Sự lựa chọn để ngỏ

08:10, 05/10/2020

Các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) đã đưa ra thông điệp rõ ràng đối với Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị cấp cao đặc biệt của khối vừa diễn ra, đó là hợp tác hoặc sẽ bị trừng phạt nếu An-ca-ra tiếp tục các hành động đơn phương. Thái độ cứng rắn của EU được cho là nhằm gây áp lực để Thổ Nhĩ Kỳ ngồi vào bàn đàm phán giúp làm dịu tranh chấp đang leo thang ở đông Địa Trung Hải.

Tàu khảo sát Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ được hộ tống bởi hai tàu hải quân, trên vùng biển Đông Địa Trung Hải. Ảnh: CNN
Tàu khảo sát Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ được hộ tống bởi hai tàu hải quân, trên vùng biển Đông Địa Trung Hải. Ảnh: CNN

Hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt từ lâu là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia thành viên NATO. Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu thăm dò địa chất Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở đông Địa Trung Hải đã gây ra những căng thẳng mới giữa hai nước. Tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia thành viên EU khiến nhiều quốc gia châu Âu ủng hộ Hy Lạp đã tham gia các hoạt động phối hợp trên biển. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tập trận cùng Mỹ, thì Hy Lạp tập trận chung với Pháp, I-ta-li-a và CH Síp. Như vậy, song song với việc triển khai chính sách “ngoại giao tàu chiến”, hai bên đã tiến hành các cuộc tập trận song hành nhằm răn đe lẫn nhau, làm leo thang căng thẳng ở khu vực, có nguy cơ dẫn tới cuộc đối đầu nguy hiểm nếu tình hình không được “hạ nhiệt”.

Mặc dù EU và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ lợi ích, nổi bật là hợp tác trong ngăn chặn làn sóng người di cư vào châu Âu, song đứng trước tranh chấp ở đông Địa Trung Hải, EU phải có những hành động nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia thành viên. Chính quyền Hy Lạp đã nhiều lần kêu gọi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi An-ca-ra từ bỏ những đòi hỏi sở hữu các tuyến hàng hải tại khu vực tranh chấp. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi các nước EU từ bỏ chính sách ủng hộ các nước thành viên của mình là Hy Lạp và CH Síp trong cuộc đối đầu về các quyền thăm dò năng lượng ở đông Địa Trung Hải. Hội nghị cấp cao vừa diễn ra là cơ hội để EU khẳng định tiếng nói của mình nhằm bảo vệ lợi ích của thành viên khối. Các nhà lãnh đạo EU đã cảnh báo “mọi lựa chọn vẫn nằm trên bàn” nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia “một cách xây dựng” trong nỗ lực xoa dịu tranh chấp lãnh thổ ở đông Địa Trung Hải. Vừa khẳng định EU muốn có một quan hệ tích cực với Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Lây-en vừa doạ sẽ sử dụng mọi công cụ và lựa chọn nếu An-ca-ra tiếp tục có các hành động đơn phương.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ dù luôn khẳng định quan điểm cứng rắn, song dưới nỗ lực trung gian của Đức, Chủ tịch luân phiên của EU trong sáu tháng cuối năm 2020 và trong bối cảnh EU sẵn sàng sử dụng “cây gậy trừng phạt”, An-ca-ra đã có những động thái thiện chí nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Sau một loạt cuộc gặp mang tính kỹ thuật giữa các đại diện quân sự Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ tại trụ sở của NATO, tổ chức hợp tác quân sự đa phương thông báo, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã lập một đường dây nóng nhằm tránh những va chạm bất ngờ tại đông Địa Trung Hải. Một cơ chế liên lạc song phương đã được thiết lập nhằm tạo điều kiện giảm xung đột quân sự trên biển và trên không. Đây được coi là bước đi “mang tính đột phá” giúp tạo một không gian cho các nỗ lực đối thoại nhằm giải quyết tranh chấp. Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen cũng khẳng định mục tiêu của EU là thúc đẩy đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt được ổn định và an ninh trong toàn khu vực, đồng thời bảo đảm tôn trọng đầy đủ chủ quyền và quyền chủ quyền của tất cả các nước thành viên EU. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan bày tỏ hy vọng Hy Lạp sẽ không bỏ lỡ cơ hội đối thoại, sau khi hai bên nhất trí sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về tranh chấp tại đông Địa Trung Hải.

Là một đối tác quan trọng của EU, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn làm gia tăng căng thẳng. An-ca-ra hiện đang gặp không ít trở ngại trong các cuộc đàm phán gia nhập EU. Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn nhận được thêm các chính sách ưu đãi về thị thực, du lịch, thương mại từ các nước EU. Bởi thế việc EU sử dụng “cây gậy” hay “củ cà rốt” phụ thuộc vào động thái từ Thổ Nhĩ Kỳ trong xử lý các vấn đề tranh chấp ở đông Địa Trung Hải. Mặc dù tất cả các lựa chọn vẫn để ngỏ, song mục tiêu của EU là thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để giảm đối đầu, nhằm ngăn chặn những “con sóng lớn” đang dậy lên phía đông Địa Trung Hải./.

BẢO ANH
Theo nhandan.com.vn

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com