện Mỹ phải dỡ bỏ tất cả biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố rằng Tehran đã đưa ra một “lộ trình hợp lý” hướng tới việc khôi phục thỏa thuận, theo đó Mỹ sẽ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi Tehran thực hiện trách nhiệm của mình. Hiện nay, Mỹ và Iran vẫn đang ở thế giằng co do chưa bên nào chịu nhượng bộ trước.

Ngay sau khi kết thúc cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp về JCPOA tại Vienna với sự tham gia của đại diện các nước Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc, Đức và Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi nhấn mạnh, Tehran sẽ không ngừng từng phần của chương trình hạt nhân hiện tại cho đến khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và quay trở lại JCPOA. Việc Iran đưa các máy ly tâm tiên tiến làm giàu urani với tốc độ nhanh hơn vào hoạt động ngày 10-4 vừa qua là dấu hiệu cho thấy lập trường cứng rắn của nước này. Giới quan sát cho rằng, với động thái trên, Iran đang gây thêm áp lực lên Mỹ để Washington nhượng bộ hơn trong đàm phán./.

LÂM ANH


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com