Ngày 4-8, phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân đã cáo buộc Mỹ “bắt nạt lộ liễu” sau khi Tổng thống Donald Trump gây áp lực buộc TikTok bán cổ phần cho công ty Mỹ hoặc phải ngừng hoạt động tại nước này. Theo ông Vương Văn Bân, điều này đi ngược lại các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và các nguyên tắc cởi mở, minh bạch, không phân biệt đối xử của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ông này cũng nói rằng, Mỹ không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào nhưng đã sử dụng một khái niệm lạm dụng về an ninh quốc gia, đàn áp một cách vô lý những công ty không phải của Mỹ. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cơ sở an ninh quốc gia mà Mỹ sử dụng để “đàn áp các công ty Trung Quốc” là “vô căn cứ”, nhấn mạnh các công ty Trung Quốc tiến hành hoạt động kinh doanh theo quy tắc quốc tế và luật pháp Mỹ.

 TikTok trở thành “nút thắt” mới trong quan hệ Mỹ-Trung. Ảnh minh họa của Reuters.
TikTok trở thành “nút thắt” mới trong quan hệ Mỹ-Trung. Ảnh minh họa của Reuters.

Trước đó, ngày 3-8, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok của Trung Quốc sẽ không được kinh doanh ở Mỹ nếu không bán chi nhánh tại nước này vào giữa tháng 9 tới cho một công ty nào đó của Mỹ. Ông cũng bày tỏ đồng ý với việc hãng Microsoft đề nghị mua chi nhánh của TikTok. Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ đã gia tăng thêm áp lực đối với công ty mẹ của TikTok là ByteDance phải đạt được thỏa thuận mua bán với một công ty của Mỹ, trong bối cảnh Washington tuyên bố ứng dụng này đe dọa tới an ninh quốc gia. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng đưa ra một điều kiện, đó là bất kỳ thỏa thuận bán chi nhánh tại Mỹ của TikTok nào cũng đều phải nộp một khoản tiền cho Bộ Tài chính Mỹ, do cơ quan này đã giúp thương vụ được hiện thực hóa.

Được biết Microsoft đã chính thức tuyên bố quan tâm đến việc mua lại chi nhánh tại Mỹ của TikTok. Thương vụ này nếu thành hiện thực sẽ mang lại cho Microsoft cơ hội hiếm hoi để trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với các mạng xã hội khổng lồ khác như Facebook hay Snap. Hiện Microsoft cũng đang muốn mua chi nhánh của TikTok ở Canada, Australia và New Zealand. Microsoft cũng cho biết họ đang đàm phán với ByteDance để mua cổ phần của ứng dụng chia sẻ video này. Tuy nhiên, quá trình đàm phán cũng không phải dễ dàng, vì công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance không dễ gì từ bỏ TikTok. Ứng dụng mạng xã hội chia sẻ video này thực sự đã trở thành một hiện tượng toàn cầu và là sản phẩm có thể đưa ByteDance trở thành công ty toàn cầu như tham vọng. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, một nguồn thạo tin cho biết ByteDance thực tế muốn tách TikTok thành một công ty con độc lập, hơn là bán đứt ứng dụng nổi tiếng này cho Microsoft.

TikTok hiện có khoảng một tỷ người sử dụng trên khắp thế giới và 100 triệu người dùng tại Mỹ. Giới chức Mỹ những tuần qua bày tỏ quan ngại khả năng TikTok bị Bắc Kinh sử dụng cho mục đích bất chính. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay dữ liệu về người dân Mỹ mà các công ty như TikTok đang thu thập có thể gồm "nhận dạng khuôn mặt, thông tin về nơi cư trú, số điện thoại, bạn bè". Trước đó, Tổng thống Donald Trump và các quan chức khác trong chính quyền Washington đã liên tiếp đưa ra những cảnh báo về mối đe dọa an ninh từ các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho đến nay, TikTok và ByteDance phủ nhận mọi liên hệ với chính quyền Trung Quốc. Tổng giám đốc TikTok Mỹ Vanessa Pappas khẳng định công ty đang nỗ lực để mang đến "phần mềm an toàn nhất" cho người dùng.

Trước sức ép mạnh mẽ từ chính quyền Washington phải ngừng hoạt động, ByteDance đang xem xét thiết lập lại trụ sở của TikTok tại một thị trường chủ chốt khác bên ngoài Mỹ nhằm phục vụ tốt hơn cho người dùng toàn cầu. Từ trước đó, hồi đầu tháng 7, đã có thông tin cho biết ByteDance đang lên kế hoạch cải tổ TikTok và xem xét thiết lập trụ sở của công ty này ở nước ngoài hoặc thành lập một hội đồng quản trị mới, nhằm xoa dịu những lo ngại của chính giới Mỹ về ứng dụng này.

Theo qdnd.vn